Nhiều nỗ lực, quyết tâm để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Sau gần 7 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo 'thẻ vàng' về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ. Để vượt qua kỳ 'sát hạch' quan trọng vào tháng 10 tới, các tỉnh, thành có biển đang rất nỗ lực trong chống vi phạm IUU.

Cán bộ BĐBP Kiên Giang kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ BĐBP Kiên Giang kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Đăng Bảy

Tập trung vào nhóm đối tượng, tàu cá có "nguy cơ cao"

Kiên Giang có vùng biển rộng 63.290km2, với đường bờ biển dài hơn 200km; hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, 43 đảo có dân cư sinh sống. Đây là một trong 4 ngư trường trọng điểm đánh bắt hải sản của cả nước. Thời gian qua, cùng với 27 tỉnh, thành ven biển của cả nước, Kiên Giang đã tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn, chống vi phạm IUU. Báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đến cuối tháng 8/2024, có 100% tàu cá của Kiên Giang đã được đăng ký và cập nhật đầy đủ vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Các cơ quan chức năng đã triển khai đăng kiểm, đánh dấu, đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với 2.708 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) và tổ chức rà soát, cập nhật thông tin để đồng bộ hóa dữ liệu nghề cá với dữ liệu quốc gia về dân cư. Công an, BĐBP và lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã xử phạt 342 vụ vi phạm trên biển, với tổng số tiền 5,8 tỷ đồng; xử phạt 237 vụ vi phạm thiết bị giám sát hành trình (VMS), với tổng số tiền 22 tỷ đồng.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC trong năm 2024, ngày 5/6, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chống IUU tỉnh Kiên Giang đã ký, ban hành Kế hoạch 182, giao cụ thể cho từng sở, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh. Trong đó, BĐBP Kiên Giang được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải bảo đảm kiểm tra 100% tàu cá xuất, nhập qua trạm kiểm soát Biên phòng phải có đầy đủ giấy tờ, có lắp đặt thiết bị VMS và hoạt động bình thường. Phối hợp với Công an và cơ quan chức năng chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép...

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy BĐBP Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh đã giao cho đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tập trung vào nhóm đối tượng, tàu cá có "nguy cơ cao" vi phạm IUU, nhất là vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp.

Ứng dụng số hóa trong chống vi phạm IUU

Là địa phương duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm IUU. Một trong những giải pháp nổi bật mà hiện nay địa phương đang áp dụng là tăng cường ứng dụng số hóa vào quản lý, tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình trên biển nhằm kịp thời ngăn chặn tàu cá ngư dân đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài... Nhiều phần mềm đã được ứng dụng trong quản lý, phục vụ sản xuất, nổi bật như: Phần mềm Nông nghiệp Cà Mau; truy xuất nguồn gốc thủy sản eCDT; Blokchain...

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau tuần tra bảo vệ địa bàn. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Cà Mau tuần tra bảo vệ địa bàn. Ảnh: Đăng Bảy

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, với ứng dụng này, mọi cấp độ người dùng trên ứng dụng ở các vai trò cấp tỉnh, huyện, xã tham gia quản lý, giám sát, số hóa dữ liệu tàu cá được thực hiện dễ dàng thông qua trình duyệt web trên máy tính hoặc thông qua ứng dụng trên thiết bị di động. Tất cả thông tin sẽ được lưu trữ và phân quyền truy cập tập trung trong ứng dụng theo chức năng của từng đơn vị từ cấp xã đến huyện, thành phố, tỉnh.

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, có trên 4.000 tàu cá còn hạn giấy phép khai thác, đạt 98,5%; trên 2.500 tàu cá còn đăng kiểm, đạt 84,76%; 100% tàu cá đang hoạt động được đánh dấu, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kiểm soát 4.524 lượt tàu cá cập, rời cảng; sản lượng thủy sản qua cảng đạt 8.931 tấn; không có tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Tuyên chiến với tàu “3 không”

Là một trong những tỉnh có số lượng tàu “3 không” nhiều nhất nước với hơn 2.500 chiếc, nhưng với quyết tâm cao và nhiều nỗ lực, Bình Thuận là một trong những tỉnh tiên phong trong việc đăng ký tạm thời số lượng lớn tàu “3 không”. Để thể hiện quyết tâm cao trong chống vi phạm IUU, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã gửi “thông điệp”: Chủ tịch UBND các huyện, thị sẽ chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để phát sinh tàu cá “3 không” sau ngày 6/5/2024 và yêu cầu cả hệ thống chính trị dồn lực tập trung đợt cao điểm để hoàn thành thực hiện đăng ký tàu “3 không” trước ngày 15/9/2024. Song song với việc rà soát, hỗ trợ ngư dân hoàn thành việc đăng ký, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá “3 không” phát sinh do đóng mới, mua bán trái pháp luật.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, đến nay, đã cấp đăng ký tạm được 2.499/2.531 tàu cá “3 không” (đạt 98,7%). Như vậy, đến ngày 15/9/2024, hơn 2.500 tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh sẽ có hồ sơ hợp pháp để quản lý, góp phần giúp cho địa phương giải quyết một trong những trở ngại lớn trong việc khắc phục IUU và con đường gỡ “thẻ vàng” sẽ bớt gập ghềnh.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 5.338 lượt/619 tàu mất kết nối trên biển trên 6 giờ không thông báo về bờ. Để hạn chế tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với BĐBP tỉnh và các ngành liên quan đánh giá việc xử lý nghiêm túc theo đúng pháp luật. Với những tàu cá mất kết nối VMS, Trung tâm giám sát tàu cá cần có kết luận rõ ràng cho từng vụ việc, nguyên nhân vi phạm để xử lý triệt để, tránh tình trạng đổ thừa cho nhà mạng, mất sóng, hết cước...

Với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, của các ngành, các cấp, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành ven biển, hy vọng Việt Nam sẽ tiến tới chấm dứt việc vi phạm IUU, gỡ "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC vào tháng 10/2024.

Phương Vy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhieu-no-luc-quyet-tam-de-go-the-vang-iuu-post480619.html