Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm
Theo báo cáo, trong quý I/2024, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng so với cùng kỳ; quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách được bảo đảm kịp thời, đầy đủ; công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; bộ máy tổ chức tiếp tục được kiện toàn, nhất là việc thành lập cơ quan Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế của ngành trong sự nghiệp an sinh xã hội đất nước.
Theo đó, các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm xã hội gần 17,4 triệu người, tăng 1,6%; trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 15,9 triệu người; bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 1,4 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,2 triệu người, tăng 1,67%. Số người tham gia bảo hiểm y tế gần 90,2 triệu người, tăng 0,28%...
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ…
Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tháng 4/2024, đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương cho biết, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ trên địa bàn, ngay trong những tháng đầu năm, các giải pháp trọng tâm được các tỉnh tập trung đẩy mạnh, là: Công tác tham mưu chính quyền địa phương có thêm chính sách hỗ trợ người khó khăn tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường công tác truyền thông; phân công cán bộ thu bám sát cơ sở, đơn vị sử dụng lao động để đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đúng, đủ, kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người lao động…
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bảo hiểm xã hội, những địa phương có số lao động lớn, như: Bình Dương, Đồng Nai… sự phục hồi chậm chạp của các doanh nghiệp khiến số lao động sụt giảm trong hai tháng đầu năm, kéo theo sự sụt giảm số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có dấu hiệu khởi sắc hơn từ tháng 3/2024. Nhiều giải pháp tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được các địa phương triển khai, tập trung vào công tác truyền thông, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương…
Phân tích rõ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chỉ tiêu thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024, Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết: Mặc dù số người tham gia tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng so với thời điểm cuối năm 2023, hầu hết các địa phương vẫn trong tình trạng sụt giảm số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chỉ riêng Hà Nội có chỉ số này gia tăng; tình trạng cũng tương tự với số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.
Một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay, đó là các Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã và đang được kiện toàn đến cấp xã, nhưng lại thiếu sự gắn kết, trong khi đây là nơi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chính trị này; đồng thời, vẫn còn sự thiếu kết nối giữa các Ban chỉ đạo với hệ thống tổ chức dịch vụ thu, cho nên chưa tối ưu hóa được hiệu quả của cả hai hệ thống này.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội nhiều địa phương chưa thực hiện đúng hướng dẫn về rà soát dữ liệu thuế, chưa hoàn thành kịch bản phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Vì vậy, để tăng tốc hơn nữa trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ông Dương Văn Hào đề nghị, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần quan tâm đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động phát triển người tham gia, trên cơ sở có giải pháp khắc phục các hạn chế nêu trên; cần nâng cao chất lượng các tổ chức dịch vụ thu; tập trung rà soát dữ liệu thuế; tăng cường kiểm soát rủi ro liên quan…
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cũng cho biết, qua nắm bắt thực tế hoạt động của các Ban chỉ đạo cho thấy, vẫn đang thiếu kiểm tra, giám sát ở địa phương, cũng như thiếu sự hỗ trợ, tập huấn cho các Ban chỉ đạo cấp xã trong hoạt động tuyên truyền, vận động người dân. Phó Tổng Giám đốc yêu cầu, các bộ phận nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội địa phương cần hướng dẫn đến từng xã bảo đảm sát với thực tế; cần làm rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ…
Ưu tiên bảo đảm quyền lợi cho người tham gia chính sách
Thông tin về những đánh giá của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Theo đánh giá, quý I/2024, trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện; kết quả tháng 3/2024 cao hơn tháng 1 và tháng 2; tình hình quý I/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực; công tác an sinh xã hội có những “điểm sáng”. Với những kết quả toàn ngành đã đạt được trong quý I, đây sẽ là cơ sở để ngành tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ trong quý II/2024 và những tháng cuối năm.
Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát các chỉ đạo của ngành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trên địa bàn trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.
Đáng chú ý, về công tác thu, phát triển người tham gia, cần tăng cường vai trò, hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp, phát huy vai trò người đứng đầu, giao chỉ tiêu, đánh giá, kiểm tra, kiểm điểm. “Toàn ngành cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận mọi thông tin về bảo hiểm xã hội. Khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành để kiểm soát rủi ro; kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; phát huy tính chủ động của từng đơn vị; chú trọng đào tạo, tập huấn…”- Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.