Nhiều công ty chứng khoán đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023
Trong khi nhiều công ty chứng khoán tốp đầu thận trọng hơn trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, một số công ty khác vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng dương, thậm chí gấp hàng chục lần.
CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 2.386 tỉ đồng, giảm 21,9% so với thực hiện năm 2022.
Tương tự TCBS, nhiều công ty chứng khoán trước đó cũng lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi trong năm 2023, khi thị trường chứng khoán được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thanh khoản sụt giảm.
Năm 2023, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) lên kế hoạch doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỉ đồng, giảm 12,4% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế giảm 5,6% xuống 1.000 tỉ đồng.
VCSC cho biết, kế hoạch kinh doanh nêu trên được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023.
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) dự trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh số sụt giảm 26,5% so với cùng kỳ xuống 770 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 dự kiến đạt 420 tỉ đồng, giảm 34,1% so với năm 2022.
Ở hướng ngược lại, nhiều công ty chứng khoán vẫn tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 tăng trưởng dương, thậm chí có mảng doanh thu dự kiến tăng trưởng bằng lần so với năm trước.
Cụ thể, CTCP Chứng khoán VIX (Mã CK: VIX) đã công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 676 tỉ đồng, tăng 80% so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 540 tỉ đồng, tăng 73%.
Trong năm 2023, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đặt kế hoạch tổng doanh thu 890,1 tỉ đồng, tăng 3,4% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 270,8 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 152,9 tỉ đồng trong năm 2022.
Tương tự, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 565 tỉ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với thực hiện năm 2022.
CTCP Chứng khoán MB (MBS) đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.700 tỉ đồng, tăng 37% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế 900 tỉ đồng, tăng 36%.
Kế hoạch kinh doanh của các công ty chứng khoán được xây dựng trên cơ sở triển vọng của thị trường. Sự phân hóa trong mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho thấy triển vọng của thị trường trong năm 2023 còn nhiều yếu tố bất định.
MBS nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022 và kỳ vọng có thể sớm phục hồi trở lại vào quý 2/2023. Thanh khoản có thể tạo đáy và tăng trở lại.
“Quy mô giao dịch năm 2023 biến động giảm so với năm 2022, giá trị giao dịch bình quân ở mức 15.000 – 18.000 tỉ đồng với chỉ số VN-Index dao động trong ngưỡng 900-1.200 điểm”, MBS dự báo.
Còn theo VDSC, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cao và dòng tiền còn khó khăn, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ đi ngang với mức thanh khoản thấp hơn năm 2022.
Chỉ số VN-Index dao động trong khoảng 930-1.270 điểm, với mức thanh khoản bình quân thị trường dao động từ 13.000 – 15.000 tỉ đồng/phiên./.