Nhiều đề xuất để gỡ vướng mắc, bất cập trong kiểm soát hụi

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết có nhiều vướng mắc, bất cập dẫn đến khó kiểm soát hụi khi thực hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường ( gọi chung là hụi).

UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng Nghị định số 19/2019/NĐ-CP được ban hành đã cơ bản tạo hành lang pháp lý cho người dân trong các giao dịch về hụi. Đồng thời, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu tổ chức, tham gia hoạt động hụi ngày càng phổ biến, đa dạng. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu là nhu cầu tự phát, theo thói quen, tập quán, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính đối với người tham gia, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nhiều vướng mắc, bất cập trong triển khai nghị định 19/2019/NĐ-CP, chỉ đến khi vỡ hụi các cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý

Nhiều vướng mắc, bất cập trong triển khai nghị định 19/2019/NĐ-CP, chỉ đến khi vỡ hụi các cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý

Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định chủ hụi và các thành viên tham gia phải thông báo về việc tổ chức dây hụi đến UBND cấp xã. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chưa có trường hợp nào đăng ký thông báo hoạt động hụi lên cơ quan này.

Trong 5 năm qua, thành phố đã xử lý 36 vụ vi phạm về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ hụi, song các vi phạm chỉ được phát hiện khi xảy ra tình trạng vỡ hụi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các thành viên.

Theo khoản 1, Điều 14 của Nghị định 19/2019/NĐ-CP, chủ hụi cần thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã khi tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Tuy nhiên, luật không giới hạn số lượng dây hụi mà một chủ hụi có thể tổ chức, dẫn đến nguy cơ phát sinh mạng lưới hụi phức tạp và khó kiểm soát. Trong trường hợp “vỡ hụi”, các thành viên có thể phải gánh chịu thiệt hại lớn, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại địa phương.

Bên cạnh đó, một trong những quy định của Nghị định yêu cầu chủ hụi phải nộp thay phần hụi cho các thành viên không góp đủ trong thời gian dài. Quy định này không chỉ tạo thêm gánh nặng cho chủ hụi mà còn bị một số người lợi dụng để giật hụi, khiến tình trạng vỡ hụi trở nên phổ biến hơn. Nhiều chủ hụi khi mất khả năng thanh toán do phải nộp thay cho thành viên đã đẩy dây hụi vào tình trạng mất cân đối và tuyên bố vỡ hụi, dẫn đến nhiều tranh chấp và khó khăn cho người tham gia.

Ngoài ra, việc quản lý số lượng thành viên cũng gặp khó khăn. Pháp luật hiện hành chưa quy định giới hạn tối đa thành viên trong một dây hụi, và phần lớn người tham gia cũng không nắm rõ tổng số thành viên trong dây hụi của mình. Điều này làm gia tăng rủi ro khi quy mô dây hụi quá lớn, đồng thời khiến các vụ “vỡ hụi” trở nên phức tạp và khó xử lý.

UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết việc xử lý các vi phạm về hụi còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là trong khâu phát hiện hành vi vi phạm. Chẳng hạn, theo quy định, chủ hụi phải thông báo với UBND cấp xã nếu tổng giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên hoặc khi tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Tuy nhiên, chủ hụi thường cố tình che giấu hoặc không thực hiện nghĩa vụ thông báo, dẫn đến việc vi phạm này chỉ được phát hiện khi đã xảy ra tình trạng vỡ hụi.

Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước, có dân số đông, các giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch hụi, diễn ra phổ biến. Hoạt động hụi tại thành phố hiện nay được tổ chức chủ yếu trên cơ sở tự thỏa thuận giữa chủ hụi và các thành viên, trong đó đa số trường hợp không đăng ký thông báo lên UBND cấp xã. Một số chủ hụi lợi dụng sự tin tưởng của thành viên để chiếm đoạt tài sản, gây ra hậu quả nghiêm trọng khi vỡ hụi, buộc phải xử lý theo quy định pháp luật hình sự.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh còn xuất hiện hình thức hụi trực tuyến qua mạng xã hội, thường được gọi là chơi hụi online. Các giao dịch, thanh toán qua dây hụi này được thực hiện qua tài khoản ngân hàng, song một số dây hụi đã biến tướng thành các hoạt động tín dụng đen. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Trước thực trạng này, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động hụi. Cụ thể, cần quy định giới hạn số lượng dây hụi mà một chủ hụi được phép tổ chức, giới hạn số lượng thành viên trong mỗi dây hụi, và thiết lập cơ chế quản lý, giám sát hoạt động hụi sau khi chủ hụi đã thông báo với chính quyền địa phương.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật về hụi, đặc biệt là những tình huống chưa có quy định rõ ràng hoặc dễ gây hiểu nhầm.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-de-xuat-de-go-vuong-mac-bat-cap-trong-kiem-soat-hui-157517.html