Nhiều điểm mới trong tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Hà Nội

Năm 2025, Trường Đại học Hà Nội giữ nguyên 3 phương thức xét tuyển nhưng có một số điểm mới nổi bật như nhân đôi điểm môn ngoại ngữ; thống nhất một mức điểm trúng tuyển; mở rộng tổ hợp xét tuyển ở một số ngành và chương trình đào tạo;....

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, theo thông tin tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Hà Nội vừa công bố, năm nay Nhà trường vẫn giữ nguyên 3 phương thức tuyển sinh nhưng có một số điểm mới nổi bật. Cụ thể như sau:

Nâng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào lên 22 điểm (theo thang điểm 40) với tổ hợp 3 môn xét tuyển

Từ năm 2024 trở về trước, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (Điểm sàn xét tuyển) đại học hình thức chính quy là tổng điểm 03 môn thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh từ 16 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 của 03 môn thi, không nhân hệ số 2 môn thi Ngoại ngữ).

Năm 2025, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tổng điểm 03 môn thi mỗi tổ hợp: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, Tiếng Anh hoặc Toán, Tin học, Tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ 22 điểm trở lên (theo thang điểm 40, môn thi Ngoại ngữ nhân hệ số 2).

Nhân đôi điểm môn ngoại ngữ ở tất cả các chương trình đào tạo

Khác với các năm học trước đây, năm 2025, các tổ hợp môn xét tuyển vào 27 chương trình đào tạo chính quy đại học của Nhà trường (trừ ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam xét tuyển lưu học sinh nước ngoài) đều được nhân đôi điểm môn Ngoại ngữ.

 TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội

TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội

Thống nhất một mức điểm trúng tuyển cho mỗi ngành/chương trình đào tạo

Các năm học trước đây, một ngành/chương trình đào tạo có các phương thức xét tuyển khác nhau thì điểm trúng tuyển ở mỗi phương thức sẽ khác nhau. Tuy nhiên, năm 2025, Nhà trường quy định điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, phương thức tuyển sinh sẽ thống nhất một mức điểm trúng tuyển cho mỗi ngành/chương trình đào tạo (theo thang điểm 40, môn thi Ngoại ngữ nhân hệ số 2).

Chỉ còn 4 nhóm đối tượng xét tuyển kết hợp

Năm 2025, theo dự kiến, sẽ chỉ còn 04 đối tượng thí sinh thuộc diện xét tuyển kết hợp gồm: Thí sinh có các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế và quốc gia; Thí sinh có kết quả thi SAT, ACT & A-levels; Thí sinh là học sinh các lớp chuyên, lớp song ngữ thuộc trường THPT chuyên; Thí sinh đạt giải Nhất-Nhì-Ba cấp tỉnh/thành phố năm học 2024-2025.

Có thể thấy, so với các năm trước đã lược bỏ 2 nhóm đối tượng thí sinh tham gia xét tuyển kết hợp gồm: Thí sinh là học sinh THPT có kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và thí sinh có kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; Thí sinh là thành viên đội tuyển HSG cấp Quốc gia, thí sinh tham dự cuộc thi KHKT cấp Quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, thí sinh tham dự Vòng thi tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam.

Mở rộng tổ hợp xét tuyển ở một số ngành/chương trình đào tạo

 Năm 2025, Trường Đại học Hà Nội có nhiều điểm mới trong tuyển sinh (Ảnh: FBNT)

Năm 2025, Trường Đại học Hà Nội có nhiều điểm mới trong tuyển sinh (Ảnh: FBNT)

Tổng điểm để xét tuyển

Đối với Phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của Trường:

Điểm xét tuyển = Điểm Trung bình chung (TBC) + Điểm ưu tiên (nếu có) x 4/3 + Điểm cộng khuyến khích

Trong đó:

- Điểm trung bình chung (TBC) = TBC điểm Toán+TBC điểm Văn+TBC điểm Ngoại ngữ x 2.

- TBC điểm = TBC điểm 06 học kỳ của mỗi môn học (Toán, Văn hoặc Ngoại ngữ)

Đối với Phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025:

Đối với tất cả các ngành: Điểm xét tuyển = Điểm Toán + Điểm Ngữ văn + Điểm Ngoại ngữ (hệ số 2) + Điểm ưu tiên (nếu có) x 4/3.

Đối với ngành Công nghệ thông tin: Điểm xét tuyển = Điểm Toán + Điểm Vật lý/ Ngữ văn/Tin học + Điểm tiếng Anh (hệ số 2) + Điểm ưu tiên (nếu có) x 4/3.

Đối với ngành Công nghệ tài chính: Điểm xét tuyển = Điểm Toán + Điểm Vật lý/ Ngữ văn + Điểm tiếng Anh (hệ số 2) + Điểm ưu tiên (nếu có) x 4/3.

TS. Nguyễn Thị Cúc Phương cũng lưu ý đến các thí sinh đăng ký nguyện vọng, tổng điểm để xét tuyển bao gồm cả điểm ưu tiên và điểm cộng khuyến khích (nếu có), xếp từ cao xuống thấp. Hệ thống thực hiện xét tuyển nhiều đợt cho đến hết chỉ tiêu của từng ngành theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp.

Trường xét điểm cộng khuyến khích đối với phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của Trường. Khi nhiều thí sinh cuối danh sách có tổng điểm xét tuyển bằng nhau và cùng nguyện vọng, Nhà trường áp dụng các tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên như sau: điểm môn Ngoại ngữ, điểm môn Ngữ Văn/ Vật lý/ Tin học và điểm môn Toán.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhieu-diem-moi-trong-tuyen-sinh-nam-2025-cua-truong-dai-hoc-ha-noi-post411493.html