Nguồn cơn của căn bệnh '3 không' trong xã hội Nhật Bản

Hikikomori, thuật ngữ chỉ những người Nhật Bản không ra ngoài, không giao tiếp xã hội và không đi làm, được cho là một vấn đề sức khỏe tâm thần, gắn liền với các loại rối loạn.

Trong căn phòng nhỏ tối tăm, một người đàn ông ngoài 30 tuổi dành phần lớn thời gian để ngủ, ăn uống đơn giản và lặng lẽ lướt web. Anh chưa từng đi làm, không có bạn bè hay mối quan hệ xã hội nào ngoài gia đình. Câu chuyện tưởng chừng cá biệt này thực chất chỉ là một phần nhỏ trong hiện tượng xã hội ngày càng phổ biến tại Nhật Bản - hikikomori.

Thuật ngữ “hikikomori” xuất phát từ hai động từ tiếng Nhật “hiku” (kéo lại) và “komoru” (ẩn mình), được nhà tâm lý học Tamaki Saito đưa vào nghiên cứu từ cuối những năm 1990.

Từ đó đến nay, thuật ngữ này được dùng để chỉ những người tự cô lập trong nhà trên 6 tháng, không làm việc và hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình để sinh sống.

Hiện tượng hikikomori ngày càng phổ biến

Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản năm 2022, gần 1,5 triệu người từ 15 đến 64 tuổi được phân loại là hikikomori, chiếm gần 2% dân số trong độ tuổi lao động.

Con số nói trên tăng mạnh so với năm 2018, phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giãn cách xã hội, đặt hàng qua điện thoại và mua sắm không tiếp xúc khiến việc sống tách biệt trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, dù chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tâm lý, như thành lập Bộ trưởng về Cô đơn và Cách ly vào năm 2021, xu hướng hikikomori vẫn không hề suy giảm, theo tờ Generation.

 Hiromi Tanaka, 62 tuổi, chọn lối sống hikikomori với sự chu cấp của người mẹ góa lớn tuổi ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Hiromi Tanaka, 62 tuổi, chọn lối sống hikikomori với sự chu cấp của người mẹ góa lớn tuổi ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết phần lớn các nỗ lực hiện nay mới chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách mà chưa đi vào giải quyết gốc rễ kinh tế xã hội của vấn đề.

Nghiên cứu do hai nhà khoa học Shunsuke Nonaka và Motohiro Sakai thực hiện trên 2.461 người cho thấy lượng hikikomori xuất hiện trong xã hội Nhật Bản giai đoạn 2010-2015 tỷ lệ thuận với tỷ lệ thất nghiệp và mức thu nhập hộ gia đình.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hikikomori là tình trạng khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Khảo sát gần đây cho thấy các vấn đề tại nơi làm việc và rào cản gia nhập thị trường lao động là lý do phổ biến thứ hai khiến người trẻ rút lui khỏi xã hội, chỉ sau các vấn đề sức khỏe thể chất.

 Akihiro Karube, 61 tuổi, với lối sống "3 không" (không giao tiếp xã hội, không làm việc và không ra ngoài) cùng người cha 84 tuổi ở ngoại ô Tokyo. Ảnh: Reuters.

Akihiro Karube, 61 tuổi, với lối sống "3 không" (không giao tiếp xã hội, không làm việc và không ra ngoài) cùng người cha 84 tuổi ở ngoại ô Tokyo. Ảnh: Reuters.

Từ sau khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990, số lượng cơ hội việc làm cho những người tốt nghiệp trung học giảm mạnh - từ 1,7 triệu suất vào năm 1995 còn 200.000 vào năm 2003, đi kèm với sự bùng nổ của việc làm phi chính thức thông qua hợp đồng ngắn hạn, mức lương thấp và không có chế độ bảo hiểm đầy đủ.

Thị trường lao động Nhật Bản cũng ngày càng khó tiếp cận với người trẻ do sự hiện diện đông đảo của lực lượng lao động trung niên.

Các doanh nghiệp phải chi trả mức lương cao hơn cho nhóm này do hệ thống thâm niên - khiến chi phí tuyển dụng người mới tăng lên, dẫn đến ưu tiên tuyển dụng nội bộ hoặc người đã có kinh nghiệm.

Tình trạng thiếu hụt việc làm được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng đáng kể của nhóm đối tượng hikikomori trong xã hội Nhật Bản vài thập kỷ trở lại đây, theo Generation.

Áp lực học tập và tìm việc

Hệ thống giáo dục Nhật Bản có tính cạnh tranh cao, do đó áp lực thi cử bắt đầu từ rất sớm, buộc nhiều học sinh phải tham gia “juku”, tức các lớp học thêm chuyên sâu ngoài giờ. Tuy nhiên, các lớp này chủ yếu phục vụ cho gia đình khá giả tại thành thị, khiến học sinh thu nhập thấp dần bị loại khỏi cuộc đua.

Dù hệ thống giáo dục yêu cầu học sinh đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc song cơ hội nghề nghiệp lại không tương xứng. Sự thất vọng này khiến nhiều người trẻ mất động lực và dần rút lui khỏi xã hội.

 Hiroki Takimoto (44 tuổi) đã vượt qua hội chứng hikikomori và tái hòa nhập với cuộc sống xã hội thông qua các sự kiện giao tiếp bằng Metaverse để xây dựng sự tự tin. Ảnh: Telegraph.

Hiroki Takimoto (44 tuổi) đã vượt qua hội chứng hikikomori và tái hòa nhập với cuộc sống xã hội thông qua các sự kiện giao tiếp bằng Metaverse để xây dựng sự tự tin. Ảnh: Telegraph.

Điều đáng lo ngại là hikikomori không chỉ xuất hiện ở người trẻ mà còn lan rộng sang tầng lớp trung niên.

Nhiều người hiện đã sống tách biệt hơn 10 năm, phụ thuộc vào cha mẹ đã già yếu. Khi những người bảo trợ này qua đời, xã hội Nhật Bản nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế quy mô lớn.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-con-cua-can-benh-3-khong-trong-xa-hoi-nhat-ban-post1544231.html