Nhật Bản đối mặt với 'làn sóng' tăng giá mới trong năm tài khóa 2023
Ngày mai (1/4), Nhật Bản sẽ bắt đầu năm tài khóa 2023 kèm theo một làn sóng tăng giá mới do chi phí nguyên vật liệu cao đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lợi nhuận của các công ty, điều này tiếp tục tạo thêm những khó khăn cho người tiêu dùng Nhật Bản vốn đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát vượt xa tốc độ tăng lương.
Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ đều tiếp tục tăng giá
Gần 5.000 mặt hàng thực phẩm, từ sốt mayonnaise và phô mai đến mì ăn liền sẽ tăng giá. Việc tăng giá đang ngày càng lan rộng khi người tiêu dùng sẽ phải trả số tiền cao hơn cho các các dịch vụ như giao thông công cộng, giao hàng trọn gói và các công viên giải trí,…
Hiện tại, sự lây lan của dịch cúm gia cầm đang đẩy giá trứng và các sản phẩm làm từ trứng tại Nhật Bản như sốt mayonnaise lên cao hơn. Các nhà sản xuất gia vị Kewpie Corp. và Ajinomoto Co. đang tiến hành đợt tăng giá thứ tư kể từ tháng 7 năm 2021. Mayonnaise 450 gram của Kewpie sẽ được bán với giá 520 yên (4 USD), tăng gần 10% so với lần tăng giá gần đây nhất. Các mặt hàng thực phẩm khác như phô mai, sữa chua, giăm bông và xúc xích sẽ có giá cao hơn khoảng 30%. Giá nước tương, nhu yếu phẩm hàng ngày của nhiều hộ gia đình Nhật Bản sẽ cao hơn khoảng 10%.
Về dịch vụ giao thông, sáu nhà khai thác tàu lớn ở khu vực Kansai tập trung ở Osaka, miền tây Nhật Bản, đang tăng giá vé tương ứng với giá vé ở khu vực đô thị Tokyo. Hành khách sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho chỗ ngồi dành riêng trên một số chuyến tàu cao tốc Shinkansen chạy giữa Osaka và Fukuoka.
Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh và giao hàng tăng cao và tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng trong lĩnh vực chuyển phát, Công ty Vận tải Yamato và Công ty Tốc hành Sagawa đang phải tăng phí khoảng 10%.
Ngoài ra, một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Teikoku Databank với khoảng 190 công viên giải trí, vườn thú và thủy cung ở Nhật Bản cho thấy khoảng 40% đang tăng giá vé kể từ tháng Tư.
Gánh nặng đối với người dân và nỗ lực của chính phủ Nhật Bản
Việc tăng giá trùng với thời điểm Nhật Bản phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19 do chi phí nhiên liệu và nguyên liệu thô cao hơn, một phần do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, hơn nữa là đồng yên mất giá nhanh chóng, làm cho người tiêu dùng đã phải chịu gánh nặng của lạm phát đã đạt mức cao nhất trong bốn thập kỷ ở mức trên 4%.
Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các bước để giảm thiểu tác hại của lạm phát trong khi Thủ tướng Kishida Fumio, người có mục tiêu đã nêu là đạt được tăng trưởng và phân phối lại của cải, đang thúc giục các công ty tăng lương mạnh mẽ để có thể theo kịp lạm phát. Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng liên đoàn lao động Nhật Bản (RENGO), các công ty Nhật Bản đã đồng ý tăng lương trung bình 3,76% trong các cuộc đàm phán tiền lương năm nay. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách giữa các công ty lớn và các công ty nhỏ hơn về tốc độ tăng lương.
Chính phủ Nhật Bản đang cố gắng giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng bằng cách giảm hóa đơn tiện ích như điện, gas hàng tháng và hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Động thái trên được cho là một trong những nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử địa phương quan trọng vào tháng 4 của liên minh đảng cầm quyền LDP-Koimei.
Ngoài ra, gói giảm lạm phát mới của chính phủ bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp 30.000 yên và mỗi trẻ trong hộ này 50.000 yên; các bà mẹ đang mang thai có thể nhận được khoản thanh toán một lần lên tới 500.000 yên, thay vì 420.000 yên như hiện nay. Ông Kishida đã nhấn mạnh vào việc làm cho Nhật Bản có môi trường nuôi dạy trẻ em thân thiện hơn trong bối cảnh mà tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống mức thấp lịch sử.
Các nhà kinh tế dự đoán giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, ngay cả khi gói hỗ trợ của chính phủ bao gồm các khoản trợ cấp đã đến tay người dân./.