Nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao hơn tại thị trường bất động sản Việt Nam
Các nhà đầu tư tại thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có thị trường Việt Nam đang kỳ vọng lợi nhuận được thiết lập lại ở mức cao hơn.

Urban Land Institute (ULI) vừa công bố báo cáo Xu hướng mới lĩnh vực bất động sản (Emerging Trends in Real Estate) 2025. Đây là báo cáo được ULI và PwC thực hiện thường niên kể từ năm 2003 tới nay.
Tại buổi công bố Báo cáo, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital, đại diện ULI Việt Nam đã chia sẻ các xu hướng mới nổi tại lĩnh vực bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như những nhận định liên quan tới thị trường Việt Nam.
Điểm đáng chú ý đầu tiên tại thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương là tâm lý thị trường đã thay đổi. Nếu như năm ngoái, các thành viên thị trường thậm chí không tham gia việc thẩm định các thương vụ/dự án, thì hiện tại, nhiều bên đã bắt đầu tính toán và xem xét các giao dịch để tìm phương án hiệu quả.
Tuy đã có những thay đổi trong tâm lý thị trường, cũng như những cải thiện về số lượng giao dịch, nhưng thực tế rất nhiều áp lực vẫn đè nặng lên các chủ sở hữu tài sản. Diễn biến này có sự phân hóa tại các thị trường, mà đặc biệt rõ ràng tại Trung Quốc. Năm 2024, hơn 20% các giao dịch bất động sản tại Trung Quốc liên quan tới việc bán tháo/bán giải chấp tài sản. Đây cũng là lý do các công ty bất động sản quy mô lớn của Trung quốc như Evergande, Country Garden… sụp đổ.
Trong khi đó, tình hình có vẻ “dễ thở” hơn ở các thị trường khác, chẳng hạn các khoản vay có khả năng “vỡ nợ” tại Mỹ, châu Âu ở mức dưới 5% và tại châu Á là khoảng 3%.
“Nếu nhìn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ nợ xấu ở mức khá lành mạnh. Vậy tại Việt Nam thì sao? Năm 2024, tỷ lệ nợ xấu tăng khoảng 2,2%, nhưng đây là con số chung, không phải chỉ liên quan tới bất động sản. Dù vậy, các khoản vay bất động sản chiếm khoảng 70% số này. So với mức trung bình 3% tại thị trường châu Á, tôi cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt”, ông Michael Piro cho biết.
Xu hướng tiếp theo đối với thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương là kỳ vọng lợi nhuận được thiết lập lại ở mức cao hơn. Cụ thể, khi lãi suất tại Mỹ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài hạn, nhà đầu tư toàn cầu tất nhiên mong muốn đạt được lợi nhuận cao hơn vào năm 2025, nhất là khi đã đầu tư sang các thị trường mới nổi.
“Chúng tôi nhìn thấy sự gia tăng đột biến về kỳ vọng lợi nhuận của các nhà đầu tư. Khoảng 50% nhà đầu tư tham gia khảo sát chuyển kỳ vọng lợi nhuận từ 5-10% lên mức 10-15%. Số lượng nhà đầu tư kỳ vọng đạt lợi nhuận 15-20% cũng tăng lên”, đại diện ULI cho biết.

Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital trình bày về các xu hướng mới nổi trong lĩnh vực bất động sản năm 2025
Xem xét nơi dòng vốn muốn chảy vào tại châu Á năm 2025, không có gì bất ngờ khi danh sách bao gồm các thành phố phát triển nhất trong khu vực. Theo đó, Tokyo, Osaka, Sydney, Singapore và Seoul là 5 thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Sức hấp dẫn tới từ quy mô thị trường, khuôn khổ pháp lý minh bạch.
“Tin tuyệt vời là Việt Nam đang trỗi dậy, TP.HCM đã lọt Top 10 điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á trong báo cáo năm nay. Vậy tại sao Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài? Các lý do bao gồm: thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 7% - trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, chi tiêu từ 6-8% GDP cho cơ sở hạ tầng, trong khi mức trung bình khu vực là 4%. Điều này rất quan trọng cho tăng trưởng dài hạn của quốc gia.
Thứ ba, cải cách chính sách, thông qua các luật mới như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản…, tạo ra khuôn khổ minh bạch và thân thiện hơn với nhà đầu tư.
Thứ tư, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đang tích cực đàm phán các quan hệ đối tác kinh tế, mở rộng hệ thống hiệp định thương mại tự do, liên minh chiến lược. Với tình hình chính trị - kinh tế ổn định, Việt Nam sẽ tiếp tục leo lên thứ hạng cao hơn, thu hút nhiều vốn hơn và mang lại nhiều cơ hội cho tất cả nhà đầu tư”, ông Michael Piro cho biết.
Thực tế, dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phân tích trực tiếp vào thị trường bất động sản, chuyên gia ULI cho rằng, dòng vốn nội địa vẫn đang chi phối lĩnh vực bất động sản trong nước.
“Chúng ta đã chứng kiến các nhà phát triển bất động sản và nhà đầu tư yếu hơn phải rời khỏi thị trường, trong khi những công ty lớn tiếp tục phát triển và mở rộng ảnh hưởng. Đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam đang tăng lên, nhưng các nhà đầu tư Việt Nam vẫn là lực lượng thống trị. Đáng chú ý, các nhà đầu tư trong nước đang trở nên sáng tạo hơn trong việc huy động, triển khai và quản lý vốn”, ông Michael Piro cho biết.