Người trẻ và xu hướng 'nghề tay trái'
Sáng nay Hương - nhân viên văn phòng, bắt đầu ngày mới không phải bằng việc bật máy tính ở công ty mà là xếp những hộp sữa chua vào từng túi nilon, chuẩn bị mang xuống bán tại khu đô thị nơi cô đang sống.

Đặt ra nhiều mục tiêu tài chính, người trẻ phải chịu áp lực kiếm tiền.
Nguyễn Thị Thu Hương (29 tuổi), là nhân viên kinh doanh một công ty chuyên nhập khẩu hàng từ Trung Quốc có trụ sở ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử trong nước cùng những thay đổi về chuỗi cung ứng đã khiến vị trí công việc của cô trở nên bấp bênh. Hương buộc phải tìm một hướng đi khác để duy trì cuộc sống. Bán sữa chua và các sản phẩm từ sữa trở thành “nghề tay trái” giúp cô có thêm khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng – một phần thu nhập không thể thiếu để phụ giúp chồng chi trả tiền vay mua nhà và nuôi con nhỏ.
Không chỉ riêng Hương, xu hướng làm nhiều nghề đang trở nên phổ biến với nhiều người trẻ tại Việt Nam. Nguyễn Ngọc Trâm (32 tuổi), sống tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), hiện cùng lúc đảm nhận vai trò nhân viên kinh doanh bất động sản và bán lẻ thực phẩm. Cô cho biết công việc phụ không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tạo cho cô cảm giác chủ động, tự do trong quản lý thời gian.
Trần Phong Duy (25 tuổi), quê Thanh Hóa, quyết định rời thành phố trở về quê mở cửa hàng tạp hóa sau một thời gian dài sống trong áp lực thu nhập bấp bênh. Ở quê, Duy vừa hỗ trợ gia đình kinh do-anh, vừa làm marketing cho một công ty địa phương, đồng thời phát triển kênh nội dung trên mạng xã hội. Duy cho rằng làm nhiều nghề cùng lúc đã giúp anh cảm thấy “ổn định hơn cả khi sống ở đô thị lớn”.
Sự bất ổn của thị trường lao động, cùng với tác động từ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đã khiến nhiều người trẻ không còn đặt niềm tin tuyệt đối vào công việc toàn thời gian duy nhất. Theo xu hướng mới, họ chọn cách phân tán rủi ro bằng việc tạo ra “mạng lưới thu nhập” từ nhiều nguồn – trong đó có những công việc được gọi là “tay trái”.
Không chỉ là giải pháp tài chính, các “nghề tay trái” còn là cách để một số người trẻ theo đuổi đam mê cá nhân. Nguyễn Khánh Linh (30 tuổi, Hà Nội) đã bắt đầu làm thêm từ thời sinh viên, từng tham gia bán hàng, marketing, làm MC dẫn sự kiện và kinh doanh bất động sản. Với cô, các công việc đa dạng không triệt tiêu lẫn nhau mà ngược lại, tạo nên hệ sinh thái nghề nghiệp bổ trợ. Cô hiện duy trì cả bốn công việc vì tin rằng đó là cách tốt nhất để vừa phát triển sự nghiệp, vừa thử thách bản thân.
Theo Linh, làm nhiều nghề mang lại một loạt lợi ích thực tiễn: từ tăng thu nhập, mở rộng kỹ năng, đến tăng khả năng thích ứng trước biến động nghề nghiệp. Một người làm thêm lĩnh vực truyền thông sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp, trong khi người bán hàng online học được cách vận hành chuỗi cung ứng quy mô nhỏ. Họ học được cách tổ chức thời gian, duy trì kỷ luật cá nhân và thích nghi với các môi trường khác nhau – những năng lực ngày càng cần thiết trong thị trường lao động hiện đại.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với lối sống đa nghề. Khó khăn lớn nhất vẫn là quản lý thời gian và duy trì năng lượng. Áp lực từ nhiều nguồn công việc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần nếu không được kiểm soát hợp lý.
Xu hướng làm nhiều nghề cùng lúc đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu. Theo một khảo sát của công ty kiểm toán Deloitte với 15.000 người từ 44 quốc gia, 46% thế hệ gen Z (nhóm người sinh ra từ 1997 đến 2012, tức là hiện nay ở độ tuổi 13–28) đang đảm nhận đồng thời hai công việc chính và phụ. Chuyên gia nghề nghiệp Adrian Choo nhận định: Hiện nay, nhiều gen Z coi nghề tay trái như phần cần có trong con đường sự nghiệp.
Tại Việt Nam, xu hướng này cũng được ghi nhận. Khảo sát Công việc làm thêm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 cho thấy, cứ 5 người Việt thì có 4 người làm thêm nghề tay trái để trang trải cuộc sống. Điều này phản ánh sự gia tăng của lối sống đa nhiệm và mong muốn tự chủ tài chính trong giới trẻ.
Bên cạnh đó, gen Z thường có xu hướng tiêu tiền phóng khoáng hơn. Báo cáo Consumer Culture 2021 của 5WPR, công ty quan hệ công chúng (PR) độc lập hàng đầu có trụ sở tại New York, Mỹ chỉ ra rằng, các sản phẩm được gen Z ưa thích thường là các sản phẩm điện tử, công nghệ, y tế và sức khỏe. Và khi chi tiêu nhiều, người trẻ càng có nhiều mục tiêu tài chính mới.
Tuy nhiên các mục tiêu này tạo ra áp lực với họ. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, TP.HCM, nhận định rằng nhiều bạn trẻ đang tự đặt mình vào tình trạng căng thẳng do so sánh bản thân với người khác và sử dụng tiêu chuẩn của người khác để đánh giá thành công của mình.
Chuyên gia cũng cảnh báo về những thách thức khi theo đuổi nhiều công việc cùng lúc, bao gồm áp lực quản lý thời gian và duy trì chất lượng công việc. Do đó, việc cân nhắc kỹ lưỡng và lập kế hoạch hợp lý là cần thiết để đạt được hiệu quả tối ưu trong công việc.
Những con số và lời cảnh báo từ chuyên gia đã phần nào cho thấy bức tranh đa chiều của thế hệ trẻ khi dấn thân vào lối sống đa nhiệm. Giữa dòng chảy của mạng xã hội, áp lực thành công sớm và nhu cầu độc lập tài chính, nhiều người trẻ lựa chọn con đường làm nhiều việc cùng lúc như một lẽ tất yếu. Nhưng phía sau lịch trình dày đặc, vẫn có lúc họ chững lại.
Gấp lại laptop sau một ngày dài vừa chạy đơn hàng, vừa viết nội dung cho một thương hiệu thời trang, Khánh Linh nói: “Cũng vui khi thấy mình tự lo được mọi thứ. Nhưng đôi khi em cũng thấy oải. Chỉ là, nếu không cố, thì biết làm sao”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-tre-va-xu-huong-nghe-tay-trai-10303839.html