Nhớ lời Bác Hồ dạy về 'thang thuốc tốt nhất'
Nhớ lời Bác Hồ dạy về 'thang thuốc tốt nhất'. Có phải Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bảo thủ, che giấu khuyết điểm?
Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thường sợ khuyết điểm, không dám nói rõ và sửa chữa khuyết điểm… như các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang tuyên truyền, kích động?
Và phải chăng như họ phán rằng: Không thể làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng mà cần phải đa nguyên, đa đảng mới loại bỏ hết sự trì trệ, yếu kém của Đảng Cộng sản, mới đưa đất nước Việt Nam phát triển được?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thực tế để thấy rõ được sự thật về sự xuyên tạc, chống phá trên.
Trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc tự phê bình và phê bình, coi đó là nguyên tắc sinh hoạt Đảng đồng thời cũng là quy luật phát triển của Đảng; phê bình và phê bình thật sự “là thang thuốc tốt nhất”. Trong Di chúc của mình, Bác Hồ dạy: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thẳng thắn vạch ra tác hại của việc không dám thừa nhận, sửa chữa khuyết điểm của Đảng và của từng cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” và theo Người: “Đảng viên, cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu”.
Người cho rằng: “Chúng ta không sợ sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”. Từ đó Người chỉ ra: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm” và yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt” hay: “Sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm… Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”. Làm được như vậy sẽ giúp cho “trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn cán bộ, đảng viên phải tự giác dám can đảm nhận rõ và tự sửa chữa khuyết điểm, trong đó cán bộ cần chủ động nêu gương: “Tự phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm, có lỗi mà không vạch ra, không khác gì người có bệnh mà không chịu khai với thầy thuốc…Muốn tự phê bình có kết quả, cán bộ các cấp nhất là cấp cao phải nêu gương trước”. Theo lời Bác Hồ dạy: “Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, có như thế có khác gì người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, lúc đó không cần ai khuyên bảo cũng tự vội vàng đi rửa mặt”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tổ chức, chính quyền không được che giấu mà phải tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên sửa chữa khuyết điểm của mình, của tổ chức. Người đánh giá vai trò của nhân dân, quần chúng trong phê bình cán bộ, đảng viên rất quan trọng và cần thiết. Do đó, phải tạo thuận lợi để quần chúng nhân dân làm tốt công tác phê bình cán bộ, đảng viên, tuyệt đối không gây khó khăn, cản trở: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng, phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”. Chỉ có như vậy thì công tác tự phê bình và phê bình mới thật sự có hiệu quả và tác dụng thiết thực.
Hồ Chủ tịch cũng đồng thời khuyên dạy cán bộ, đảng viên cần hết sức tránh những bất cập, tiêu cực trong tự phê bình và phê bình. Ví dụ như tránh thiếu dân chủ, mắc bệnh hình thức, dĩ hòa vi quý trong phê bình, Sự chân thành, đúng đắn, tình yêu thương đồng chí đồng đội hết lòng giúp đỡ lẫn nhau, có phương pháp hợp lý sẽ đem lại kết quả tốt đẹp trong tự phê bình và phê bình.
Cùng với tư tưởng đúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời là tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình. Đơn cử như trong bài báo về Tự phê bình đăng trên báo Cứu quốc tháng 1/1946, Người đã tự nhận lỗi: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”.
Học tập Hồ Chí Minh, từng cán bộ, đảng viên đã luôn chú ý tự giác rèn luyện phấn đấu để giữ gìn danh dự cán bộ, đảng viên, xung kích, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sự nỗ lực tự giác vượt khó từ chính mình đã tạo ra sức mạnh nội lực to lớn, góp phần thiết thực để Đảng ta luôn trưởng thành, phát triển, xứng đáng là đạo đức, văn minh, đủ tâm, đủ tầm lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam không ngừng vững mạnh đi lên.
Can đảm thừa nhận để sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ cũng là một trong những biện pháp quan trọng mà Đảng ta đặt ra và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 10/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy thì tổ chức đảng và đảng viên mới thật sự trong sạch, vững mạnh, có uy tín với quần chúng nhân dân”.
Tư tưởng và tấm gương sáng về tự phê bình và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng để cán bộ, đảng viên chúng ta học tập, noi theo.
Phạm Thái Hưng
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nho-loi-bac-ho-day-ve-thang-thuoc-tot-nhat-178172.html