NHÂN DÂN LÀ TRUNG TÂM- MỘT GIÁ TRỊ CỐT LÕI (Kỳ 1): Bài học từ sự thiếu lắng nghe, bỏ qua giám sát của nhân dân
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, cá biệt có vụ việc phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can,... làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nguyên nhân của sự việc là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thật sự xem “nhân dân là trung tâm”; thiếu sự lắng nghe, tôn trọng nhân dân; có trường hợp chỉ lo vun vén cho lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích của nhân dân.
Đại hội VI, Đảng ta đã xác định phương thức cơ bản để thực hiện dân chủ, đó là làm tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đến Đại hội XIII của Đảng thì bổ sung 2 điểm mới là “dân giám sát” và “dân thụ hưởng” để hoàn chỉnh phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đây là sự phát triển sáng tạo của Đảng ta trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh: “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Quan điểm “nhân dân là trung tâm” của Đảng là một triết lý cốt lõi trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc; đảm bảo sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân vào quá trình phát triển của đất nước.
Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng: “nhân dân là trung tâm”, Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2023). Đây là cơ sở pháp lý cho việc thực hành dân chủ. Qua đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, việc thực thi dân chủ ở cơ sở tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Mới đây, về xã Đức Lợi (Mộ Đức), thay vì nghe câu chuyện vui khi địa phương về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, làng quê khởi sắc bởi sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, toàn dân trong xã thì chúng tôi lại nghe tiếng thở dài của cán bộ và nhân dân trước vụ án hình sự xảy ra tại địa phương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án công trình đường xã tuyến ven biển Khu dịch vụ Trùng Dương - Trạm Biên phòng Đức Lợi. Trong đó, khởi tố bị can Lê Minh Việt, Chủ tịch UBND xã Đức Lợi, Trưởng Ban Quản lý Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới của xã, cùng với chủ doanh nghiệp tư vấn và xây dựng...
Công trình đường xã tuyến ven biển Khu dịch vụ Trùng Dương - Trạm Biên phòng Đức Lợi dài hơn 1,7 km, thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tổng mức đầu tư 3,8 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý thực hiện Chương trình MTQG xã Đức Lợi. Công trình được khởi công ngày 28/3/2019, hoàn thành ngày 30/11/2019. Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm, cụ thể là lập dự toán không chính xác, tính sai khối lượng đất đào, tính trùng khối lượng đắp đất nền với khối lượng đất đắp thay của mặt đường, móng cấp phối đá dăm, bê tông xi măng mặt đường dẫn đến làm tăng dự toán công trình, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.
Một cán bộ công tác lâu năm tại UBND xã Đức Lợi cho rằng, khi chính quyền địa phương lấy ý kiến nhân dân để triển khai thi công tuyến đường, ai cũng phấn khởi, đồng tình cao, sẵn sàng chặt bỏ cây cối, tháo dỡ công trình để bàn giao mặt bằng, phục vụ thi công. Song, Chủ tịch UBND xã và nhiều người liên quan lại sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát số tiền lớn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Lợi Lê Thanh Phách cho biết, vụ việc xảy ra tại công trình đường xã tuyến ven biển Khu dịch vụ Trùng Dương - Trạm Biên phòng Đức Lợi khiến người dân hoài nghi về chất lượng, kinh phí triển khai các công trình nông thôn mới và các chương trình MTQG khác. Điều lo sợ nhất là mất niềm tin của nhân dân. Nghị quyết, chủ trương của Đảng làm sao có thể thực hiện thành công nếu không có được lòng dân. Bởi vậy, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bí thư Đảng ủy xã đã trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ở 4/4 thôn trên địa bàn xã để kịp thời cung cấp thông tin vụ việc, giải thích để người dân hiểu, tránh bị tác động bởi thông tin sai lệch.
“Ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã trong năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thế nên, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân phải đoàn kết, quyết tâm, giữ vững truyền thống của địa phương. Việc thực hiện dân chủ phải được phát huy, phát huy dân chủ ngoài dân cũng như trong Đảng, điều này là rất quan trọng. Qua giải thích, người dân thấu hiểu và đồng thuận”, đồng chí Lê Thanh Phách nhấn mạnh.
Trở lại vụ việc sai phạm ở xã Đức Lợi, bên cạnh vi phạm của những người trong cuộc, thì việc chưa làm tròn trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên là điều cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Về phía người dân, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng chưa được phát huy. Người dân chỉ được biết về chủ trương, được vận động chặt cây bàn giao mặt bằng; còn năng lực kiểm tra, giám sát về kỹ thuật, đánh giá chất lượng công trình thì không có, nên “không dám”, “không thể” theo dõi, có ý kiến. Khi sai phạm được phát hiện thông qua công tác thanh tra định kỳ của Thanh tra tỉnh thực hiện, thì cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn mới vỡ lẽ và nhận thức sâu sắc rằng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã không được thực hiện đầy đủ.
Thủy điện Đăkđrinh ở huyện Sơn Tây đã vận hành phát điện, song hơn 10 năm qua, 45 thửa đất, với tổng diện tích 9,5ha của 21 hộ dân phục vụ thi công công trình vẫn chưa được đền bù. Người dân bức xúc và nhiều lần gửi đơn kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền địa phương cho rằng, vướng mắc dẫn tới chậm chi trả bồi thường là do các thửa đất này đa số là những trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất không đúng quy định, nên phải xác minh, tránh sai sót. Trước đó, nhiều cán bộ trong Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Đăkđrinh bị bắt, phạt tù do sai phạm trong kiểm kê, lập danh sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nên các cán bộ đương nhiệm có tâm lý sợ sai.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) vào tháng 7/2024, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu nghe phản ánh, kiến nghị của nhân dân về vụ việc nói trên. Để vụ việc kéo dài như trên là trách nhiệm của chính quyền, cần phải khẩn trương xử lý dứt điểm. Thượng tướng Trần Quang Phương nêu quan điểm tháo gỡ: “Trường hợp nào xác minh đảm bảo hồ sơ, thủ tục pháp lý thì bóc tách riêng ra làm trước, chi tiền bồi thường. Chứ cứ để chờ xác minh hết tất cả các hồ sơ rồi mới làm thì biết khi nào mới làm xong, trong khi người dân đã chờ đợi quá lâu. Để càng lâu thì người dân càng bức xúc”.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, huyện Sơn Tây vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc này, nên chưa thể đền bù cho số hộ dân có đất bị thu hồi. “Gia đình tôi mất hơn 1ha đất. Giờ không có đất để trồng keo, trồng cau, cuộc sống khó khăn. Tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết, đến nay đã hơn chục năm rồi”, ông Phạm Ngọc Minh, hộ dân có đất bị thu hồi để làm công trình thủy điện, bức xúc.
Không chỉ vụ việc liên quan đến thủy điện Đăkđrinh, trên thực tế ở Quảng Ngãi còn nhiều vụ việc tồn tại, vướng mắc chưa được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết kịp thời, để kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Tại buổi tiếp xúc của Đoàn ĐBQH tỉnh với cử tri xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) vào đầu tháng 10/2024, người dân đã phản ánh hàng loạt kiến nghị, bức xúc. Trong đó có nhiều kiến nghị lẽ ra phải được giải quyết rốt ráo từ sớm, nhưng cơ quan chức năng lại giải quyết, trả lời cho người dân kiểu nửa vời, để vụ việc kéo dài, khiếu nại vượt cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với HĐND tỉnh lập ngay đoàn giám sát về việc tiếp công dân, giải quyết khiết nại, tố cáo tại xã Tịnh Ấn Đông. “Trước hết, chính quyền các cấp nên kiểm tra lại văn bản trả lời với nhân dân. Có những văn bản trả lời không thỏa đáng. Quy định của pháp luật như thế nhưng vận dụng vào địa phương mình thì làm như thế nào, hết trách nhiệm với dân chưa và vướng mắc cái gì, hướng dẫn bà con đến đâu để tiếp tục làm. Và, địa phương đã kiến nghị gì với trung ương, trung ương đã trả lời đến đâu,... Chính quyền chưa làm chặt chẽ, chưa sát vấn đề, chưa làm hết trách nhiệm, nên người dân mới kiến nghị đi kiến nghị lại nhiều lần”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu thẳng vấn đề.
Nội dung: P.LÝ - B.YẾN - B.HÒA - M.HUY - TR.ÂNThiết kế, trình bày: L.H
Kỳ 2:Khi người dân làm chủ