Nhân rộng chuỗi an toàn thực phẩm

Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai có lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Đồng Nai cũng là tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước trong công tác xây dựng vùng trồng, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Quầy trưng bày nông sản an toàn của thành phố Long Khánh tại Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024. Ảnh: B.Nguyên

Quầy trưng bày nông sản an toàn của thành phố Long Khánh tại Lễ hội Trái cây Long Khánh năm 2024. Ảnh: B.Nguyên

Có được kết quả trên nhờ ngành nông nghiệp Đồng Nai đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông sản đạt Chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo đó, những chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn không ngừng được nhân rộng.

Nhân rộng những vùng sản xuất sạch

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông sản đạt Chứng nhận GAP, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 74 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Đến nay, tổng diện tích trồng trọt theo quy trình VietGAP được nhân rộng lên 3.135 hécta với các mô hình thâm canh cây trồng, sản xuất theo VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm… Trong đó, nhiều mô hình sản xuất đã có sự thay đổi về chất khi cả năng suất, chất lượng nhiều mô hình trồng trọt được nâng cao.

Về chăn nuôi, toàn tỉnh đã duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh. Toàn tỉnh đã có 110 trang trại và 7 tổ hợp tác với 53 hộ thành viên đã được chứng nhận VietGAP. Về thủy sản, có 14 vùng nuôi được chứng nhận VietGAP tương ứng với sản lượng gần 15,3 ngàn tấn.

Ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhất là nhân rộng các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Theo đó, số lượng HTX nông nghiệp kiểu mới tăng nhanh, hoạt động hiệu quả, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Những HTX kiểu mới này là cầu nối giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có thêm 8 HTX, 5 tổ hợp tác được thành lập mới, tiếp tục duy trì thực hiện 23 dự án/kế hoạch liên kết đã được phê duyệt hỗ trợ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 273 chuỗi liên kết với sự tham gia của 127 doanh nghiệp, 70 HTX, 39 tổ hợp tác và 15,3 ngàn hộ gia đình tham gia liên kết. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tiêu thụ qua chuỗi liên kết bình quân ước đạt 45,5%.

Trên địa bàn tỉnh có 50 chuỗi kiểm soát sản phẩm an toàn, 331 điểm bày bán sản phẩm an toàn giới thiệu đến người tiêu dùng các loại sản phẩm chủ lực của tỉnh như: thịt heo, thịt gà, thịt ngan, trứng, sản phẩm chế biến từ thịt, rau quả, nấm và các sản phẩm chế biến từ sữa. Sản lượng cung cấp ra thị trường hàng tháng gần 16 ngàn tấn thịt, rau củ quả.

Tăng quản lý an toàn nông sản

Công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Ngành nông nghiệp đang theo dõi 2 mô hình hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) chăn nuôi heo theo hướng hữu cơ tại huyện Định Quán. Thực hiện chuỗi truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật với gần 93,5 ngàn con heo được truy xuất. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi thông qua công tác đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi tại 19 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thông qua công tác đánh giá cấp mới và đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ban hành kế hoạch triển khai Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 và quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tại huyện Vĩnh Cửu, huyện Tân Phú và thành phố Long Khánh. Triển khai công tác điều hành về bảo đảm an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản đến các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc sở. Triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới của lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ban hành kế hoạch hành động về việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản năm 2024 của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, công tác lấy 18 mẫu phân tích giám sát chất lượng an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Kết quả các chỉ tiêu phân tích trong những tháng đầu năm đến nay đều nằm trong giới hạn cho phép.

Theo Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã có sự phân cấp, huy động được nguồn lực cấp huyện, cấp xã; đảm bảo các cơ sở đều có sự giám sát cụ thể của các đơn vị quản lý. Công tác kiểm tra, thanh tra ngày càng đi vào chiều sâu, có sự phối hợp bài bản với các cơ quan, đơn vị liên quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công tác giám sát và phân tích nguy cơ tiếp tục được duy trì triển khai, kịp thời đưa ra cảnh báo thông tin đến người tiêu dùng. Bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp từng bước được kiện toàn. Công tác quản lý và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm có tiến bộ rõ rệt. Điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cải thiện hơn. Người tiêu dùng có nhiều thông tin lựa chọn, nhận biết sản phẩm an toàn. Diện tích trồng rau an toàn, chăn nuôi quy mô trang trại, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng dần theo từng năm.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/nhan-rong-chuoi-an-toan-thuc-pham-fde6f97/