Nguồn gốc của thiên thạch khiến khủng long tuyệt chủng
Các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu thêm về vật thể hủy diệt loài khủng long.
Theo nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu Tây Nam (SwRI) (Mỹ), tiểu hành tinh được cho là gây sự kiện tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm có thể bắt nguồn từ nửa bên ngoài vành đai tiểu hành tinh chính trong Hệ Mặt trời.
Được gọi là “tác động Chicxulub”, vật thể này có chiều rộng ước tính là 6 dặm (9,6 km) và tạo ra một miệng núi lửa ở bán đảo Yucatan (Mexico) kéo dài 90 dặm (145 km). Sau khi va chạm với Trái đất, tiểu hành tinh này đã “xóa sổ” khủng long và 75% loài động vật trên hành tinh.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình máy tính. Nhờ đó, phân tích cách các tiểu hành tinh bị kéo ra khỏi quỹ đạo của chúng trong các khu vực khác nhau của vành đai tiểu hành tinh. Sau đó, chúng bị hút về phía các hành tinh.
Quan sát từ 130.000 mô hình tiểu hành tinh kết hợp dữ liệu cho thấy: Các vật thể có khả năng đến Trái đất từ vành đai ngoài tiểu hành tinh cao gấp 10 lần so với quan niệm trước đây.
Trước khi đâm vào Trái đất, tiểu hành tinh Chicxulub đã quay quanh Mặt trời cùng những tiểu hành tinh khác, trong vành đai tiểu hành tinh chính. Trước khi thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, rất ít tác nhân va chạm của Trái đất thoát ra khỏi nửa ngoài của vành đai.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại SwRI phát hiện, “lối thoát” có thể được tạo ra bởi lực nhiệt. Lực này kéo các tiểu hành tinh ở xa hơn ra khỏi quỹ đạo và theo hướng của Trái đất.
Các vật thể được tìm thấy ở những phần ngoài cùng của vành đai tiểu hành tinh bao gồm chondrite carbon. Đây là những loại đá sẫm màu, xốp và chứa carbon. Chúng cũng có thể được tìm thấy trên Trái đất.
Các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu thêm về vật thể hủy diệt loài khủng long. Họ kiểm tra các tảng đá 66 triệu năm tuổi. Bằng cách này, các nhà địa chất phát hiện, tiểu hành tinh Chicxulub có thành phần tương tự chondrite carbon ngày nay.
Nhóm nghiên cứu tại SwRI đã sử dụng Siêu máy tính Pleiades của NASA để phân tích xem các tiểu hành tinh xa Mặt trời nhất đã tiến hóa như thế nào trong hàng trăm triệu năm. Mục đích là tìm vị trí của các tiểu hành tinh lớn hơn ngày nay.
Bằng cách xem xét các khoảng thời gian của Chicxulub, các nhà khoa học có thể dự đoán, một tiểu hành tinh dài 6 dặm (9,6km) có khả năng tiếp xúc với Trái đất 250 triệu năm một lần. Mô hình cho thấy, gần 50% tác động đáng kể này có cùng thành phần chondrite carbon.
“Công việc này sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về bản chất của tác động Chicxulub. Đồng thời, cho chúng tôi biết nguồn gốc của các tác động lớn khác từ quá khứ sâu xa của Trái đất”, nhà nghiên cứu, Tiến sĩ David Nesvorny chia sẻ.