Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng

Các quy định từ pháp luật Nhà nước, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, cũng như giáo dục từ gia đình và nhà trường là những nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.

Theo Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực và hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng.

Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý Nhà nước trong Phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng.

Đồng thời đòi hỏi cần có các giải pháp ngăn chặn, làm trong sạch môi trường mạng để trẻ em có thể sử dụng Internet an toàn, lành mạnh và hiệu quả.

Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh minh họa.

Việt Nam đã sớm quan tâm và có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng, trong đó có Quyết định số 830/TTg-CP của Chính phủ về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”.

Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, nhân viên Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối và xử lý hơn 250 trường hợp có những thông tin, nội dung liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Đồng thời Chính phủ đã có những nỗ lực trong công tác bảo vệ trẻ em khỏi những tác động xấu từ môi trường mạng, cụ thể: Tham gia hầu hết các công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về quyền trẻ em1989, Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang; và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm, tranh ảnh khiêu dâm...

Luật Công nghệ thông tin 2006; Luật trẻ em năm 2016; Luật Báo chí 2016; Luật An ninh mạng 2018 đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp từ các tổ chức xã hội, các quy định pháp luật đã được Chính phủ ban hành, để bảo vệ trẻ em trên mạng, vai trò giáo dục từ gia đình và nhà trường cũng vô cùng quan trọng, nhằm đưa ra các lời khuyên, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho trẻ em, để các em có đủ thông tin để bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm trên mạng xã hội.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-bien-phap-dam-bao-an-toan-cho-tre-em-tren-moi-truong-mang-2228035.html