Nhiều ca khúc Việt nhảm nhí vì trào lưu 15 giây trên TikTok
Để chạy theo trào lưu trên TikTok, nhiều nhạc sĩ Việt chỉ tập trung tạo ra một đoạn nhạc bắt tai dài 15-30 giây thay vì chăm chút cả bài.
Tháng 6, ca sĩ Halsey bức xúc cho biết công ty quản lý của cô từ chối phát hành ca khúc So Good cho đến khi nữ ca sĩ tạo ra một câu hát có thể tạo trend và lan truyền trên TikTok. Nữ ca sĩ gọi đó là đỉnh cao của "sự giả tạo".
Lợi ích của TikTok đối với các nghệ sĩ nhỏ đang tìm kiếm bước đột phá lớn là rất rõ ràng. Nó đã cho phép các nhạc sĩ tự phát triển cơ sở người hâm mộ ngay cả khi họ không có công ty lớn chống lưng. Nhưng ngay cả những người tìm thấy thành công đáng kinh ngạc trên ứng dụng cũng hiểu những rủi ro và hạn chế của nó.
Âm nhạc bị biến thành thức ăn nhanh
Nhiều chuyên gia âm nhạc trên thế giới đang cho rằng giới nghệ sĩ mải mê chạy theo việc tạo hit mà bỏ quên chất lượng và giá trị của ca khúc. Sự ra đời của những ca khúc có ca từ vô nghĩa thời gian qua chứng tỏ Vpop cũng đang rơi vào tình trạng đó.
Trên TikTok, các clip thường có độ dài chỉ từ 15 đến 30 giây. Và nó đang làm thay đổi cách thức một nhạc sĩ tạo nên đứa con tinh thần của họ. Thay vì chải chuốt cả ca khúc về giai điệu lẫn nội dung, nhiều nhạc sĩ giờ đây thường tập trung vào khoảng 30 giây quan trọng nhất trong bài. Họ đặt vào đó giai điệu điện tử, remix Vinahouse kèm theo những câu hát đơn giản, gần gũi, đôi khi hơi xuề xòa, nhảm nhí để dễ thịnh hành trên TikTok. Và thế là hàng loạt ca khúc có chung kết cấu, thể loại với ca từ vô nghĩa ra đời.
Ừ! Em xin lỗi là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất thời gian qua trên TikTok. Ban đầu ca khúc không được chú ý bởi nội dung không đặc sắc nhưng nhờ những đoạn video ngắn trên nền tảng này, Ừ! Em xin lỗi nổi tiếng nhanh chóng.
Tuy nhiên, bài hát do Khắc Hưng sáng tác, Hoàng Yến Chibi thể hiện cũng vấp phải vô số tranh cãi. Khán giả cho rằng lời bài hát vô nghĩa, nhảm nhí, đặc biệt câu hát: “Anh muốn chia tay á, không dễ đâu anh” được Hoàng Yến sử dụng trong các video challenge (video thách thức).
Nhiều ca khúc khác vướng tranh cãi tương tự, điển hình 2,3 Con mực của rapper Linh Thộn, Tất cả đứng im (Ngô Kiến Huy), Sashimi (Chi Pu)...
Trong đó, bài hát của Ngô Kiến Huy lặp đi lặp lại câu hát: “Tất cả đứng im, không được nhúc nhích” và bị chỉ trích nội dung vô nghĩa. Sashimi của Chi Pu với câu hát “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại” cũng bị chê.
Đoạn remix viral của ca khúc Anh hứa không bao giờ đua nữa của Lã Phong Lâm có phần lời: “Một cơn bão ào sang phố Huế rồi tiến về trung tâm Hồ Gươm đã lên đèn/Náo loạn Hồ Hươm, ôi náo loạn Hồ Gươm tiếng nẹt bô ầm giời?” cũng bị “ném đá” ca từ kém cỏi, thô vụng.
Ngoài điểm chung ca từ gây tranh cãi, những đoạn nhạc nói trên còn có chung cấu trúc về giai điệu. Hầu hết được mix với nhạc điện tử.
TikTok đã thay đổi cách âm nhạc phát ra. Giá trị của bài hát chỉ gói gọn trong 15-30 giây và có thể khiến khán giả không đủ kiên nhẫn để nghe cả bài hát như trước.
Khi nghệ sĩ dễ bị cuốn theo xu hướng thịnh hành và chiều chuộng khán giả trên nền tảng, họ chạy theo các chỉ số đo lường hiệu quả của TikTok mà quên mất việc đầu tư vào giá trị nội dung, cảm xúc của sản phẩm mình làm ra. TikTok đã lật ngược kịch bản của ngành công nghiệp âm nhạc.
Về mặt giai điệu, nhiều ca khúc áp dụng chung công thức là mix điệp khúc theo nhạc điện tử bắt tai, dễ nhảy để tạo challenge. Một số nghệ sĩ dù trở lại với ca khúc ballad nhưng vẫn tạo thêm phiên bản điện tử cho bài hát để phát hành trên TikTok. 6 trong top 10 bài hát Việt Nam phổ biến nhất năm 2021 do TikTok công bố gồm Đường tôi chở em về, Cà phê không đường, Anh muốn đưa em về không, Hạ còn vương nắng, Yêu là cưới, GU đều thuộc thể loại remix. Xu hướng chung là chèn một câu hát hoặc rap giữa khuông nhạc khoảng 15 giây.
Cũng bởi rập khuôn giai điệu điện tử nên giọng hát của ca sĩ trở nên mờ nhạt trong chính ca khúc họ thể hiện. Kết cục là hàng loạt bản nhạc cứ na ná nhau ra đời và thật khó để khán giả phân biệt ai là người hát, sáng tác, màu sắc của họ ở đâu.
Nghệ sĩ bị nuốt chửng
TikTok là công cụ tốt cho một bài hát, nhưng nó không nhất thiết phải là công cụ hoàn hảo để xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ. Người dùng trên TikTok đều quan tâm đến 15 giây hoặc 30 giây của một bài hát chứ không phải nghệ sĩ. Bài hát lan truyền chứ không phải nghệ sĩ. Chắc chắn nghệ sĩ gắn liền với bài hát, nhưng nhớ tên nghệ sĩ trên TikTok cũng giống nhớ 9 số điện thoại. Các nghệ sĩ đang bị nuốt chửng trong cỗ máy rộng lớn đó.
Trao đổi với Zing, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Khanh nhận định câu trending ngắn sẽ làm cho cả bài hát được công chúng biết đến nhiều hơn. Công thức này dạo gần rất hiệu quả khi đưa ca khúc nhanh chóng tiếp cận với khán giả.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhạc sĩ vẫn ý thức cao về nội dung, ca từ lẫn yếu tố tổng thể của bài để trau chuốt, truyền tải nhiều hơn giá trị của tác phẩm, không ít nghệ sĩ mải chạy theo trào lưu.
“Âm nhạc muôn màu và phong phú. Ở thời đại trào lưu nhanh đến, nhanh đi ca, nhạc sĩ nên linh hoạt nắm bắt nhưng chọn lọc một cách văn minh, đưa vào ca từ thật tinh tế, không cưỡng âm để âm nhạc của bản thân vẫn giá trị mà hòa hợp theo dòng chảy của xã hội tại thời điểm đó”, nhạc sĩ của Gần em một phút thôi nhận định.
“Khi đã đủ độ phủ sóng, người nghệ sĩ nên ấp ủ và ra mắt các ca khúc chất lượng với nội dung, ca từ đẹp. Để đảm bảo sự phát triển chung của thị trường âm nhạc, nghệ sĩ cần đầu tư chỉn chu chứ không thể chỉ xoay quanh và giậm chân tại chỗ với những trào lưu sớm nở tối tàn”, nhạc sĩ nói thêm.
Trong cuốn sách TikTok đang hủy hoại ngành công nghiệp âm nhạc như thế nào, tác giả Will Bavier nhấn mạnh: “Say So của Doja Cat (Ca khúc đứng thứ 2 trong Danh sách 100 bài hát hàng đầu của Billboard) đã duy trì mức độ phổ biến cao và lâu hơn nhiều so với những gì bài hát xứng đáng nhận được do điệu nhảy lan truyền đi kèm với bài hát”.
Bài hát duy trì thứ hạng cao như vậy không hẳn do khán giả yêu thích, đúng hơn họ thích chạy theo trào lưu trên mạng xã hội.
Tức theo tác giả Will Bavier, TikTok ngoài khiến nhạc sĩ lười biếng, rập khuôn hơn còn làm các ca khúc được đánh giá không đúng với giá trị vốn có của nó.