Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lặng lẽ về miền cỏ thơm

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trút hơi thở cuối cùng vào sáng 24/7, sau 18 ngày kể từ khi vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời ở tuổi 74. Đôi phu thê tài hoa đã dắt dìu nhau đi qua nhiều rạo rực thanh xuân, nhiều cam go bệnh tật, và bây giờ đã cùng bay về miền vô ưu.

Vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã hội ngộ chốn xa thẳm nào đó. Dù biết đôi phu thê lừng danh này đã đau yếu từ lâu, giới mộ điệu vẫn cảm thấy xao xác nhớ những lời thơ của ông năm nào: “Hai cánh chim bay về/ Một tinh cầu đã tắt/ Hai ánh sao sa mạc/ Tan thành một cơn mưa/ Trên tài hoa nhầu nát/ Trên trần gian khói sương/ Trên mặt người biến sắc/ Mưa in dấu vô thường”. Những câu thơ mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tặng nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, hôm nay đọc lại càng thêm bồi hồi: “Chiều năm nọ anh đi/ Chào em trên đồi gió/ Người về đôi môi đỏ/ Bài hát xa muôn trùng/ Nhiều lần anh hỏi Dạ/ Em có được vui lòng/ Bên đời anh rất nhỏ/ Giữa cuộc đời riêng chung”.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua nét vẽ Đinh Cường.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Ông sinh ngày 9/9/1937 tại Huế. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông từng giảng dạy ở Trường Quốc học Huế từ năm 1960 đến năm 1966, rồi thoát ly theo kháng chiến với day dứt: “Yêu tuổi trẻ từ một màu lá biếc/ Yêu đồng bào từ bát nước lòng dân/ Yêu đất nước từ con đường phố hẹp/ Tâm hồn em mở rộng muôn lần/ Đường phố ấy bây giờ giặc chiếm/ Ngã ba ngã tư quỷ sứ đứng giăng bầy/ Từng hơi thở của mái trường uất nghẹn/ Trong khói mù lựu đạn hơi cay/ Không thể mặc cho loài bán nước/ Vung bàn tay cướp đoạt những thiêng liêng/ Không thể mặc cho quân xâm lược/ Dẫm gót giày lên thành phố yêu thương”.

Nhắc đến nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhắc đến một nhân vật viết bút ký điêu luyện hàng đầu trong làng văn Việt Nam. Từ cuốn sách đầu tiên “Những ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” in năm 1971 đến cuốn sách sau cùng “Miền cỏ thơm” in năm 2007, ông có hơn chục tập bút ký được công chúng yêu thích và đồng nghiệp nể phục. Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ phô diễn chữ nghĩa bay bổng mà còn hiển lộ tầm vóc một tác giả có vốn kiến thức sâu rộng.

Đọc bút ký của ông, độc giả được chìm đắm vào những miền hoài niệm, những nỗi suy tư, những niềm thao thức: “Tôi tiếp xúc nhiều với chim bách thanh thời sống trên rừng, đặc biệt ở những cánh rừng thưa đầy tiếng chim vào sớm mai nắng lên; nơi đó tôi có thể ngồi im trên cỏ quan sát hình dáng những con chim trong giọng hót riêng của chúng. Qua những lần tiếp cận với nó, con bách thanh lưu lại trong tôi hình ảnh kỳ lạ của một hội viên Câu lạc bộ Hoàn vũ, giao lưu với mọi người bằng ngôn ngữ riêng của xứ sở họ trong những lễ hội nhiều dân tộc”.

Có lẽ, chưa có nhà văn nào viết bút ký về cố đô Huế đủ sức thuyết phục công chúng như Hoàng Phủ Ngọc Tường. Xứ Huế qua trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường càng thêm quyến rũ và càng thêm mơ mộng: “Cỏ mọc ven những con đường trong thành phố, trên đó lưa thưa những chòm cây dại, như cây hoa ngũ sắc cười sặc sỡ dọc đường thơ ấu của tôi. Bay theo những bước chân lang thang của tôi là những con bướm, những cánh chuồn nghe ngày nắng lên tung tăng trong không gian, ghé cây này, vờn cây kia, trong một thành phố lúc nào cũng cổ xưa, văng vẳng điệu nhã nhạc của cung đình đã hoang phế. Đã nhiều năm, tôi chợt nhận ra rằng lũ chuồn chuồn, bươm bướm của tôi đã rời thành phố này mà đi đâu biệt tăm, chắc là chúng đã tìm đến một không gian khác yên tĩnh hơn, ít bị tiếng động làm choáng đầu hơn”.

Những trang viết về Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn đầy ắp hình ảnh bâng khuâng: “Tuy gọi là một kinh kỳ thơ mộng, nhưng trung tâm Huế thực sự là đất của triều đình vua Nguyễn, của những dòng dõi danh gia thế phiệt nối đời làm quan, tư tưởng chính thống của Huế là tư tưởng Nho giáo. Phía Tây Nam Huế là tư tưởng Thiền với những ngôi chùa cổ chiếm lĩnh những đỉnh núi cao. Bốn vùng ngoại ô Huế bao gồm vùng Gia Hội, dành cho thương nhân; khu Kim Long có các phủ đệ của những vị ngoại thích; khu Nguyệt Biều dành cho vườn nhà của những vị đường quan. Vậy chỉ còn Vĩ Dạ là nơi các văn nhân của mọi thời, những người theo tư tưởng tự do thích ở”. Có lẽ, phải chờ đợi rất lâu nữa, làng văn Việt Nam mới có được tác giả đủ sức tiếp nối nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trên hành trình đánh thức phong vị cố đô.

Ngoài bút ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một giọng thơ trữ tình đáng nhớ. Ông chỉ in hai tập thơ, “Những dấu chân qua thành phố” vào năm 1976 và “Người hái phù dung” vào năm 1992, nhưng biên độ thẩm mỹ thi ca của ông lan tỏa đến nhiều thế hệ trân trọng thi ca. Ông tự họa mình bằng thơ: “Vẽ tôi một nửa mặt người/ Nửa kia mê muội của thời hoang sơ/ Vẽ tôi nghe tiếng mơ hồ/ Bàn tay em vỗ bên bờ hư không/ Vẽ tôi một đóa bông hồng/ Tàn phai từ bữa em cầm trên tay/ Vẽ tôi một nét môi cười/ Một dòng nước mắt một đời phù du”.

Vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường - Lâm Thị Mỹ Dạ tại Bệnh viện Huế năm 2000.

Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa đủ mềm mại để người ta lưu luyến và vừa đủ triết lý để người ta ngẫm nghĩ. Ông có một “địa chỉ buồn” bên dòng sông Hương gắn bó máu thịt: “Những chiều Bến Ngự giăng mưa/ Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi/ Tôi ra mở cửa đón người/ Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang”. Và cũng nhờ thơ, công chúng hiểu thêm về ông qua những khoảnh khắc ngậm ngùi: “Có buổi nào như chiều nay/ Căn phòng anh bóng tối dâng đầy/ Anh lặng thầm như là cái bóng/ Hoa tàn một mình mà em không hay”, đồng thời sẻ chia với ông những phút giây lầm lũi đi tìm cái đẹp giữa ngược xuôi bao phen gió mưa khó lường: “Tôi biết nơi kia có một chỗ ngồi/ Tháng năm qua tôi không trở lại/ Lẽ thường thôi dù muôn vàn cát bụi/ Người phải đi hết cuộc hành trình”.

Trong thể loại bút ký, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phóng khoáng và tung tẩy ngòi bút. Còn trong thể loại thơ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại trầm lắng và xao xác: “Tài hoa cũng chuyện đùa chơi/ Làm sao thưa hết một lời yêu thương/ Anh đi tìm khắp thiên đường/ Chỉ còn một đóa vô thường gởi em”. Không cầu kỳ và không diễn giải, thơ ông cấu tứ chặt chẽ và luôn gợi mở những khung trời xa vắng mệnh kiếp mong manh: “Thưa rằng người đã quên tôi/ Tôi về chơi với ngọn đồi cỏ may/ Một đường hoang, một dấu giày/ Một người ngồi, một tháng ngày bóng nghiêng”. Không ít tác phẩm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn có giá trị thách thức sự lãng quên, bởi lẽ ông đã chắt chiu tâm hồn mình tựa như “Cây cỏ dại xanh xanh/ Bám trên vầng đá rắn/ Gian khổ suốt một đời/ Nở bông hoa đỏ thắm” để đồng hành tha nhân đôi lúc nguôi ngoai tiếng thở dài: “Anh cầm ngọn gió trên tay/ Gửi cho trần thế những ngày rong chơi”.

Trong đời thường, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bày tỏ: “Tôi phản đối xu hướng thực dụng bợm bãi của nhiều người đàn ông bây giờ. Những điều này đang làm nhiều phụ nữ đau khổ... Hãy trân trọng hoa và phụ nữ. Đó là nguồn mỹ cảm nuôi cảm hứng sáng tạo của cả loài người”. Và ông thể hiện điều ấy đắm đuối trong thi ca: “Ngậm ngùi ta hỏi non cao/ Trần gian ơi, về phương nào hoa bay/ Cho ta tìm lại một ngày/ Một bông hồng nở trên tay một người”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường uyên bác và mực thước. Văn chương của ông chắc chắn sẽ tồn tại dài hơn gấp nhiều lần số phận của ông. Cho nên, dù nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn nữa, thì tác phẩm mà ông gửi lại nhân gian sẽ tiếp tục vui buồn cùng công chúng, như ông từng thổ lộ: “Dù năm dù tháng em ơi/ Tim anh chỉ đập một đời/ Nhưng trái tim mang vĩnh cửu/ Trong từng giọt máu đỏ tươi”.

Vĩnh biệt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, đọc lại tác phẩm của ông, mà trân trọng những ngày ông đã sống đam mê và cống hiến: “Gió cuồng lên hoang dại thuở ban đầu/ Ta lại hát như thời trai trẻ/ Bài tình ca qua một đời dâu bể/ Bay tìm em không biết tận phương nào”. Vì vậy, vĩnh biệt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, chỉ để tiễn đưa ông đi hát phù dung ở cõi khác: “Thôi em, cảm tạ chờ mong/ Ngày anh đi hái phù dung chưa về”.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nha-van-hoang-phu-ngoc-tuong-lang-le-ve-mien-co-thom-i702546/