Nhạc trào phúng: Ít nhưng chất
Đả kích thói hư tật xấu bằng âm nhạc từng được xem xu hướng thời thượng thu hút sự quan tâm của người yêu nhạc, nhất là giới trẻ. Đến nay, dù không còn nhộn nhịp như trước nhưng cứ hễ ca khúc nào thuộc dòng này ra đời, nó nhanh chóng làm nên hiện tượng.
Những tiếng cười sâu cay
“Không ra gì” - ca khúc trào phúng mới nhất của Mew Amazing do Trúc Nhân thể hiện - đang “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Với lời ca xéo xắt, ca khúc đá xoáy những anh chàng coi tình yêu như trò đùa. Phần hình ảnh MV được Trúc Nhân lên ý tưởng kịch bản, mang đậm phong cách hóm hỉnh như phim Châu Tinh Trì. Sản phẩm này tiếp tục khẳng định danh xưng “ông hoàng nhạc trào phúng” của Trúc Nhân sau loạt ca khúc mang phong cách hài hước, châm biếm xuất sắc trước đó như “Thật bất ngờ” (đả kích showbiz), “Sáng mắt chưa” (chuyện người đồng tính nam phải lấy vợ để che mắt thiên hạ)…
Chỉ sau một tuần ra mắt, “Không ra gì” đã leo lên đầu top thịnh hành trên YouTube. Đây không phải là lần đầu Trúc Nhân lập thành tích mà các sản phẩm trước đó như “Sáng mắt chưa”, “Có không giữ mất đừng tìm” … đều tăng lượt xem chóng mặt vì nội dung độc đáo, cách thể hiện hài hước pha chút lầy lội nhưng rất văn minh.
Dễ hiểu vì sao “Không ra gì” gây sốt bởi đây được coi là “hàng hiếm” giữa một rừng ca khúc khai thác chủ đề tình yêu trong năm 2024. Hồi tháng 8, Mono cũng ra mắt MV “Đi tìm tình yêu” mang chất trào phúng. Đây là lần đầu tiên chàng ca sĩ sinh năm 2000 thử sức ở màu nhạc vốn gắn liền với đàn anh Trúc Nhân. Bài hát do Mono tự sáng tác và trình diễn là hành trình “chạy dọc khắp Bắc Nam”, “phóng xe công nông” đi từ Tây sang Đông để tìm người yêu khi thầy bu giục giã, mong cậu quý tử ế vợ sớm nên gia thất, có cháu ẵm bồng. “Anh cứ loay hoay đi tìm tình yêu/ Nóng như bị lửa thiêu/ Chân đau người liêu xiêu/ Lang thang thật cô liêu/ Xong bắt xe đi xuống tận Bạc Liêu/ Hết cả tiền để tiêu/ Mà vẫn chẳng có một ai yêu…”.
Màu sắc đông tây, kim cổ kết hợp trong lời bài hát lẫn hình ảnh MV khiến “Đi tìm tình yêu” nhanh chóng được bạn trẻ truyền tay nhau thưởng thức. Tuy vậy, tinh thần giễu nhại, trào phúng trong “Đi tìm tình yêu” vẫn chưa được sâu sắc mà chỉ như nét chấm phá, thử nghiệm của Mono. Thế nên khi “Không ra gì” ra đời, lâu lắm rồi thị trường nhạc Việt mới xuất hiện một ca khúc đậm tính trào phúng, vừa thâm thúy vừa đầy tính giải trí.
Năm 2018, âm nhạc trào phúng chính thức nổi lên và trở thành xu hướng nổi bật đúng như lời nhận định của nhạc sĩ Đức Trí: “Đây là năm của những ca khúc có đề tài trào phúng”. Khuynh đảo dòng nhạc này đa phần là những gương mặt rất trẻ. Trong đó, nhóm Lộn Xộn trở thành biểu tượng tiên phong khi nhóm ghi dấu ấn với loạt ca khúc châm biếm đầy thâm thúy từ năm 2016. Với các sáng tác như “Người yêu tôi không có gì để mặc”, “Khoan cho anh ngủ”, “Nổi tiếng dễ không?”, “Đường của bố mày”, “Lũ chó”… họ đưa người nghe vào những câu chuyện thường nhật quen thuộc mà lắm điều chướng tai gai mắt: từ nạn trộm chó, không tuân thủ luật lệ giao thông đến sự lãng phí, vô ý thức, hiện tượng sống ảo câu like.
Tương tự, Bùi Công Nam nói về nỗi khốn khổ của chủ nợ đòi hoài mà con nợ chây ì không trả trong “Tự giác đi” hay chuyện chân dài “đào mỏ” đại gia trong “Ôi trời ơi”. Từ tiếng vang của “Ông bà anh”, Lê Thiện Hiếu tiếp tục sáng tác "Tội gì phải cưới". Nhóm MTV có loạt ca khúc: “Đừng nhìn bề ngoài” (châm chích những trò lố trong showbiz), “Nói chung là...” (Chuyện thằng say), “Tại sao bạn đến trái đất này” (khai thác chuyện showbiz), “Anh ngoan rồi vợ ơi” (châm biếm thói gia trưởng và bợm nhậu của mấy ông chồng)…
Khai thác chủ đề hiện sinh là chủ yếu nhưng giọng điệu mỉa mai, tự trào nhẹ nhàng vẫn hiện diện trong vài ca khúc của nhóm Ngọt. Nổi bật có “Không làm gì” phác họa nên chân dung của một anh chàng đã 30 tuổi nhưng từ nhỏ đến lớn đều bị người lớn sắp đặt, không lý tưởng, không mục đích sống. “Tôi phóng ra xe hôm nay đi làm/ Nếu tôi còn bé thì tôi sẽ khóc/ Nhưng đã ba mươi, ba mươi, ba mươi/ Lên xe đi làm, lại ngồi lên ghế, không làm gì".
Các vấn đề nhức nhối của xã hội như thói “nổ”, thói côn đồ, nạn kinh doanh thực phẩm bẩn... cũng được đề cập trong các ca khúc như “Chém gió” (nhạc sĩ Vũ Quốc Việt), “Giáo dục công dân” (Tiến Đạt)... Jun Phạm thì có “Tân thời” - bài hát châm biếm việc cứ chăm chăm vào mạng xã hội của một bộ phận người trẻ mà bỏ quên tình cảm thật xung quanh.
Sôi động là thế nhưng từ khi nhóm Lộn Xộn tan rã năm 2020, âm nhạc trào phúng như mất người tiên phong nên không còn xuất hiện ào ạt như trước. Thỉnh thoảng thị trường mới xuất hiện vài ca khúc để công chúng tạm giải khuây. Nhận thấy nhu cầu bức thiết của khán giả, năm 2021, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chính thức dấn thân để khuấy động lại đời sống nhạc trào phúng.
Từng được biết đến với những bản tình ca lãng mạn và loạt bài hát thiếu nhi đáng yêu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ rằng, việc chuyển hướng sáng tác những ca khúc đề tài xã hội, nhất là dòng trào phúng, không chỉ là cảm xúc cá nhân mà còn xuất phát từ nhu cầu phục vụ cộng đồng. Điều này góp phần khẳng định nhạc trào phúng là mảnh đất sáng tạo đòi hỏi cả tài năng lẫn trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ. Thay vì châm chích cay độc thẳng thừng, các bài hát trong album nhạc trào phúng của anh như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, biến những điều chướng tai gai mắt thành thông điệp cảnh tỉnh, hài hước mà không gây phản cảm.
"Đó là cách để chúng ta xóa bỏ đi những mệt mỏi. Mọi điều xấu khi nhìn ở khía cạnh hài hước cũng sẽ trở nên nhẹ nhõm hơn cho người viết lẫn người nghe. Biến những thứ tiêu cực thành hài hước, sẽ đạt được cả hai mục đích vừa có thể châm biếm, lên tiếng về những thói hư tật xấu nhưng lại nhẹ nhàng, tinh tế" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho hay.
Làn gió lạ đầy thách thức
Nhạc trào phúng tuy số lượng khá khiêm tốn so với các bản tình ca nhưng luôn giữ một chỗ đứng riêng biệt khó thay thế. Chúng chiếm được cảm tình của người nghe vì không chỉ hài hước, mua vui cho công chúng mà còn phê phán thẳng thắn các thói hư tật xấu trong cuộc sống với giọng điệu châm biếm sâu cay, sáng tạo. Những vấn đề này vốn diễn ra hằng ngày, ai cũng nhìn thấy và chứng kiến, nhưng lại có rất ít bài hát khai thác. Vì vậy, khi có một bài hát "gãi đúng chỗ ngứa", nó nhanh chóng trở nên phổ biến, được truyền miệng và lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Trào phúng, giễu nhại sâu cay và chỉ ra được bản chất của hiện tượng, âm nhạc thực sự có ý nghĩa và khiến người nghe nhớ lâu”.
Với tinh thần phê phán, đả kích mạnh mẽ, nhạc trào phúng mang theo sứ mệnh cao nhất của âm nhạc: thay đổi xã hội qua nghệ thuật. Hiệu quả lớn nhất của dòng nhạc này nằm ở khả năng khơi dậy ý thức và cảm xúc tích cực trong công chúng. Nó không chỉ là lời phê phán, mà còn là lời cảnh tỉnh giúp người nghe nhìn nhận lại chính mình một cách nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Nhạc sĩ Mew Amazing từng chia sẻ: “Âm nhạc phải đủ thâm thúy để khiến người bị đả kích thấy nhột, thấy xót. Từ đó họ mới quyết tâm sửa mình”.
Trong một thị trường âm nhạc mà tình khúc chiếm đa số, nhạc trào phúng như một "làn gió lạ", hấp dẫn nhưng đầy thách thức. Bởi để sáng tạo nên nó không hề dễ. Nếu chỉ đơn giản liệt kê hiện thực rồi phổ nhạc hay chạy theo chuyện thời sự nóng hổi thì ca khúc trở nên sống sượng, phản cảm, nhanh chóng rơi vào quên lãng. “Hóng hớt showbiz” của Châu Đăng Khoa là một ví dụ khi ca khúc không khác gì bảng liệt kê danh sách các sự kiện ầm ĩ dư luận hồi năm 2017. Cái khán giả cần là thông điệp sau bài hát ấy, óc sáng tạo, lối ví von, đả kích sâu cay thể hiện sự thông minh của người nghệ sĩ. Những ca khúc thành công đều đạt được sự cân bằng giữa châm biếm và sáng tạo nghệ thuật, như “Thật bất ngờ” - vốn được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của dòng nhạc này. Hay “Nổi tiếng dễ không?” không đơn giản lên án hiện tượng sống ảo câu like mà còn gửi đi thông điệp rằng sự nổi tiếng thực sự phải dựa trên giá trị.
Yêu cầu “khó nhằn” trên đòi hỏi nhạc sĩ viết nhạc trào phúng cần có tầm nhìn sâu sắc, óc quan sát nhạy bén, khiếu hài hước và khả năng truyền tải thông điệp một cách tinh tế. Trong khi đó, giới ca sĩ chọn dòng nhạc này để thể hiện luôn phải cân nhắc giữa tính thị trường và giá trị nghệ thuật. Thực tế, việc biểu diễn nhạc trào phúng gặp không ít rào cản dù nó gây sốt trên cộng đồng mạng. Các chương trình giải trí hay sân khấu ca nhạc thường ưu tiên các bài hát tình yêu nhẹ nhàng, dễ tiếp cận khán giả hơn là các sản phẩm mang tính phê phán xã hội.
Bởi nói như nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền: “Khi viết đề tài trào phúng, anh phải mặc định rằng nó không có tính thị trường. Đây là một đề tài hơi hạn chế người thể hiện, vì các ca sĩ sẽ tập trung đầu tư vào những sản phẩm tình yêu nhằm tiếp cận dễ hơn với khán giả. Xét về hiệu ứng truyền thông và giá trị cộng đồng, những ca khúc này rất ổn nhưng nó không hẳn là ca khúc mà khán giả có thể nghe đi nghe lại nhiều lần để trở thành hit. Tuy vậy, nghệ sĩ bây giờ có nhiều cách sáng tạo để phá bỏ rào cản này”.
Dù gặp phải nhiều khó khăn, nhạc trào phúng vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai. Các nhạc sĩ như Nguyễn Văn Chung, Lê Thiện Hiếu, Mew Amazing, Bùi Công Nam… đang cho thấy sự sáng tạo không ngừng, khai thác những góc nhìn mới lạ, cách thể hiện phù hợp với thời đại mới. Đặc biệt, cá tính, góc nhìn cá nhân và phong cách nghệ sĩ thể hiện rõ rệt khi họ bắt tay vào những đề tài phục vụ cộng đồng.
Để dòng nhạc này đi xa hơn, cần có sự đầu tư dài hạn từ các nhạc sĩ và sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất, bầu show nhằm quảng bá ca khúc trào phúng một cách hiệu quả. Thực tế không ít ca khúc được quảng bá tốt vẫn được khán giả yêu thích khi trình diễn trên sóng truyền hình hoặc sân khấu lớn. Điều cốt yếu vẫn là phải làm sao để nhạc trào phúng không chỉ nghe để “gãi ngứa” mà thực sự đồng hành với cuộc sống của con người.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/nhac-trao-phung-it-nhung-chat-i754678/