Nhập khẩu phân bón kỷ lục từ Nga, châu Âu lo ngại an ninh lương thực bị đe dọa

Châu Âu lo ngại rằng tình trạng tràn lan phân bón giá rẻ của Nga có nguy cơ đẩy các nhà sản xuất châu Âu ra khỏi thị trường hoặc rời khỏi lục địa này, gây nguy cơ cho an ninh lương thực lâu dài.

Dòng khí đốt tự nhiên của Nga vào Liên minh châu Âu (EU) đã chậm lại đáng kể sau khi Nga đưa quân tới Ukraine dẫn tới việc các nước châu Âu đã chuyển sang các nguồn cung cấp khác. Nhưng Nga vẫn tiếp tục sử dụng khí đốt của mình để sản xuất và xuất khẩu sang châu Âu loại phân bón gốc nitơ giá rẻ.

Đối với một số loại phân bón, chẳng hạn như urê, lượng nhập khẩu thậm chí còn tăng lên kể từ khi chiến sự Ukrain bùng nổ vào tháng 2/2022. Loại phân bón giá rẻ này đã giúp ích cho nông dân châu Âu, nhưng các nhà sản xuất phân bón trong khu vực lại đang phải vật lộn để cạnh tranh.

Đối với một số loại phân bón, chẳng hạn như urê, lượng nhập khẩu thậm chí còn tăng lên kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine vào đầu năm 2022. (Ảnh: Thomas Imo/Photothek/Getty Images)

Đối với một số loại phân bón, chẳng hạn như urê, lượng nhập khẩu thậm chí còn tăng lên kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine vào đầu năm 2022. (Ảnh: Thomas Imo/Photothek/Getty Images)

Ông Petr Cingr, giám đốc điều hành của SKW Stickstoffwerke Piesteritz, nhà sản xuất amoniac lớn nhất của Đức, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang bị tràn ngập phân bón từ Nga, rẻ hơn đáng kể so với phân bón của chúng tôi, chỉ vì lý do đơn giản là họ trả giá rất thấp cho khí đốt tự nhiên so với chúng tôi, những nhà sản xuất châu Âu”.

Ông cảnh báo: “Nếu các chính trị gia không hành động, năng lực sản xuất của châu Âu sẽ biến mất”.

Bình luận của ông Cingr tương tự như bình luận của Svein Tore Holsether, giám đốc điều hành của Yara International, một trong những nhà sản xuất phân bón khoáng gốc nitơ lớn nhất thế giới, người đã phát biểu vào tháng 4 rằng châu Âu đang phụ thuộc vào phân bón của Nga.

Phương Tây cho tới nay đã tung đòn trừng phạt lên nhiều ngành công nghiệp thiết yếu của Nga nhưng vẫn có “lá bài miễn trừ” cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga để tránh cản trở an ninh lương thực. Ông Cingr và Holsether cho rằng Moscow đang lợi dụng kẽ hở này để tài trợ cho quỹ chiến sự của mình.

Theo dữ liệu của Eurostat, 1/3 lượng urê nhập khẩu của EU, dạng phân bón gốc nitơ rẻ nhất, đến từ Nga, với lượng nhập khẩu vào năm 2023 gần đạt mức kỷ lục. Ví dụ, lượng urê nhập khẩu từ Nga của Ba Lan đã tăng lên gần 120 triệu USD vào năm 2023, tăng từ mức chỉ hơn 84 triệu USD vào năm 2021, theo dữ liệu hải quan.

Ngành phân bón châu Âu đối mặt khủng hoảng

Ông Benjamin Lakatos, Giám đốc điều hành của MET Group, một công ty năng lượng có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết: “Những năm khủng hoảng đang đến với ngành phân bón châu Âu”.

Ông cho biết, với 70 đến 80% chi phí hoạt động của một công ty phân bón đến từ khí đốt tự nhiên, ngành này sẽ bị ảnh hưởng nhanh hơn các lĩnh vực khác do chi phí khí đốt và năng lượng tăng cao.

Ông Tim Benton, chuyên gia an ninh lương thực tại Chatham House, thì cho hay các nhà sản xuất châu Âu từ lâu đã phàn nàn về lợi thế mà các đối tác Nga của họ có được nhờ khí đốt tự nhiên rẻ hơn. Nhưng lập luận của họ có sức nặng hơn kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.

Ông Benton cho biết khi thế giới ngày càng “cạnh tranh và xung đột”, trọng tâm của châu Âu có thể cần chuyển từ hiệu quả thị trường sang “an ninh nguồn cung”.

Ông nói thêm rằng “không phải vô lý khi cho rằng ngành nông nghiệp của Anh và châu Âu có thể gặp tổn hại nếu lục địa này trở nên phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Nga và các 'kẻ thù tiềm năng' khác".

Những người chơi lớn cũng khác đang rời khỏi thị trường. BASF, tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới, đã thu hẹp hoạt động tại châu Âu trong vài năm qua, bao gồm cả hoạt động kinh doanh phân bón, thay vào đó tập trung đầu tư mới vào Mỹ và Trung Quốc, nơi có chi phí thấp hơn.

“Sớm hay muộn, tất cả mọi người, có lẽ bao gồm cả chúng tôi, sẽ làm theo”, ông Cingr cho biết. Công ty SKW Stickstoffwerke Piesteritz của ông Cingr đang đàm phán một lựa chọn để lắp đặt đường ống amoniac tại Mỹ, nơi ông cho biết “họ có thể được cung cấp khí đốt tự nhiên rẻ hơn nhiều, điện rẻ hơn nhiều và có thể được trợ cấp thông qua Đạo luật Giảm lạm phát”.

Cũng theo ông Cingr, nếu không có sản xuất ở châu Âu, khối này sẽ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ các nước khác, chủ yếu là các nước như Nga và đồng minh Belarus.

Mộc An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nhap-khau-phan-bon-ky-luc-tu-nga-chau-au-lo-ngai-an-ninh-luong-thuc-bi-de-doa-d112775.html