Nhà trọ siêu nhỏ không đảm bảo an toàn vẫn tăng giá và những lưu ý khi thuê nhà
Tình trạng giá nhà cho thuê tăng cao khiến các sinh viên chuẩn bị vào năm học mới rất khó khăn trong việc tìm một chỗ ở ổn định để học tập. Những căn nhà trọ siêu nhỏ đã xuất hiện.
Rơi nước mắt khi đi tìm nhà trọ cho con
Thời điểm này, nhu cầu tìm nhà trọ tăng cao, lý do là bởi đây là lúc rất nhiều sinh viên đổ lên Hà Nội, chuẩn bị vào năm học mới.
Thời gian qua, giá bất động sản tăng cao, giá nhà cho thuê có nhiều biến động. Tuy nhiên, theo khảo sát nhanh, mặt bằng cho thuê kinh doanh và căn hộ cho thuê cao cấp không tăng giá nhiều, thậm chí nhiều chủ nhà còn than thiếu khách thuê. Phân khúc có nhiều biến động về giá, giá tăng lại là nhà cho thuê bình dân, dành cho đối tượng người lao động có thu nhập thấp và sinh viên đại học. Sau khi xiết các qui định về phòng cháy chữa cháy, nhiều chủ nhà phải đầu tư thêm chi phí vào công tác này, đây là 1 trong những nguyên nhân khiến giá nhà trọ tăng lên.
Giá tăng, nhiều người thuê trả nhà, tìm phương án thuê khác, phụ huynh lên tìm nhà cho con nhập học, thị trường nhà trọ bình dân càng thêm sôi động. Thời gian này, các khu nhà trọ sinh viên tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa liên tục có phụ huynh, sinh viên đến khảo sát, xem nhà để thuê.
Tần ngần đứng trước cửa một khu trọ nằm gần Đại học Công đoàn, một vị phụ huynh có con vừa đỗ đại học cho biết: "Con đỗ đại học, vừa là tin vui mà cũng là gánh nặng cho gia đình. Ngoài việc học phí đóng theo các tín chỉ cao, tiền ăn uống, sinh hoạt cao, tiền thuê nhà bây giờ căng quá. Những căn hộ con có thể ở được tốt, gần trường thì giá thuê rơi vào khoảng 5 triệu đồng, nếu 2 cháu ở chung thì mỗi đứa sẽ hết khoảng 3 triệu đồng một tháng tính cả điện nước. Những căn hộ nhỏ hơn thì chỉ lo mất an ninh, an toàn. Cô đi xem nhà để thuê cho em chuẩn bị đi học mà xem 4-5 nơi rồi chưa được, nghĩ thương con mà rơi nước mắt".
Với các sinh viên, ở trọ gần trường là cách tốt nhất để đi học. Một số bạn sinh viên đã học năm thứ 2, thứ 3, quen với cuộc sống tại Hà Nội, sau khi nhà đang trọ tăng giá đã tính đến phương án sẽ ở trọ xa trường hơn để giảm giá nhà, sau đó đi xe máy hoặc xe bus để đến trường. Tuy nhiên, các khu vực xa trường lại phát sinh những rắc rối khác. Nguyễn Khánh - SV chuẩn bị vào năm thứ 3 Đại học Giao thông Vận tải cho biết: "Năm học trước, em và bạn thuê nhà trọ với giá 4 triệu đồng/1 tháng. Bạn chuyển chỗ ở, em dự định đi về phía Cầu Diễn, Hoài Đức tìm thuê phòng, nhưng giá phòng kiểu nhà dãy cấp 4 cũng đã lên giá độ 2 triệu đồng/tháng. Chưa kể, những khu trọ gần trường thì cả khu đều là sinh viên, ở xa thì đối tượng thuê nhà khá phức tạp. Mấy người bạn em đang học Đại học Xây dựng, Kinh tế cũng tính đến phương án xuống phía Thanh Trì thuê nhà, nhưng cũng thấy không ổn phải quay lại tìm nhà gần trường".
Chính bởi nhu cầu cho nhà trọ bình dân tăng cao, những "căn hộ cho thuê" dạng siêu nhỏ, chỉ có diện tích chưa đầy 3m2 đã xuất hiện vào mùa hè năm nay, với giá thuê rơi vào khoảng 1,5 đến 1,8 triệu đồng. Trước đây, một số chủ nhà đã cải tạo, ngăn vách trong phòng rồi cho thuê kiểu "tổ kén". Một căn phòng kiểu này có nhiều ô, người thuê chỉ có không gian để nằm ngủ và sử dụng phòng vệ sinh chung. Hình thức cho thuê kiểu tổ kén hay chuyển sang dạng căn hộ siêu nhỏ chật trội này đều không đảm bảo an toàn, chỉ có ưu điểm là giá rẻ.
Một người quản lý kí túc xá sinh viên xin giấu tên khi được hỏi đã cho biết: "Cứ chuẩn bị bước vào đầu năm học mới, chúng tôi lại nhận được số lượng lớn đăng kí ở kí túc xá, số sinh viên có tiêu chuẩn ở kí túc xá của trường cũng đã vượt quá số chỗ ở cho phép. Rất thương sinh viên nhưng cũng không biết phải làm cách nào khác".
Phụ huynh, sinh viên cần lưu ý gì khi đi thuê nhà trọ
Tìm được chỗ ở phù hợp, đảm bảo thuận tiện cho việc học tập cho các sinh viên là điều không hề đơn giản trong tình cảnh giá nhà trọ tăng cao như hiện nay.
Theo kinh nghiệm từ các sinh viên đã đi thuê trọ, các tân sinh viên nên tìm cách kết nối, tham khảo từ người quen, tìm cách kết nối với các anh chị, bạn bè, đồng hương là sinh viên đã học tập và thuê nhà tại khu vực đó để được giúp đỡ. Trong các hội nhóm sinh viên của các trường, các địa phương, các bạn trẻ đều sẵn sàng và luôn nhiệt tình chia sẻ các thông tin về học tập, chỗ ở.
Khi đến khảo sát, tìm hiểu nhà cho thuê, nên rõ ràng ngay từ đầu với những lời đề nghị dẫn đi xem nhà, cẩn trọng với các thỏa thuận có phí hoặc miễn phí. Phụ huynh, sinh viên nên xem xét kĩ căn nhà trọ, khu trọ, về các yếu tố an toàn phòng cháy chữa cháy, xem xét kĩ thành phần người thuê. Sinh viên mới nhập trường nên chọn thuê ở các khu trọ gần trường, khu vực dân cư an ninh, an toàn, ưu tiên chọn ở các khu nhà có đông sinh viên thuê.
Một kinh nghiệm được những người đi thuê nhà chia sẻ là hãy tin ở cảm nhận ban đầu, nếu ngay khi đặt chân đến khu nhà ở, phòng trọ đã cảm thấy điều gì đó bất ổn, không an tâm, không thoải mái thì phải xem xét lại và cân nhắc thật kỹ. Trước khi thuê, nên thử lên mạng gõ địa chỉ khu nhà và tra cứu xem khu nhà này trước đó có vấn đề gì không, chủ nhà có "phốt" nào không...
Phụ huynh, sinh viên nên trao đổi kĩ về hợp đồng thuê, mức tiền thuê hàng tháng, tiền đặt cọc, các khoản chi phí điện, nước, để xe, các khoản phụ phí về bảo vệ, bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh nếu có. Khi tiến hành thuê nhà, đặt khoản cọc, các thời hạn về thanh toán tiền thuê nhà đều phải thật rõ ràng, xem xét kĩ, đọc kĩ lại hợp đồng rồi mới tiến hành kí hợp đồng thuê nhà. Tất cả việc thuê nhà đều phải có hợp đồng rõ ràng và đầy đủ, chi tiết, tuyệt đối không thỏa thuận miệng để tránh phát sinh các tranh chấp, mâu thuẫn.