Nguy cơ Brexit không thỏa thuận vẫn hiển hiện
Theo tạp chí Economist, nếu những người Anh đã kiệt sức với vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là vấn đề Brexit, hy vọng rằng họ sẽ đọc về một cái gì đó ngoài những cuộc đàm phán bế tắc một khi Anh đã rời khỏi EU. Tuần qua, họ đã tỏ ra thất vọng. Giai đoạn chuyển tiếp chỉ kéo dài đến cuối năm, đến khi đó cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán bắt đầu, sự khác biệt giữa hai bên dường như lớn hơn bao giờ hết.
Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán của EU khẳng định, đó chính là sự lựa chọn của Anh để có mối quan hệ xa cách hơn so với mối quan hệ EU mong muốn. Tuy nhiên, ông nói rằng EU sẵn sàng đưa ra một thỏa thuận tự do thương mại không thuế quan, không có hạn ngạch, thậm chí là hào phóng hơn so với thỏa thuận với Canada.
Vấn đề gây tranh cãi nhất là "một sân chơi bình đẳng" nhằm phòng ngừa việc Anh vượt qua đối tác thương mại lớn nhất của mình. Theo EU, điều này sẽ yêu cầu Anh tuân thủ các quy tắc của EU về trợ cấp nhà nước cho các Cty và về tiêu chuẩn môi trường, nơi làm việc và lao động. EU cũng muốn duy trì quyền đánh cá ở vùng biển của Anh. EU yêu cầu một hệ thống quản trị để giải quyết các tranh chấp vẫn duy trì vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).
Phát biểu tại ĐH Hải quân Hoàng gia cổ kính ở Greenwich, một biểu tượng cho sức mạnh biển của Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã bác bỏ những yêu cầu này bằng những ngôn từ mạnh mẽ. Ông muốn một thỏa thuận thương mại tự do như thỏa thuận với Canada. Tuy nhiên, giống như Canada không bị ràng buộc bởi các điều kiện nghiêm ngặt về "sân chơi" bình đẳng, Anh cũng không bị ràng buộc như vậy. Không cần bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc phải chấp nhận các quy tắc của EU về cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội hoặc môi trường. Thay vào đó, ông lập luận Brussels nên tin tưởng vào lời hứa của ông rằng sẽ giữ tiêu chuẩn cao nhất có thể. EU, vốn nghi ngờ rằng Anh có thể không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước rút lui để áp đặt kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh, không muốn chỉ dựa vào niềm tin.
Đối với vấn đề đánh bắt cá, ông Johnson tuyên bố EU phải chấp nhận sự kiểm soát của Anh đối với vùng biển của họ. Nước Anh hậu Brexit cũng không thể cho phép bất kỳ quyền tài phán nào của ECJ được đặt lên trên luật pháp của Anh. Ông kết luận nếu không thể đàm phán được một thỏa thuận kiểu Canada vào cuối năm, Anh cũng vui vẻ giao dịch với EU như Australia. Đó là cách nói về việc không có thỏa thuận và thay cho việc giao dịch theo các điều khoản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trên thực tế, Australia đang cố gắng để đạt được một thỏa thuận tự do thương mại với EU.
Chỉ có một khoảng thời gian hạn chế để thu hẹp những khác biệt như vậy. Đó là vì không theo lời khuyên của EU, ông Johnson từ chối xem xét việc kéo dài thời gian chuyển tiếp tới sau cuối năm 2020. Hiệp ước rút lui cho phép ông Johnson đề nghị gia hạn vào cuối tháng 6 tới. Các luật sư của EU nói rằng, nếu ông Johnson bỏ lỡ thời hạn này thì sẽ không thể xin gia hạn thêm thời gian nữa.
Tuy nhiên, một thỏa thuận thương mại tự do không chỉ có mỗi hàng hóa mà còn cả các bổ sung khác nữa như dịch vụ, các quy định về dữ liệu, mua sắm công, hàng không, vận tải, an ninh…, sẽ thường phải mất vài năm để thống nhất và mất thêm thời gian nữa để phê chuẩn. Khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 3 tới, trước tiên họ sẽ thấy sự giả bộ hơn là việc thương lượng. Các nhà ngoại giao EU không mong đợi những trao đổi thực sự diễn ra trước tháng 6 tới. Mujtaba Rahman thuộc Cty tư vấn Eurasia Group nói rằng khung thời gian còn lại chỉ vài tháng sẽ quyết định các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận nào chứ không phải là ngược lại. Điều đó có nghĩa là một thỏa thuận rất cơ bản bao gồm chủ yếu việc mua bán hàng hóa.
Vấn đề lớn là ngay cả một thỏa thuận cơ bản như vậy hiện có khả thi hay không. Nhiều bình luận tiêu cực cho thấy là không nhưng vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận đó. Rốt cuộc, cả hai bên mong muốn có một thỏa thuận hơn là không có thỏa thuận. Ông Johnson sẵn sàng nhượng bộ lớn để có được thỏa thuận. Không giống như người tiền nhiệm là bà Theresa May, ông Johnson có thế đa số lớn tại Nghị viện, điều đó có nghĩa là ông không phải lo lắng về việc các nghị sĩ ở Westminster sẽ bác bỏ thỏa thuận đó. Ngay cả trong vấn đề đánh bắt cá, đề nghị của ông về việc hàng năm thỏa thuận hạn ngạch được đánh bắt cho thấy có chỗ để thỏa hiệp.
Đối với EU, quan điểm cứng rắn của liên minh này về "sân chơi" bình đẳng vẫn chưa thể dịu lại. Một nhà ngoại giao cho rằng vấn đề là không buộc Anh phải tuân thủ các quy định của EU một cách nghiêm ngặt nhưng phải có một cơ chế thực thi đáng tin cậy nếu Anh đi chệch hướng. Ngay cả vai trò của ECJ trong cấu trúc quản trị cũng có thể né tránh. ECJ phải có độc quyền giải thích luật EU và do đó giám sát phần bên EU đối với bất kỳ thỏa thuận nào nhưng điều đó không có nghĩa là xâm phạm vào phần của Anh.
Địa chính trị cũng sẽ thúc giục một thỏa thuận. Không ai ở EU muốn Anh hướng sang phía bên kia Đại Tây Dương hay hướng tới châu Á. Mặc dù có những lời nói từ một số đồng minh của Anh nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy ông Johnson nghiêng về Mỹ hay châu Á dù ông rất lạc quan về một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Việc không đạt được ngay cả một thỏa thuận cơ bản sẽ tác động xấu đến cả hai bên. Có khả năng sau này phải tạo dựng một thỏa thuận đơn giản như vậy để giải quyết các vấn đề phức tạp hơn còn sót lại.
Nếu cái giá về chính trị của việc đạt được một thỏa thuận đối với một bên nào đó bắt đầu trở nên quá cao thì không có thỏa thuận nào có thể bắt đầu là một sự thay thế hợp lý. Đó là lý do lớn nhất tại sao Brexit không thỏa thuận có thể xảy ra trên thực tế.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguy-co-brexit-khong-thoa-thuan-van-hien-hien-179722.html