Nguyễn Thị Lợi: Người 'tạc hồn' nơi sóng biển khơi
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của Trung tướng, PGS, TS. Đồng Đại Lộc, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946-12/7/2025) và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam. Bài viết tái hiện lại chiến công đặc biệt xuất sắc của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi, người nữ chiến sĩ điệp báo cảm tử đã hóa thân vào sóng nước Sầm Sơn năm 1950, để lại bài học quý giá về lòng yêu nước, đức hy sinh, truyền thống anh hùng của lực lượng Công an Thanh Hóa qua các thời kỳ.

Tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi bên bờ biển Sầm Sơn.
Từ chiến công cảm tử chấn động lịch sử năm 1950 đến những thế hệ Công an Thanh Hóa anh hùng trong thời kỳ đổi mới
Năm 2025, toàn lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đang hướng tới dấu mốc lịch sử trọng đại: kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945-19/8/2025) và 79 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946-12/7/2025). Đây không chỉ là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang mà còn là dịp tôn vinh những chiến công, những tấm gương anh hùng đã làm nên lịch sử hào hùng của lực lượng Công an nhân dân suốt gần một thế kỷ qua.
Trong niềm xúc động tự hào ấy, tôi lại bồi hồi nhớ về một chiến công đặc biệt gắn với mảnh đất Sầm Sơn (Thanh Hóa), nơi ghi dấu kỳ tích hiếm có trong lịch sử điệp báo an ninh và khắc ghi hình ảnh bất tử của một nữ anh hùng: Nguyễn Thị Lợi. Người phụ nữ nhỏ bé năm xưa đã hóa thân vào sóng nước biển khơi, để lại cho hậu thế một bản anh hùng ca về lòng yêu nước, đức hy sinh và lý tưởng cách mạng sáng ngời.
Là người từng có nhiều năm gắn bó, công tác và giữ cương vị Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, tôi vinh dự được góp phần nhỏ bé trong việc gìn giữ, tri ân, lan tỏa giá trị tinh thần cao quý ấy. Bởi hơn ai hết, mỗi lần trở về bên tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Lợi giữa sóng biển Sầm Sơn, tôi lại càng thấm thía sâu sắc bài học bất tử mà chị cùng các thế hệ cha anh đã để lại cho lực lượng Công an Thanh Hóa hôm nay và mai sau.
Người con phương Nam gửi trọn đời cho xứ Thanh
Sinh năm 1911 tại Châu Đốc (An Giang), Nguyễn Thị Lợi vốn là một phụ nữ xinh đẹp, thông minh và bản lĩnh. Sau khi lập gia đình với người chồng quê miền Bắc, chị theo chồng ra Bắc lập nghiệp. Nhưng chiến tranh khốc liệt đã cướp đi gia đình nhỏ bé của chị. Bi kịch riêng không làm chị lùi bước, mà càng tôi luyện ý chí cách mạng kiên cường. Thanh Hóa trở thành quê hương thứ hai mà chị chọn để gắn bó.
Năm 1949, chị được tuyển dụng vào làm nhân viên phục vụ tại Ty Công an Thanh Hóa. Tại đây, chị gặp đồng chí Hoàng Đạo, Tổ trưởng Tổ điệp báo A13, đơn vị bí mật, tinh nhuệ hàng đầu của lực lượng an ninh lúc bấy giờ. Nhận thấy Nguyễn Thị Lợi có phẩm chất đặc biệt phù hợp với nhiệm vụ, tổ chức quyết định kết nạp chị vào tổ điệp báo. Từ đó, chị chính thức trở thành chiến sĩ điệp báo A16, cùng các đồng chí Hoàng Đạo (A13), Nguyễn Kim Sơn (A14), Chu Duy Kính (A15), tạo thành một tổ đặc nhiệm xuất sắc trong lòng địch.
Điệp vụ cảm tử đánh chìm chiến hạm A-mi-ô-đanh-vin
Cuối những năm 1940, đầu thập niên 1950, thực dân Pháp ráo riết triển khai âm mưu tái chiếm miền Bắc, đặc biệt là vùng tự do Khu 4. Song song đó, các đảng phái phản động tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng chỉ đạo dứt điểm chuyên án phản gián bằng các biện pháp tổng hợp, trong đó có tác chiến đặc biệt.
Theo sách “Phụ nữ Công an nhân dân những chặng đường lịch sử” và “Địa chí thành phố Sầm Sơn”, Tổ A13 xây dựng kế hoạch nghi binh, lừa địch đưa thông báo hạm A-mi-ô-đanh-vin, một chiến hạm lớn chở đầy vũ khí, phương tiện, sĩ quan cao cấp vào vùng biển Sầm Sơn với danh nghĩa đón “phu nhân Quốc vụ khanh” ra Hà Nội chữa bệnh. Nhiệm vụ đóng giả “phu nhân” được giao cho Nguyễn Thị Lợi, bởi chị hội tụ đủ nhan sắc, trí tuệ và sự gan dạ phi thường.
Sáng 27/9/1950, chiến hạm neo đậu ngoài khơi Sầm Sơn. Chị Lợi bình thản lên tàu bằng thuyền nhỏ, mang theo vali chứa thuốc nổ, tiếp cận mục tiêu. Sau khi đưa vali vào vị trí đã định, theo kế hoạch chị có thể rút lui. Nhưng nhận thức rõ đây là nhiệm vụ cảm tử, chị chủ động ở lại, kích hoạt bộ nổ hẹn giờ. Nửa giờ sau, tiếng nổ dữ dội vang lên làm rung chuyển cả vùng biển. Tàu địch bị đánh chìm hoàn toàn, nhiều sĩ quan Pháp tử nạn, toàn bộ lô vũ khí tiếp viện cho chiến trường miền Bắc bị phá hủy. Chị Nguyễn Thị Lợi anh dũng hy sinh.
Chiến công ấy đã đập tan kế hoạch đánh chiếm vùng tự do Khu 4 của thực dân Pháp, đồng thời gây chấn động tinh thần quân địch, làm rối loạn nội bộ các đảng phái phản động âm mưu ly khai. Thành công đặc biệt của điệp vụ cũng chứng minh sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng An ninh nhân dân non trẻ lúc bấy giờ.
Tri ân người nữ anh hùng: Biểu tượng bất tử giữa lòng đất và người
Với chiến công xuất sắc, chị Nguyễn Thị Lợi đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Tên chị được đặt cho nhiều trường học, tuyến phố tại Sầm Sơn. Đặc biệt, bên cạnh tượng đài dựng trên bãi biển do chính quyền địa phương xây dựng, bức tượng trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa, khởi nguồn từ tấm lòng tri ân của những đồng đội hậu sinh, đã trở thành “địa chỉ đỏ” thiêng liêng trong giáo dục truyền thống.
Hàng trăm đoàn công tác, chiến sĩ mới, học viên các trường công an, an ninh đã về đây dâng hương, nghe kể chuyện về chị Lợi, người con phương Nam hóa thân vào sóng nước xứ Thanh. Câu chuyện về chị trở thành bài học sống động về lòng yêu nước, sự dấn thân quả cảm, đức hy sinh cao cả vì sự nghiệp cách mạng.
Từ thế hệ chị Lợi đến thế hệ Công an Thanh Hóa anh hùng thời kỳ đổi mới
Nếu như chiến công của chị Nguyễn Thị Lợi là biểu tượng chói ngời trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập, thì hơn nửa thế kỷ sau, thế hệ kế tục của Công an Thanh Hóa tiếp tục phát huy tinh thần ấy, lập nên những chiến công rực rỡ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Đặc biệt, giai đoạn 1997-2007 là thời kỳ bứt phá mạnh mẽ. Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, nhiều loại tội phạm có tổ chức, ma túy, kinh tế, tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia nổi lên phức tạp, lực lượng Công an Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới toàn diện các mặt công tác, nâng cao chất lượng điều tra, nghiệp vụ trinh sát, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các phong trào thi đua lớn được phát động rộng khắp, hun đúc bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần cống hiến trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Nhờ sự đoàn kết, trí tuệ tập thể, với quyết tâm vượt khó, lực lượng Công an Thanh Hóa vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ đổi mới. Đó là thành quả của sự kế thừa tinh thần bất khuất, trung thành, dũng cảm mà thế hệ chị Nguyễn Thị Lợi đã khởi nguồn và truyền lửa.
Bài học trường tồn cho muôn đời sau
Chiến công của Nguyễn Thị Lợi không chỉ là niềm tự hào lịch sử, mà còn là bài học sống động về lý tưởng cách mạng. Về lòng yêu nước, chị từ bỏ hạnh phúc riêng để hòa mình vào cuộc chiến đấu chung; về sự trung thành tuyệt đối, chấp nhận hy sinh mà không mưu cầu ngày trở về; và về trách nhiệm truyền lửa, thế hệ hôm nay thừa hưởng hòa bình nhưng có nghĩa vụ tiếp nối, gìn giữ giá trị anh hùng cho đất nước. Như bài thơ tôi từng viết:
Khắc vào sóng, tạc vào lòng người
Biển vẫn xanh, sóng vẫn ru;
Tượng chị đứng đó, ngàn thu rạng ngời.
Một người con gái tuyệt vời;
Giữ tròn lý tưởng, hiến đời cho dân.
Đêm ướt lạnh, lửa trong ngần;
Một vali nổ chấn thân quân thù.
Tên chị, giữa biển âm u;
Nay thành ánh sáng thiêng thu cho đời...
Thay lời kết: Người “ở lại” với biển khơi
Sóng Sầm Sơn vẫn vỗ bờ. Gió từ đại dương vẫn ngân vang giữa chiều hoàng hôn. Tượng đài Nguyễn Thị Lợi vẫn đứng đó, thanh cao mà kiêu hãnh. Chị người con phương Nam đã “ở lại” vĩnh hằng với đất Thanh, với sóng nước quê hương, với lịch sử dân tộc Việt Nam. Mỗi lần đứng trước tượng đài ấy, tôi lại thầm nhủ: Thế hệ hôm nay phải sống và cống hiến xứng đáng với những người đi trước đã hóa thân thành bất tử.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguyen-thi-loi-nguoi-tac-hon-noi-song-bien-khoi-254565.htm