Người Trợ lý Quân khí gương mẫu, trách nhiệm, sáng tạo trong công việc

Thiếu tá Phạm Văn Thông, Trợ lý Quân khí-Ban CHQS huyện Yên Mô được nhiều người biết đến là cán bộ gương mẫu, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc.

Thiếu tá Phạm Văn Thông hướng dẫn các dân quân tự vệ cách bảo quản, bảo dưỡng súng.

Thiếu tá Phạm Văn Thông hướng dẫn các dân quân tự vệ cách bảo quản, bảo dưỡng súng.

Năm 1997, cũng như bao thanh niên khác ở xã Khánh Hòa (Yên Khánh), anh Phạm Văn Thông nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, anh dự thi và học Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí (Tổng Cục kỹ thuật, Bộ Quốc Phòng). Ra trường, anh được điều động về công tác tại Ban CHQS huyện Yên Mô, được Đảng ủy, chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ Thủ kho Quân khí rồi Trợ lý Quân khí.

Trên cương vị Trợ lý Quân khí, anh đã tích cực cùng với tập thể Ban Hậu cần - Kỹ thuật tham mưu đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Ban CHQS huyện quán triệt thực hiện nghiêm chỉ lệnh hậu cần, kỹ thuật của Bộ CHQS tỉnh; tham mưu đảm bảo đầy đủ lượng vật chất hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất; đảm bảo tốt vũ khí trang bị (VKTB) cho diễn tập khu vực phòng thủ huyện, diễn tập chiến đấu cấp xã trong khu vực phòng thủ.

Thiếu tá Phạm Văn Thông chia sẻ: Xuất phát từ thực tế vũ khí, trang bị, đạn ở đơn vị địa phương đã qua nhiều năm sử dụng nên khả năng xuống cấp rất nhanh, trong khi đó nhà kho bảo quản đã được xây dựng cách đây hơn 20 năm không đúng theo mẫu nên rất khó cho việc sắp đặt theo quy định. Cùng với đó là sự tác động thường xuyên của môi trường khắc nghiệt như có lúc nhiệt độ lên rất cao trên 40 độ C, nếu không khắc phục được vấn đề này số lượng đạn cất chứa trong kho có thể gây cháy nổ mất an toàn bất cứ lúc nào…

Thiếu tá Phạm Văn Thông kiểm tra công tác bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật của đơn vị.

Thiếu tá Phạm Văn Thông kiểm tra công tác bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật của đơn vị.

Từ thực tiễn đó, anh đã tham mưu nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp tự nhiên để nâng cao chất lượng của VKTB như: Tổ chức thông gió cho nhà kho vào những ngày nắng nóng. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ quá cao, đơn vị sẽ bơm nước lên mái nhà làm giảm nhiệt độ bên trong nhà kho, để hạn chế tác động của nhiệt độ môi trường đến VKTB. Anh cũng đề xuất các giải pháp thường xuyên kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện, hệ thống chống sét kho tàng trước mùa mưa bão, khi thời tiết khắc nghiệt. Những giải pháp này không những bảo đảm an toàn mọi mặt mà hàng năm còn tiết kiệm được 15 triệu đồng tiền nhân công sửa chữa cho đơn vị.

Bên cạnh đó, anh đã đề xuất với chỉ huy đơn vị quy hoạch cất chứa VKTB trong nhà kho đảm bảo đúng nguyên tắc, VKTB sắp xếp với yêu cầu gọn gàng, ngăn nắp, tiết kiệm diện tích cất chứa, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra, bảo quản cũng như thuận tiện cho việc cấp phát, tiếp nhận. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn nhân viên coi kho, Ban CHQS các xã, thị trấn duy trì thực hiện nghiêm các chế độ báo cáo, cất giữ, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa những hỏng hóc thông thường vũ khí trang bị nhằm duy trì, kéo dài tuổi thọ và nâng cao giá trị khai thác, bảo đảm an toàn tuyệt đối vũ khí, thiết bị kỹ thuật đạn trong kho và ở các xã, thị trấn.

Là người đam mê nghiên cứu sáng tạo, nhằm góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, Thiếu tá Phạm Văn Thông đã nghiên cứu chế tạo thành công "Giá hiệu chỉnh súng bộ binh". Từ khi có "Giá hiệu chỉnh súng bộ binh" đã tiết kiệm được 50% số lượng đạn và thời gian hiệu chỉnh súng, nâng cao chất lượng đường ngắm cơ bản, đường ngắm đúng trong huấn luyện dân quân tự vệ năm thứ nhất. Do vậy, kết quả kiểm tra bắn đạn thật của lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn huyện những năm gần đây luôn có 95% đạt yêu cầu, có 83% khá, giỏi. Với hai sáng kiến này, tại Hội thi mô hình học cụ và sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Bộ CHQS tỉnh tổ chức, anh đã đạt giải B (năm 2023) và được lựa chọn dự thi cấp Quân khu.

Ngoài ra, năm 2020, anh đã nghiên cứu và đề xuất sáng kiến chế tạo "máy thái rau, củ, quả, hành, tỏi" nhằm giảm nhân công trong chế biến món ăn, chăn nuôi, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội.

Từ khi có "Giá hiệu chỉnh súng bộ binh" đã tiết kiệm được 50% số lượng đạn và thời gian hiệu chỉnh súng, nâng cao chất lượng đường ngắm cơ bản, đường ngắm đúng trong huấn luyện dân quân tự vệ năm thứ nhất.

Từ khi có "Giá hiệu chỉnh súng bộ binh" đã tiết kiệm được 50% số lượng đạn và thời gian hiệu chỉnh súng, nâng cao chất lượng đường ngắm cơ bản, đường ngắm đúng trong huấn luyện dân quân tự vệ năm thứ nhất.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác, Thiếu tá Phạm Văn Thông cho biết: Tôi luôn tâm niệm, đã là sĩ quan quân đội thì làm việc gì cũng phải gương mẫu, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, khi đã nhận thì luôn tìm mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian nhanh nhất, kết quả tốt nhất, an toàn nhất. Mặt khác, công tác quốc phòng, quân sự địa phương là tổng hợp của nhiều yếu tố. Do vậy, ngoài kiến thức về chuyên môn còn phải học hỏi, tìm hiểu thêm về các hoạt động của địa phương, của nhân dân để kiến thức chuyên môn của mình sát với thực tiễn. Muốn vậy, phải không ngừng tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải phát huy đức tính cần, kiệm, tỉ mỉ, cụ thể, tư duy năng động, sáng tạo…

Gương mẫu, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc, Thiếu tá Phạm Văn Thông luôn được cấp trên tin tưởng, đồng đội quý trọng. Liên tục từ năm 2019 đến nay, anh vinh dự được các cấp khen thưởng. Năm 2019, anh được UBND huyện tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng và trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập. Mới đây, anh vinh dự được báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua Quyết thắng lực lượng vũ trang huyện Yên Mô giai đoạn 2019 - 2024.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-tro-ly-quan-khi-guong-mau-trach-nhiem-sang-tao-trong/d2024052721505436.htm