Nhà văn trẻ định vị mình trong thế giới phẳng

Đối với những nhà văn trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, AI hay ChatGPT không hoàn toàn là một nỗi lo mà chúng là những người bạn.

 ChatGPT là một chatbot đã đặt ra nhiều nghi vấn cho cộng đồng mạng gần đây về khả năng của nó. Ảnh: Business Insider.

ChatGPT là một chatbot đã đặt ra nhiều nghi vấn cho cộng đồng mạng gần đây về khả năng của nó. Ảnh: Business Insider.

Trong thời gian gần đây, sự xuất hiện của ChatGPT lần nữa dấy lên nỗi lo của mọi người về sự phát triển của AI và khoa học máy tính. Trước bối cảnh công nghệ thay đổi theo từng ngày, các nhà văn trẻ định vị mình như thế nào? Họ là những cây bút bắt đầu sự nghiệp trong những năm đầu của thế hệ cách mạng công nghiệp 4.0: Hiền Trang và Tống Phước Bảo. Mỗi người đều có một cách nhìn nhận riêng về cách công nghệ đã ảnh hưởng đến cuộc sống và quá trình sáng tác của mình.

AI và người có thể trở thành bạn

Nhà văn Hiền Trang là tác giả của những cuốn sách như Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, Dưới mái hiên đêm những khách lạ và mới đây nhất là cuốn Tại sao ta yêu. Trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp viết lách trong giai đoạn công nghệ phát triển, khoa học máy tính, AI vừa là nỗi sợ vừa là tương lai của con người, Hiền Trang đã cảm thấy hơi thở cuộc sống luôn tràn ngập các hoạt động của các công cụ hiện đại.

Điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến các sáng tác của cây bút trẻ này. Trang tận dụng các mặt tốt của công nghệ, không chỉ để thu thập thông tin mà còn chia sẻ những suy nghĩ của mình, tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu trong cuộc sống.

 Nhà văn Hiền Trang trong buổi ký tặng sách Tại sao ta yêu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà văn Hiền Trang trong buổi ký tặng sách Tại sao ta yêu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với Trang, công nghệ có nhiều ảnh hưởng tốt hơn là xấu. Trang có thể tiếp cận các nguồn sách dễ hơn nhờ những chiếc máy đọc sách. Trong quá trình viết, Hiền Trang nhận thấy rằng công nghệ giúp phi quyền lực hóa đối với mọi dạng thức viết. Tác giả không bị bó hẹp trong một vài hình thức xuất bản nữa.

Nhờ rèn luyện viết blog cá nhân, Trang đã có cơ hội được viết sách, viết báo. Thậm chí việc có những nền tảng công nghệ còn giúp Trang dễ dàng hơn nhiều khi gửi một số sáng tác của mình tới các tạp chí văn chương nước ngoài, không sợ thư tín đi lạc. Thậm chí Trang còn quản lý được các bài mình đã gửi đến các tạp chí khác nhau, chỉ trên một ứng dụng.

"Khi điện ảnh ra đời, người ta cũng bảo thế là văn chương xong đời. Vì điện ảnh giải trí hơn, chân thật hơn, hoành tráng hơn. Nhưng văn chương vẫn sống và còn liên minh với điện ảnh đấy thôi. Tôi không dám khẳng định AI có thay thế được con người không, đó là chuyện của tương lai, có thể 10 năm nữa thì không nhưng ai biết 100 năm sau thế nào. Tôi không muốn có cái nhìn 'thù địch' với AI, tôi thậm chí mong AI có thể sáng tác hay. AI và con người cũng có thể liên minh chứ", Trang chia sẻ.

Người trẻ cần một hướng đi độc đáo

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang gây ra một cơn sốt khắp thế giới. Với các tính năng vượt trội của AI, câu chuyện AI sáng tác gây cho cầm bút nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên, AI chưa thể thay thế được người viết. Chúng chỉ giải đáp các câu hỏi, viết một đoạn văn ngắn đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, không sai chính tả.

"Tôi đã thử ra đề tài cho AI làm 1 bài thơ. Kết quả tôi nhận được là 1 bài chẳng thể gọi là thơ. Vậy nên, tôi nghĩ người sáng tác không gì phải hoang mang, lo lắng. Cái chính là bạn sẽ viết như thế nào để song hành cùng sự phát triển của con người, xã hội và nhiều thứ khác", Tống Phước Bảo cho biết.

Tác giả của Hỗn Kỳ đài còn chia sẻ thêm rằng độc giả ngày nay cần những tác phẩm mang tầm vóc thời đại, kể những câu chuyện tử tế, mang đến một thứ văn chương sáng đẹp. Điều này nằm trong tay người sáng tác chứ không phải một ứng dụng lập trình máy móc nào đó.

 Chân dung nhà văn Tống Phước Bảo, tác giả của Hỗn Kỳ Đài và Biết vọng cố hương biết thương xứ mình. Ảnh: Hà Nội mới.

Chân dung nhà văn Tống Phước Bảo, tác giả của Hỗn Kỳ Đài và Biết vọng cố hương biết thương xứ mình. Ảnh: Hà Nội mới.

Do đó, người viết trẻ bây giờ cần tìm cho mình một hướng đi độc đáo, riêng biệt và hấp dẫn giữa muôn vàn gương mặt. Họ nên biết tận dụng tối đa ưu năng vượt trội của công nghệ để truyền thông. Thách thức chính Tống Phước Bảo nhận thấy là phải tách mình ra giữa vàng thau lẫn lộn trên không gian mạng này. Các cây bút phải chắt lọc giữa hỗn độn thông tin, lời bình, mối quan hệ để chọn cho bản thân hướng đi đúng.

Đồng ý kiến với Hiền Trang, Tống Phước Bảo còn nhận thấy các tác giả viết đang được hưởng lợi hơn bởi sự kết nối "phẳng" của mạng xã hội. Họ dễ dàng tra cứu tư liệu, thông tin, kết nối, và thuận tiện hơn khi gởi tác phẩm cộng tác các báo đài. Rõ ràng nhất là kênh công bố tác phẩm không chỉ có ở báo in hay sách in mà các nền tảng mạng xã hội đã dần dà thay thế bởi sự chủ động cá nhân, thuận tiện, nhanh, lan tỏa sâu rộng và tương tác được trực tiếp với độc giả.

Nghề viết không thể sống rời xa sự biến chuyển của xã hội. Mỗi người trong thế giới này luôn có một câu chuyện, người viết là người khai thác câu chuyện đó qua lăng kính, góc nhìn, chiều kích riêng để từ đó nảy nở một tác phẩm hay. Những kiến thức, thông tin trên các nền tảng, ứng dụng cũng sẽ gợi mở thành cốt truyện, hay cảm hứng để người viết có chất liệu sáng tác.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-cay-but-tre-dinh-vi-minh-khi-chat-gpt-xuat-hien-post1400876.html