Nhịp cầu nối những bờ vui (Bài 2): Hiến đất, hiến công trình vì... cầu

Cây cầu cứng bắc qua sông Hoàng ở thôn 5, xã Dân Quyền (Triệu Sơn) hàng chục năm tuổi đã 'già' đi theo năm tháng và hiện tại thì cây cầu này sẽ được thay thế bằng cầu mới... Tại thôn 5, nhiều hộ dân trong thôn đã hiến đất, hiến công trình vì chiếc cầu mới này...

Cầu thôn 5 dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Cầu thôn 5 dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Cây cầu mới thôn 5 có chiều dài 44,15m, rộng 8m với tổng mức đầu tư xây dựng gần 18 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Triệu Sơn làm chủ đầu tư. Cầu thôn 5 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Trước đó, cây cầu cũ với chiều rộng chỉ 2,5m, được xây dựng gần 60 năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù đã từng gia cố nhiều lần bằng nội lực của địa phương song những hư hỏng nặng khó có thể cứu vãn, trong đó đỉnh điểm phải kể đến sự hoen gỉ của mố cầu và bề mặt cầu bị thủng. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dân Quyền Lê Gia Quang nhớ lại: “Từ năm 2022, để khắc phục sự cố bề mặt cầu, xã không dám đổ bê tông vì sợ sập nên lại phải tìm hướng giải quyết khác. Cuối cùng, chúng tôi bàn tính đến việc là dùng lưới mắt cáo lót rồi đổ lên 1 lớp bê tông mỏng. Tất nhiên, chỉ là tạm thời. Lúc đó, nhiều loại xe bị cấm qua lại”.

Triệu Sơn đã từng gây “tiếng vang” bởi Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 22/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện ủy về “Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn, giai đoạn 2022-2025”. Dân Quyền là 1 trong những đơn vị thực hiện tốt cuộc vận động. Tính đến ngày 20/12/2024, xã có 1.283 hộ tham gia hiến đất với diện tích là 33.456,9m2. Riêng thôn 5, tại đường xóm cầu có 16 hộ tham gia hiến đất lần 1.

Gọi lần 1 bởi dù mới hiến đất mở rộng đường theo tinh thần Nghị quyết số 12 nhưng khi có chủ trương làm cầu và mở rộng, 16 hộ ở 2 bên đầu cầu vẫn đồng tình hiến đất, hiến công trình lần 2 để bảo đảm mặt đường rộng 8m. (Trước đó, đã mở rộng đường lên 6,5m). “Theo quy định về công trình cầu đối với đường giao thông nông thôn, khi bề rộng cầu lớn hơn chiều rộng của nền đường, cần phải mở rộng nền đường, đoạn chuyển tiếp vào cầu. Tuy nhiên, thêm một cuộc vận động hiến đất nữa là không đơn giản. Chúng tôi đã hình dung sự khó khăn ở lần 2 này. Nhưng mừng là Nhân dân lại tiếp tục đồng thuận”. Ông Lê Gia Quang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dân Quyền phấn chấn, cho biết.

Cũng theo ông Quang, việc mở rộng mặt đường rộng 8m còn bảo đảm cho sự kết nối lâu dài vì đây là con đường sau này đi sang huyệnThiệu Hóa, vừa phục vụ đi lại và sản xuất của Nhân dân nhưng đồng thời còn phục vụ khách thập phương khi đến tham quan, vãn cảnh chùa Bồ Hà, một địa điểm du lịch tâm linh của huyện nằm ở phía bên kia cầu.

Hộ ông Khương Sỹ Chung tiên phong phá bỏ tường rào để thực hiện việc hiến đất, hiến công trình lần 2 cầu thôn 5.

Hộ ông Khương Sỹ Chung tiên phong phá bỏ tường rào để thực hiện việc hiến đất, hiến công trình lần 2 cầu thôn 5.

“Nói không tiếc là không đúng nhưng cần phải có cái nhìn xa hơn...”, trưởng thôn 5, ông Lê Bá Công, nói. Không tiếc sao được khi những công trình tường rào vừa được xây dựng thì giờ lại phá bỏ, trong đó có hộ đã đầu tư khoảng 35 - 40 triệu đồng cho công trình này. “Mở rộng đường lên 8m tức mỗi hộ ở 2 bên phải hiến thêm 0,75m đất. Ở cuộc vận động lần 2, chúng tôi đưa ra cách làm, tức gia đình bên ngoài vẫn hiến đất nhưng các hộ bên trong hỗ trợ một phần, người góp của, góp công, mỗi nhà một ít để xây lại tường rào”, trưởng thôn Lê Bá Công cho biết thêm.

Hộ ông Hợp, ông Chung, những hộ ở ngay đầu cầu đã tiên phong trong hiến đất, hiến công trình lần 2. Theo ông Hợp, thì: “Khi có thông tin hiến đất lần 2, tôi cũng hơi giật mình vì nếu vậy cả 2 lần hiến nhiều quá. Nhưng nhận thấy, tiếp tục mở đường là cần thiết nên ngay sau khi cầu thi công, tôi đồng thuận ngay”.

Ở xã Dân Quyền có 7/8 cây cầu bắc qua sông Hoàng đều đã xuống cấp. Cây cầu ở thôn 5 là một trong số những cây cầu yếu nhất. Trước cây cầu này thì đã có 3 cầu được đầu tư, xây dựng. “Cây cầu là niềm mơ ước của người dân. Cũng chính vì điều này mà đối với thôn 5, các hộ đã biến tài sản cá nhân thành tài sản của tập thể, đặt lợi ích tập thể lên trên. Sự đồng thuận của bà con đã góp phần trong bảo đảm thi công cây cầu”, chia sẻ của ông Lê Gia Quang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Dân Quyền.

Bài và ảnh: Ninh Nghi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhip-cau-noi-nhung-bo-vui-bai-2-hien-dat-hien-cong-trinh-vi-cau-34936.htm