Nhận thức đúng để có hành động đúng

Trong bài viết 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ hơn CNXH là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng CNXH ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì? Đặc biệt, Tổng Bí thư khẳng định: 'Chủ nghĩa tư bản (CNTB) vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó'.

Đây là sự khẳng định khoa học cả trên bình diện lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định xu thế vận động, phát triển của xã hội loài người, khẳng định đi lên CNXH ở Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn; đồng thời phê phán những quan điểm, tư tưởng “tán dương, ca ngợi” CNTB, hoài nghi về con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Nhìn lại dòng chảy lịch sử thế giới đã cho thấy, thay thế chế độ phong kiến, CNTB ra đời, phát triển là bước tiến lớn của nhân loại. Điều đó là không thể phủ nhận. K.Marx và F.Engels đánh giá cao công lao của CNTB đối với sự phát triển lực lượng sản xuất. CNTB với nền kinh tế thị trường, cơ chế cạnh tranh, mục tiêu lợi nhuận đã tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nền kinh tế, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, thu hút tất cả các nước trên thế giới vào một thị trường chung, tham gia vào sự phân công lao động và hợp tác, liên kết kinh tế trên quy mô toàn cầu. Thực tế này làm cho nhiều người lầm tưởng và cho rằng CNTB là chế độ tốt đẹp nhất, “là thiên đường, vĩnh hằng và vô hạn”. Nhất là sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, không ít người đòi xét lại Chủ nghĩa Mác-Lênin và cho rằng chế độ XHCN là “quái thai” của lịch sử, cần phải đào sâu, chôn chặt để cho loài người thừa hưởng và sống trong một trật tự xã hội vĩnh hằng, công bằng, bình đẳng mà con người hướng tới.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, dù nghiên cứu ở góc độ nào, nhìn nhận ở bình diện nào thì CNTB chưa khi nào và không bao giờ là xã hội công bằng, bình đẳng mà con người hướng tới. Mặc dù CNTB ngày nay đã có điều chỉnh nhất định trong quan hệ sở hữu, quản lý và phân phối, phần nào làm giảm bớt tính gay gắt của những mâu thuẫn cơ bản trong xã bội tư bản chủ nghĩa (TBCN). Tuy nhiên, những điều chỉnh ấy vẫn chưa vượt ra khỏi khuôn khổ của quan hệ sản xuất TBCN. Đảng ta khi bàn về CNTB ngày nay đã khẳng định: “Hiện tại, CNTB còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của CNTB, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”(1).

Mặc dù có sự điều chỉnh, thích nghi nhưng “CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”. Đúng như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội TBCN: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu-nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc”. Và sự thật, dù có biến đổi như thế nào thì bản chất của CNTB không hề thay đổi. Dù có điều chỉnh, thích nghi đến đâu thì TBCN vẫn là xã hội mà trong đó sự phát triển không thực sự vì con người. Xã hội đó luôn vì lợi nhuận kinh tế mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người".

Dù có che đậy tinh vi ở mức độ nào thì trong xã hội TBCN, quyền lực của hệ thống chính trị thực sự không thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân-yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át...

Như vậy, chúng ta cần nhận thức rằng: CNTB hiện vẫn tiếp tục điều chỉnh để thích ứng trước những biến động, mâu thuẫn bên trong và ngoài nước. Hiện tại, CNTB vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, như K.Marx và V.I.Lenin đã nhận định: Phương thức sản xuất TBCN không tự diệt vong và phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa cũng không tự phát hình thành mà phải được thực hiện thông qua cuộc cách mạng xã hội, trong đó, giai cấp có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội này chính là giai cấp công nhân.

Điều đó có nghĩa rằng, xu thế phát triển của nhân loại tất yếu sẽ thay thế CNTB bằng một chế độ xã hội tốt đẹp hơn nó. Dù còn nhiều quanh co, phức tạp nhưng nhất định loài người sẽ tiến lên CNXH. Điều này một lần nữa khẳng định: Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Đại tá, TS BÙI THANH CAO - Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.68.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nhan-thuc-dung-de-co-hanh-dong-dung-660521