Nhớ về 'Thủ đô gió ngàn'
Cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trở thành 'Thủ đô gió ngàn' - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Với vị trí chiến lược quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, trong lịch sử đấu tranh cách mạng, ATK Thái Nguyên là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn đặt căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong công cuộc đổi mới, địa phương này đã, đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Vùng đất lịch sử
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cả dân tộc chưa kịp hưởng niềm vui độc lập đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của thực dân Pháp và Người đã quyết định trở lại Việt Bắc xây dựng an toàn khu kháng chiến (ATK).
ATK Trung ương là một vùng nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc, chủ yếu thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) và Chợ Đồn (Bắc Kạn). Trong đó, Thái Nguyên được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Là một địa bàn quan trọng “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng.
Từ ATK Thái Nguyên có thể sang Sơn Dương hay Bắc Kạn rồi lại trở về Định Hóa với thời gian ngắn. Nhờ đó, hình thành nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc, luôn đảm bảo kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trong cuộc kháng chiến.
Như vậy, cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên trở thành “Thủ đô gió ngàn” - Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ một địa bàn lý tưởng để sống, làm việc, lãnh đạo toàn dân trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Những tên đất, tên làng như: Khau Tý (Điềm Mặc); Khuôn Tát (Phú Đình)... đã in dấu chân Bác và trở thành nơi về nguồn của con dân đất Việt ngày nay.
Trong nhiều tài liệu lịch sử chép lại, thôn Điềm Mặc nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa là nơi Bác ở lâu nhất (4 tháng 22 ngày). Chính tại đồi Khau Tý, Bác đã viết bài thơ “Cảnh khuya” họa nên cảnh đẹp nên thơ vùng núi rừng Việt Bắc nhưng chất chứa ưu tư của những đêm thao thức không ngủ vì vận mệnh đất nước. Cũng tại đây, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - tác phẩm hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhưng dấu ấn đặc biệt là ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo thuộc xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Ngày 1/1/1954, cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo giới thiệu của hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa: Tỉn Keo đáp ứng được các tiêu chí “Trên có núi, dưới có sông/Có đất ta trồng, có bãi ta chơi/Tiện đường sang Bộ Tổng/Thuận lối tới Trung ương/Nhà thoáng, ráo, kín mái/Gần dân, không gần đường”.
Kháng chiến thành công, ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia tay đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc trở về Hà Nội. Được biết, kể từ sau lần chia tay đó đến khi cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 7 lần trở lại thăm hỏi, động viên nhân dân, chỉ đạo Đảng bộ Thái Nguyên lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới.
Phát huy những giá trị của vùng đất kháng chiến
Lán Tỉn Keo năm xưa hiện là di tích quan trọng trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Tỉn Keo vẫn là căn nhà lá nhỏ đơn sơ. Bụi cây râm bụt Bác trồng vẫn bung hoa rực rỡ. Mấy cây trám quanh nhà vẫn tươi tốt bốn mùa... Theo chia sẻ của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa: Những năm qua, Di tích lán Tỉn Keo thường xuyên được tu bổ, chăm sóc, bảo vệ. Khi tới đây, nhân dân và du khách sẽ được ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, lắng nghe những câu chuyện về kháng chiến, về Bác Hồ - Người mà ngay từ khi đặt chân tới nơi đây đã được đồng bào Định Hóa kính trọng, đùm bọc, yêu thương.
Định Hóa nói riêng và vùng đất cách mạng Thái Nguyên nói chung đến nay vẫn còn không ít khó khăn, nhưng Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trọng tâm là duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao và bền vững, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Minh chứng cho quyết tâm này là qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực; triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp và đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; từng bước hiện thực hóa khát vọng “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.
Riêng trong 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thái Nguyên ước tăng 7,15% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,6 tỷ USD (tăng 12,8% so với cùng kỳ và đạt 60,1% kế hoạch năm).
Bên cạnh đó, địa phương cũng phê duyệt thêm 6 dự án cụm công nghiệp, với tổng mức đầu tư 4.185,79 tỷ đổng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là 10.368 tỷ đồng; trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn 9.492 tỷ đồng.
Đặc biệt, phát huy những giá trị của vùng đất kháng chiến, Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với du lịch văn hóa. Hiện nay, tỉnh tập trung xây dựng, phát triển 4 sản phẩm du lịch chính, gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE (kết hợp giữa du lịch với hội thảo), thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Với nhiều điểm đến hấp dẫn, những tháng đầu năm nay, tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên ước đạt 1,9 triệu lượt người, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây không chỉ là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là địa chỉ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch “về nguồn” của nhân dân.
Là “Thủ đô kháng chiến”, Thái Nguyên - địa chỉ đỏ của vùng Việt Bắc không chỉ hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kháng chiến mà giờ đây đang nỗ lực vươn tầm để trở thành điểm đến hấp dẫn trong công cuộc đổi mới, hội nhập; phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trở lại thăm Thái Nguyên năm 1964.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nho-ve-thu-do-gio-ngan-342517.html