Nhiều băn khoăn từ dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung, đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa.

Sáng ngày 7-2, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chưa rõ cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học

Tại đây, TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban Ban Thanh tra - Pháp chế ĐH Quốc gia TP.HCM đã trình bày các điểm mới của dự thảo Luật và các chính sách được khuyến khích đối với các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ.

Từ đó, các nhà khoa học của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, thẳng thắn về các nội dung của dự thảo Luật với mong muốn và kỳ vọng Luật khoa học công nghệ sửa đổi sẽ xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chưa thấy rõ về cơ chế, ưu đãi đối với trường đại học được thành lập doanh nghiệp, đặc biệt với các sản phẩm thương mại hóa, spin-off hoặc các hợp tác doanh nghiệp cùng nghiên cứu phát triển R&D từ trường đại học.

Do đó, các ý kiến cũng góp ý dự thảo Luật cần có những điều chỉnh mang tính đột phá hơn, tập trung, như ưu đãi thuế mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp; Cải thiện chính sách nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thu hút nhân tài.

GS.TS Nguyễn Thị Cành (Trường ĐH Kinh tế - Luật) cho rằng nếu giữ cụm “Đổi mới sáng tạo” như tên dự thảo Luật sẽ không phù hợp vì đổi mới sáng tạo là kết quả của nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.

Ngoài ra, các quy định về tài chính và đầu tư cho khoa học công nghệ theo chương IV của dự thảo Luật chỉ mới đề cập chi ngân sách cho khoa học công nghệ tối thiểu 2% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên chưa bao quát bình quân đầu tư cho khoa học công nghệ từ các nguồn khác nhau chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của quốc gia. Trong đó nguồn từ ngân sách là bao nhiêu, nguồn từ huy động xã hội ngoài nhà nước là bao nhiêu, từ đó mới có chính sách huy động nguồn lực xã hội.

GS.TS Phan Thị Tươi (Trường ĐH Bách khoa) đánh giá dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ, chưa có những điểm mới như kỳ vọng và thiếu bao trùm cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học trong thời kỳ phát triển khoa học rất nhanh, hiện đại như hiện nay.

Cụ thể, cần định nghĩa thế nào là “khoa học mở” tại điều 9 về chính sách của nhà nước với khoa học mở. Ở điều này quy định "Quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu được chia sẻ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức tạo ra kết quả hoặc theo quy định của pháp luật”, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định liên quan về vấn đề này.

 Các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tọa đàm. Ảnh: MQ

Các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tọa đàm. Ảnh: MQ

Cần trao cơ chế đặc thù cho hai đại học quốc gia

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai (Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM), dự thảo Luật đã nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn tính cấp thiết của việc ban hành Luật, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế và sự chuyển dịch sang nền kinh tế số.

Chẳng hạn, thực trạng tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D)/GDP chỉ khoảng 0,44% (dữ liệu 2023), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc (4,8%), Trung Quốc (2,2%) và Singapore (1,9%). Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn manh mún, chưa có sự kết nối hiệu quả giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Ông Trai cũng đề xuất dự thảo Luật cần có các điều khoản quy định về cơ chế đặc thù cho hai đại học quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Vì đây là những trụ cột trong hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo ông Trai, trao quyền tự chủ cao hơn như cho phép các tổ chức này chủ động trong tuyển dụng, tài chính và hợp tác quốc tế. Hỗ trợ xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, y sinh học, năng lượng tái tạo. Khuyến khích hợp tác giữa đại học quốc gia và doanh nghiệp, tạo cơ chế doanh nghiệp đồng tài trợ nghiên cứu để tăng cường tính ứng dụng.

Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố để lấy ý kiến góp ý từ tháng 12-2024.

Dự thảo Luật gồm 14 chương và 83 điều, trong đó có những nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

Dự thảo có một số điểm nổi bật như: bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư; bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập;

Bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra; đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…)

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-ban-khoan-tu-du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post833220.html