Nhiệm vụ đặc biệt ở bệnh viện hiện đại nhất Việt Nam

'Khu khám bệnh cán bộ cao cấp và cán bộ cấp tướng thường xuyên được cải tiến', Giáo sư, tiến sĩ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ.

Trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt của Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) là cơ sở y tế duy nhất trên cả nước nhận nhiệm vụ “Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương”.

"Áp lực lớn nhưng rất tự hào” là điều mà người đứng đầu bệnh viện 70 năm tuổi - Trung tướng, Giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Mai Hồng Bàng chia sẻ với Zing về nhiệm vụ đặc biệt này.

- Nhiệm vụ “Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương” được các y bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện như thế nào?

- Bệnh viện là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Chúng tôi luôn xác định đây là chức năng, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Bệnh viện.

Công việc thường ngày của các bác sĩ là theo dõi, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị và hội chẩn hội đồng chuyên môn Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe Cán bộ Trung ương.

Đối với những ca bệnh khó, bệnh hiểm nghèo, chúng tôi là đơn vị có trách nhiệm lên kế hoạch hội chẩn nội viện, liên viện, hội chẩn với các chuyên gia quốc tế. Đồng thời, các y bác sĩ còn phải quản lý tốt sức khỏe sau điều trị, đảm bảo an toàn và bảo mật tuyệt đối, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lớn tuổi.

Bệnh viện thường xuyên tổ chức các đoàn công tác, các tổ cấp cứu tham gia bảo đảm y tế cho các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng, cuộc họp liên minh các nghị sĩ quốc tế, theo dõi sức khỏe cho các đoàn nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc tại Việt Nam theo yêu cầu của Trung ương.

Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng một mạng lưới chuyên gia y tế quốc tế có uy tín. Khi cần thiết, Bệnh viện có thể mời chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đến khám, điều trị, phẫu thuật cho các cán bộ Đảng và Nhà nước Việt Nam.

- Chắc hẳn, các bác sĩ vừa tự hào nhưng cũng có rất nhiều áp lực khi nhận nhiệm vụ này?

- Đúng vậy. Áp lực lớn nhưng rất tự hào. Bởi đó là trọng trách cao cả của các y bác sĩ của Bệnh viện. Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ mọi nhiệm vụ khám bệnh điều trị tại khoa cũng như sang nước ngoài công tác bất kể thời gian nào khi có nhiệm vụ cấp trên yêu cầu tháp tùng các đồng chí lãnh đạo của Việt Nam.

Khu khám bệnh cán bộ cao cấp và cán bộ cấp tướng thường xuyên được cải tiến và tạo điều kiện thuận lợi cho các tướng lĩnh và cán bộ cao cấp, lão thành cách mạng đến khám và điều trị.

- Trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam, những dấu ấn đặc biệt mà các thế hệ y bác sĩ tại bệnh viện không thể quên?

- Nhiều bác sĩ của Bệnh viện được vinh dự tham gia chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Người qua đời, chúng tôi cũng được tin cậy giao nhiệm vụ đặc biệt là tham gia bảo quản gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, trước đó, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền đã được bí mật cử sang Liên Xô để học tập về kỹ thuật bảo quản thi hài. Các y bác sĩ của viện đã cùng nhau chăm sóc, điều trị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 1.559 ngày đêm (từ tháng 6/2009 đến tháng 6/2013).

Bệnh viện cũng nhận nhiệm vụ chăm sóc nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo khác như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng; Tổng bí thư Lê Duẩn; Tổng bí thư Trường Chinh; Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Tổng bí thư Đỗ Mười; Đại tướng Chu Huy Mân; Đại tướng Văn Tiến Dũng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang…

Ngoài ra, các bác sĩ còn trực tiếp thăm khám, điều trị cho nhiều bệnh nhân là cán bộ lãnh đạo cấp cao của một số nước như Lào, Campuchia, Cu Ba, Nhật Bản, Nga...

- Là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Quốc phòng, vì vậy, các y bác sĩ vừa phải làm nhiệm vụ chuyên môn nhưng cũng vừa là người lính. Hai nhiệm vụ này được thực hiện đồng thời như thế nào trong 70 năm qua?

- Chúng tôi vẫn nói các nhân viên y tế của bệnh viện là “xanh trong trắng”. Bên ngoài là màu áo blouse trắng - chúng tôi cũng giống như bao đồng nghiệp khác là các bác sĩ, có trách nhiệm điều trị người bệnh. Nhưng bên trong đó là màu xanh áo lính - trách nhiệm của một đơn vị sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Suốt 70 năm kể từ khi thành lập đến nay (1951-2021), đó là hai nhiệm vụ luôn song hành của các y bác sĩ tại bệnh viện.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các y bác sĩ của Bệnh viện có mặt ở tất cả chiến trường ác liệt nhất như: Điện Biên Phủ, Tây Nguyên, Nam Bộ…

Sau cuộc chiến, hàng nghìn thương binh, bệnh binh đã được đưa về điều trị tại Bệnh viện. Đây hầu hết là những bệnh nhân rất nặng, vết thương bị nhiễm trùng, thấu bụng, thấu ngực, sốt rét ác tính, suy kiệt…

Bằng những kinh nghiệm đã được tích lũy từ trong chiến trường, ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện cứu sống được nhiều ca bệnh hiểm nghèo, trả lại chất lượng cuộc sống cao nhất cho thương, bệnh binh.

Quá trình này còn là “bài học lâm sàng” thiết thực nhất giúp các y bác sĩ tiếp tục sáng tạo, nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật mới. Điển hình là thành công trong việc tạo hình dương vật cho một số thương binh của Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Phan - nguyên Phó giám đốc bệnh viện. Từ những ca bệnh đầu tiên được phẫu thuật vào năm 1975, bệnh viện đã xây dựng thành công chuyên ngành phẫu thuật tạo hình và vi phẫu.

Vì vậy, không chỉ chiến đấu giành giật sự sống cho các thương, bệnh binh, những y bác sĩ còn giúp tái tạo lại nhiều bộ phận trên cơ thể như các bộ phân trên mặt, ngực, đặc biệt là các vết thương hỏa khí.

- Ngày nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được biết đến là “bệnh viện công hiện đại nhất Việt Nam”. Yếu tố hiện đại nhất chắc hẳn không chỉ về cơ sở vật chất?

- Trong khoảng 8-10 năm trở lại đây, đặc biệt là 5 năm gần nhất, bệnh viện đã có rất nhiều thay đổi. Tháng 7/2012, bệnh viện khởi công xây dựng cụm công trình trung tâm với quy mô 2.000 giường.

Trung tướng Trần Duy Anh là giám đốc bệnh viện thời bấy giờ từng chia sẻ ông trực tiếp đi trao đổi, báo cáo, thuyết phục hàng chục lần trước các cơ quan chức năng. Do một số thiết kế chưa có tại Việt Nam, ông còn nhờ đồng nghiệp quay clip, chụp ảnh một số bệnh viện hiện đại trên thế giới để có thêm tư liệu.

Lãnh đạo bệnh viện đã viết thư gửi tùy viên văn hóa của 10 đại sứ quán các nước lớn ở Hà Nội, mời tham gia thi thiết kế kiến trúc tòa nhà mới. Một công ty tư vấn thiết kế của Hàn Quốc đã được hội đồng của Bộ Quốc phòng lựa chọn. 6 năm sau (tháng 12/2018), tổ hợp công trình với quy mô trên 2.000 giường bệnh đã được khánh thành.

Phương châm phục vụ của Bệnh viện là “lấy người bệnh làm trung tâm”. Từ 30 y bác sĩ với 100 giường bệnh trong những ngày đầu thành lập, đến nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi khám và điều trị cho 4.500 đến 5.500 người với hơn 2.700 nhân viên y tế.

Mong muốn của chúng tôi là người Việt Nam ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với nền y học hiện đại của thế giới. Vì vậy, bệnh viện đã đào tạo đội ngũ bác sĩ có thể làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp, điển hình là ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người - kỹ thuật đỉnh cao của y học hiện đại.

Không chỉ dừng lại ở việc ghép tế bào gốc, giác mạc, tủy, thận, gan, chúng tôi còn thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Tháng 11/2020, bệnh viện thực hiện thành công ca ghép hai cẳng tay từ người cho chết não đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, góp phần quan trọng đưa nền y học Việt Nam vươn tầm thế giới.

- Ở tuổi 70, nếu được dành 3 cụm từ ngắn gọn để mô tả định hướng của bệnh viện thì đó sẽ là gì?

- “Chuyên sâu - chuyên tâm - vươn tầm quốc tế” là định hướng của chúng tôi để sớm trở thành bệnh viện thông minh, hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế.

Yếu tố chuyên sâu được thể hiện trong việc phát triển chuyên môn kỹ thuật. Bác sĩ không chỉ điều trị được những ca bệnh khó, phức tạp mà còn tiếp thu nhanh tiến bộ của y học hiện đại.

Yếu tố chuyên tâm đó là việc coi điều trị người bệnh là trách nhiệm cao nhất bằng sự tận tâm, tâm huyết với nghề.

Để vươn tầm quốc tế, Bệnh viện đang tiến tới áp dụng Tiêu chuẩn vàng JCI của Mỹ về đảm bảo chất lượng; hợp tác có hiệu quả với các bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp của các quốc gia, tổ chức y tế; cử bác sĩ tham gia bệnh viện dã chiến trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và là thành viên tích cực của Ủy ban Quân y quốc tế.

Hiện tại, chúng tôi có mối quan hệ nghiên cứu, đào tạo, học tập nâng cao trình độ chuyên khoa sau đại học với hơn 40 nước và tổ chức quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia, các trường đại học của Hàn Quốc, Singapore, tổ chức Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA)...

- Với mục tiêu đặt ra rất lớn, bệnh viện chắc hẳn cũng gặp không ít khó khăn?

- Áp lực chuyên môn đối với các bác sĩ là rất lớn. Mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, làm chủ kỹ thuật mới, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn ngang tầm với các chuyên gia trong khu vực và thế giới.

Để làm được điều đó, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện buộc phải có trình độ ngoại ngữ cao để tiếp cận nhanh chóng những tiến bộ của y học hiện đại.

Bản thân tôi cũng từng có thời gian được thực tập, đào tạo ở Mỹ, Nhật Bản. Đó là quá trình giúp tôi trưởng thành rất nhiều trong lĩnh vực chuyên môn. Vì vậy, bệnh viện thường xuyên cử các bác sĩ đến những trung tâm y tế hàng đầu khu vực và thế giới để học tập.

Thời gian qua, chúng tôi còn gặp phải tình trạng Fanpage, bác sĩ của Bệnh viện bị mạo danh để bán thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, thậm chí là điều trị các bệnh nan y.

Thậm chí, các bác sĩ còn tiếp nhận nhiều trường hợp tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ do làm ở các cơ sở mạo danh bệnh viện. Rất nhiều trang mạng còn mạo danh bệnh viện, sử dụng logo và đăng lại các hình ảnh của chúng tôi để tạo lòng tin và sau đó đăng thông tin bán thuốc online.

Tôi xin khẳng định Bệnh viện chỉ có một cơ sở duy nhất tại số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Minh Anh

Ảnh: Phạm Thắng - Quỳnh TrangĐồ họa: Lê Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhiem-vu-dac-biet-o-benh-vien-hien-dai-nhat-viet-nam-post1203790.html