Nhà thơ Ngô Bá Hòa: 'Năm tuổi càng phải xông pha hơn'

Năm 2023, nhà thơ dân tộc Tày Ngô Bá Hòa (sinh năm 1987) bước vào năm tuổi với niềm tin và hy vọng về những thành tích mới trong văn chương. Với anh, mảng đề tài về miền núi và dân tộc thiểu số từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tác của mình. Và anh đã kiên trì đi theo mạch cảm xúc ấy suốt 20 năm qua để tạo tiếng nói riêng, góp phần làm đa dạng và phong phú hơn văn học về đề tài này.

Nhà thơ Ngô Bá Hòa và Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Thanh Hiền trong một chuyến công tác tham gia làm phim. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi biết Ngô Bá Hòa qua những bài báo của anh về các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số. Đó là lối viết chắc chắn, có sự hiểu biết sâu về nhân vật và đặc biệt là có những chi tiết rất đời. Phải là người bạn gần gũi, thân thiết với nhân vật, anh mới có được những điều đó. Thật thú vị là khi tôi hỏi anh về những bài viết này, anh bảo: “Các nghệ sĩ dân tộc thiểu số luôn nói lên tiếng nói của dân tộc mình thông qua tác phẩm nghệ thuật, tôi trân trọng và ngưỡng mộ tài năng của họ và nhận thấy cần đưa những giá trị của họ đến với nhiều độc giả hơn. Điều này vừa giúp độc giả cả nước biết đến bản thân nghệ sĩ, vừa hiểu sâu sắc những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc họ”. Từ thiện ý rất tốt này, tôi dần mến mộ và đồng hành cùng anh trong việc lan tỏa những nhân vật này đến với đông đảo bạn đọc trên cả nước.

Sinh ra ở Lạng Sơn, hiện, Ngô Bá Hòa đang lập nghiệp ở Thủ đô Hà Nội, tất nhiên không chỉ lập nghiệp với thơ, mà anh còn làm đạo diễn, tác giả kịch bản cho nhiều bộ phim ngắn. Những ngày Đông giá rét này, tôi thấy anh lăn lộn khắp nơi cùng đoàn làm phim hoàn thành những công đoạn cuối cùng của bộ phim Tết. Làm thơ, làm phim hay viết báo, anh cũng đều làm việc bằng cái tâm sáng, sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ.

Và thành quả đã không phụ công người “vun trồng” khi anh đã gặt hái nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn năm 2009, 2014; giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2009; giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2014, 2022; giải thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng năm 2014; giải thưởng bút trẻ của Báo Pháp luật Việt Nam năm 2012; giải Ba cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” do Ban Văn hóa-Văn nghệ VOV6 và Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức năm 2022…

Nhà thơ Ngô Bá Hòa sinh ra và lớn lên dưới chân núi Kai Kinh (xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). Vì thế, những hình ảnh bản làng, dòng sông, con suối, cánh rừng, ngọn núi đến những sắc phục dân tộc, điệu Then… đã trở thành biểu tượng xuyên suốt trong các tác phẩm của anh. Những câu thơ của anh giản dị, mộc mạc, chân thành như nói hộ tâm tình của những người miền núi vậy. Tuy viết về miền núi, nhưng anh viết khá đa dạng và nhiều màu sắc.

Anh đã có những bài thơ viết về thiếu nhi miền núi như: “Bình minh về trên bản”, “Bản em xuân về”, rồi những bài thơ tình như “Lưng chừng ngày xanh”, “Ánh trăng sau núi”, “Sơn nữ”… viết về tình cảm của những đôi trai gái miền núi hay có những bài thơ ca ngợi quê hương như “Khuổi Phụ”, “Lát cắt Bắc Sơn”… Và tài năng đến độ, anh không chỉ làm thơ, mà còn thử sức ở nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, bút ký, kịch bản văn học. Đặc biệt, anh còn sáng tác thơ, truyện bằng cả tiếng Tày - Nùng… Đến nay, anh đã in riêng cho mình 4 tập thơ: “Lớp học mùa mưa” (2009), “Cánh đồng cỏ úa” (2014), “Miên linh” (2019), “Đôi mắt Sana” (2022).

Không những sáng tác thơ, Ngô Bá Hòa còn có góc nhìn riêng về mảng đề tài văn học về dân tộc thiểu số. Theo anh, những người viết trẻ miền núi có nhiều thuận lợi khi họ sinh sống ở vùng đất có nét đặc trưng riêng của văn hóa dân tộc thiểu số. Những vùng đất đó ngồn ngộn tư liệu cuộc sống, đầy rẫy những phận người cùng khổ và được thiên nhiên ban tặng nhiều tiên cảnh. Tuy nhiên, chính vì ở nơi địa thế trắc trở, nên công cuộc cầm bút của các cây bút là cả một cuộc đấu tranh.

Ngoài những áp lực về mưu sinh (điều mà một cây bút trẻ không thể tự dùng ngòi bút để lo liệu), thì những tác động của ngoại cảnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cây bút viết về miền núi. Để họ vững tin cầm bút, phát triển, khẳng định được bản thân là cả một sự cố gắng, vượt lên. “Là một người viết trẻ sinh ra và lớn lên ở miền núi, những khó khăn của tôi trên con đường đến với văn chương cũng giống như tất cả các bạn viết trẻ khác đang âm thầm, miệt mài sáng tác trong im lặng. Điều quan trọng là chúng tôi chưa khi nào từ bỏ đam mê” - anh bộc bạch.

Nhà thơ Ngô Bá Hòa (bìa trái) cùng các văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác tại Đồn Biên phòng Tùng Vài, BĐBP Hà Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Được biết, bước vào năm mới 2023 này, anh sẽ xuất bản 1 tập thơ mới với tựa đề “Hẹn em về xứ Lạng”. Tập thơ gồm 56 bài thơ chủ yếu viết theo thể tự do xen kẽ những bài lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn. Chủ đề tập thơ xoay quanh đề tài đất nước, con người miền núi, những danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa các dân tộc thiểu số. Tập thơ tập hợp những tâm tư, tình cảm dành cho quê hương xứ Lạng, những góc nhìn về cuộc sống của con người miền núi hôm nay.

Năm 2023 được xem là năm tuổi của mình, song trong khi nhiều người e ngại về vận hạn thì Ngô Bá Hòa cho rằng, bản thân cần phải xông pha hơn, quyết liệt hơn với “cuộc chơi” văn chương. Bởi, anh luôn ý thức được rằng, anh đang có một cuộc chạy đua với thời gian mà chỉ cần chậm chễ một chút, anh sẽ không tiến đến cái đích mà mình mong muốn. Ở tuổi 36, với nhiều ước mơ, hoài bão và cũng còn nhiều dang dở cùng nhiều dự định chưa hoàn thành, nhà thơ dân tộc Tày đang tràn đầy niềm tin và hy vọng vào “sức bật” của mình. Tất nhiên, hành trình mà anh đi không lẻ loi, đơn độc mà luôn có sự đồng sức, đồng lòng của nhiều cây bút trẻ người dân tộc thiểu số khác để tạo nên một tiếng nói mạnh mẽ cho văn học về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi.

“Thơ ca là một bản hòa âm khúc nhạc của tâm hồn, nó chứa đựng những nốt của rung động, những cao độ của cảm xúc, những trường độ của sự liên tưởng và giai điệu của sự thăng hoa. Thơ ca của tôi dần mở rộng về mặt địa lý, không chỉ là quê hương của tôi mà mỗi nơi tôi đi, mỗi hành trình tôi đến nơi vùng núi xa xôi, lại là những nét chấm phá riêng biệt trong những sáng tác của mình” - Ngô Bá Hòa tự sự.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nha-tho-ngo-ba-hoa-nam-tuoi-cang-phai-xong-pha-hon-post458316.html