Nhật Bản yêu cầu Mỹ đình chỉ máy bay 'chim ưng biển' sau tai nạn
Nhật Bản đề nghị Mỹ đình chỉ tất cả chuyến bay không khẩn cấp sử dụng máy bay V-22 Osprey trên lãnh thổ Nhật Bản sau khi một phương tiện loại này rơi xuống vùng biển ở miền tây Nhật Bản ngày 29/11.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản ngày 30/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết: “Vụ tai nạn đã gây hoang mang cho người dân trong khu vực. Chúng tôi đã đề nghị phía Mỹ chỉ thực hiện hoạt động bay bằng máy bay Osprey tại Nhật Bản sau khi hoạt động bay liên quan tới phương tiện này được xác nhận là an toàn”.
Theo Reuters, việc Nhật Bản đề nghị Mỹ đình chỉ tất cả chuyến bay không khẩn cấp bằng máy bay V-22 Osprey đã đảo ngược quyết định vẫn cho phép dòng máy bay này hoạt động đưa ra vào ngày 29/11.
Phát biểu trước quốc hội, một quan chức cấp cao khác thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) - cơ quan cũng vận hành máy bay Osprey sẽ đình chỉ các chuyến bay liên quan tới phương tiện này cho tới khi nguyên nhân vụ tai nạn được làm rõ.
Một phát ngôn viên của các lực lượng quân đội Mỹ tại Nhật Bản chưa phản hồi đề nghị đưa ra bình luận trước thông tin trên từ hãng Reuters.
Các nhân chứng trong vụ rơi máy bay Osprey xuống vùng biển ngoài khơi miền tây Nhật Bản ngày 29/11 cho rằng, động cơ trái của phương tiện đã bốc cháy khi phương tiện tiếp cận sân bay để hạ cánh khẩn cấp trong điều kiện thời tiết quang đãng, gió nhẹ.
Lực lượng Không quân Mỹ - cơ quan vận hành chiếc máy bay gặp nạn cho biết hiện chưa xác minh được nguyên nhân dẫn tới tai nạn. Vụ việc đã khiến ít nhất một người có mặt trên máy bay thiệt mạng trong khi hiện chưa rõ tình hình của 7 người còn lại.
Máy bay trực thăng V-22 Osprey do Boeing và Bell Helicopter phát triển, có thể cất hạ cánh như trực thăng nhưng cũng có thể hoạt động tương tự một máy bay cánh cố định thông thường.
Dòng máy bay này do Lực lượng Không quân Mỹ, Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ, cũng như Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) vận hành.
Trước đây từng xảy ra một số ý kiến tranh cãi về việc triển khai dòng máy bay Osprey tại Nhật Bản. Một số người phản đối cho rằng phương tiện dễ xảy ra tai nạn. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản khẳng định phương tiện an toàn.
Vào tháng 8, một máy bay Osprey của quân đội Mỹ bị rơi tại vùng biển ngoài khơi miền bắc Australia khi đang vận chuyển binh sĩ trong nhiệm vụ huấn luyện quân sự thường kỳ, khiến ba lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng.
Một vụ rơi máy bay Osprey khác xảy ra tại vùng biển ngoài khơi đảo Okinawa, miền nam Nhật Bản vào tháng 12/2016. Đây là vụ tai nạn liên quan đến máy bay Osprey đầu tiên tại Nhật Bản, khiến quân đội Mỹ phải tạm dừng sử dụng dòng máy bay này trong thời gian ngắn.
Theo Reuters, vụ tai nạn máy bay quân sự của Mỹ tại Nhật Bản gây thương vong gần đây nhất xảy ra vào năm 2018 trong vụ va chạm trên không trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, khiến 6 người thiệt mạng.