Nhiều trường ĐH khó đạt tỷ lệ GV trình độ tiến sĩ theo đúng lộ trình của chuẩn

Thông tư số 01 hiện đang là một trong những thách thức với nhiều trường đại học, đặc biệt là việc đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào ngày 05/02/2024. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/03/2024.

Trong đó, tiêu chí 2.3 về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ quy định: "Không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với các cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ.

Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ".

Song, hiện nay, tại một số trường đại học gặp khó khăn để đạt được tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ như trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2023-2024 của Trường Đại học Quảng Bình, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 53 người trên tổng số 164 giảng viên cơ hữu.

Cụ thể, tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Quảng Bình năm học 2023-2024 chiếm 32.32%. Trong đó có 24 giảng viên trình độ tiến sĩ thuộc khối ngành I, 5 tiến sĩ thuộc khối ngành III, 10 tiến sĩ thuộc khối ngành V, 13 tiến sĩ thuộc khối ngành VII, và 1 tiến sĩ môn chung. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên cơ hữu ở trình độ đào tạo khác (thạc sĩ, đại học) chiếm 67.68%. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ.

Đối sánh với tiêu chí 2.3, tiêu chuẩn 2 của Thông tư 01, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đã vượt yêu cầu 30% vào năm 2030. Tuy nhiên, nếu cơ sở giáo dục đại học định hướng đào tạo trình độ tiến sĩ thì nhà trường vẫn còn thách thức khi cần nâng tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ lên mức không thấp hơn 40% vào năm 2025 và không thấp hơn 50% vào năm 2030.

 Báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2023-2024 của Trường Đại học Quảng Bình. Ảnh: Chụp màn hình.

Báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2023-2024 của Trường Đại học Quảng Bình. Ảnh: Chụp màn hình.

Tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, theo báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2022-2023, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tính đến tháng 7/2023 là 19 người trên tổng số 112 giảng viên cơ hữu. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo đến trình độ đại học và thạc sĩ.

Theo đó, tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An chiếm 16.96%. Trong đó có 57 giảng viên cơ hữu theo ngành có trình độ tiến sĩ (45 tiến sĩ khối ngành III, 12 tiến sĩ khối ngành V); 5 giảng viên môn chung có trình độ tiến sĩ. Còn lại, 83.04% tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ đào tạo khác (bao gồm 92 giảng viên trình độ thạc sĩ, 1 giảng viên bậc đại học).

Có thể thấy, tỉ lệ sinh viên giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường cần tăng thêm ít nhất 3.04% cho đến năm 2025.

 Báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2022-2023 của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: Chụp màn hình.

Báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2022-2023 của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Ảnh: Chụp màn hình.

Đối với Trường Đại học Tiền Giang, trong báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2022-2023, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 35 người trên tổng số 290 giảng viên cơ hữu.

Có thể thấy, tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Tiền Giang chiếm 12.07%. Trong đó có 35 giảng viên cơ hữu theo ngành có trình độ tiến sĩ (5 tiến sĩ khối ngành I, 4 tiến sĩ khối ngành III, 2 tiến sĩ khối ngành IV, 21 tiến sĩ khối ngành V, 3 tiến sĩ khối ngành VII). Còn lại là 87.93% tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ.

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo đến trình độ đại học. Như vậy, tỉ lệ sinh viên giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường cần tăng thêm 7.93% để đạt chuẩn vào năm 2025 và từ năm 2030 toàn trường phải đạt không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ.

 Báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2022-2023 của Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Chụp màn hình.

Báo cáo Công khai thông tin đội ngũ giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục năm học 2022-2023 của Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Chụp màn hình.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hiện đang là một trong những thách thức với nhiều trường đại học, đặc biệt là việc đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ.

Là cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ, theo yêu cầu của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, từ năm 2025, nhà trường cần đảm bảo tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ "không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30%".

Tuy nhiên, đối với trường đại học địa phương, việc thu hút đội ngũ các giảng viên có trình độ tiến sĩ về công tác còn gặp một số khó khăn. Mặc dù địa phương đã có nhiều chính sách thu hút giảng viên có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên về tham gia giảng dạy tại trường, song hiệu quả thu hút chưa cao.

Trong khi đó, việc đào tạo tại chỗ cũng không phải dễ, nhà trường đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên học lên nghiên cứu sinh. Nhưng vấn đề giữ chân giảng viên trình độ cao vẫn là một bài toán khó bởi hạn chế về nguồn ngân sách. Ngoài ra, những điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế xã hội của địa phương cũng là nguyên nhân khiến chính sách thu hút nguồn nhân lực về làm việc chưa thực sự hiệu quả.

Từ khi thành lập Trường Đại học Tiền Giang đến nay, cơ sở đào tạo luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân tỉnh, từ trang bị điều kiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện xây dựng đội ngũ,... đến những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng nâng cao vị thế trong hệ thống giáo dục đại học trong nước. Sinh viên tốt nghiệp của nhà trường đã và đang đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục, kỹ thuật, nông nghiệp, du lịch,...

Từ trước những năm 2010, tỉnh đã có chế độ, chính sách thu hút giảng viên có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên về tham gia giảng dạy tại trường. Nhà trường thu hút được nhiều giảng viên có trình độ tiến sĩ từ nước ngoài về giảng dạy với mức đãi ngộ tốt.

 Ảnh minh họa. Nguồn: website Trường Đại học Tiền Giang.

Ảnh minh họa. Nguồn: website Trường Đại học Tiền Giang.

"Trường đại học phải cố gắng đạt được tối thiểu tỷ lệ tiêu chuẩn giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ. Dựa vào số liệu thống kê hiện nay, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của nhà trường đang đạt ở mức gần 20%. Lộ trình đến năm 2030, nhà trường cũng cần tiếp tục phấn đấu để không "đứng ngoài cuộc chơi".

Hiện nay, công tác đào tạo của nhà trường mang nhiều tính chất về thực hành, không đi theo hướng nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, cơ sở giáo dục vẫn định hướng đào tạo bậc cao đẳng và đại học, điều này cũng phù hợp với sứ mệnh của trường đại học thuộc địa phương", Phó giáo sư Võ Ngọc Hà chia sẻ thêm.

Để nhà trường tiếp tục phát triển, hoàn thành tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Nam Bộ và cả nước, vị lãnh đạo đề xuất, trong thời gian từng bước lên tự chủ, cơ sở đào tạo rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, đặc biệt là ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực về trường để giảng dạy.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ chế thu hút giảng viên chất lượng cao tham gia giảng dạy sẽ linh hoạt hơn do có sự chủ động về mặt tài chính. Còn đối với các trường đại học công lập, cần có chính sách thông thoáng để thu hút giảng viên, phù hợp cụ thể với Luật viên chức, chế độ tiền lương mới,…

Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, trường tạo điều kiện tốt nhất cho các thầy, cô tham gia giảng dạy như bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, có chế độ đãi ngộ riêng. Trường đặc biệt quan tâm đến năng lực giảng dạy của giảng viên cơ hữu bởi các thầy cô đã có khoảng thời gian gắn bó với trường.

Nhà trường ban hành nghị quyết nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên đi học nghiên cứu sinh. Trường sẽ giảm giờ dạy, hỗ trợ một phần chi phí học tập, nghiên cứu và sau khi tốt nghiệp về trường sẽ được thưởng; trong điều kiện giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhà trường sẽ điều chỉnh mức lương.

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhieu-truong-dh-kho-dat-ty-le-gv-trinh-do-tien-si-theo-dung-lo-trinh-cua-chuan-post245158.gd