Người tị nạn Ukraine hồi hương: Lựa chọn hay bắt buộc?
Trước áp lực tài chính và suy giảm hỗ trợ quốc tế, nhiều người tị nạn Ukraine buộc phải hồi hương, bất chấp những rủi ro an ninh tại quê nhà. Báo cáo mới nhất của IFRC cho thấy nhiều người trở về không phải vì muốn, mà vì không còn lựa chọn nào khác.

Người tị nạn từ Ukraine tại khu vực biên giới Medyka, Ba Lan ngày 27/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Gần 3 năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một xu hướng đáng lo ngại đang diễn ra: nhiều người tị nạn Ukraine buộc phải hồi hương do áp lực tài chính ở các nước sở tại, bất chấp những rủi ro an ninh tại quê nhà. Đây là kết luận được nêu trong báo cáo mới nhất của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC).
Theo phân tích của IFRC dựa trên khảo sát 3.200 hộ gia đình tị nạn tại 6 quốc gia châu Âu và 2.200 hộ gia đình có thành viên đã trở về Ukraine, có nhiều nguyên nhân khiến người tị nạn phải đưa ra quyết định hồi hương khó khăn này.
Áp lực tài chính
Tình trạng hỗ trợ quốc tế suy giảm đang đẩy nhiều người tị nạn Ukraine vào tình thế khó khăn nghiêm trọng.
"Dữ liệu mới nhất cho thấy khó khăn về tài chính và khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang thúc đẩy nhiều người tị nạn trở về nhà, không phải do lựa chọn mà là do bắt buộc", báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, cứ ba người tị nạn thì có một người đang mắc nợ, trong đó 12% phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ vượt quá khả năng chi trả. Đặc biệt, số lượng người cao tuổi đã qua tuổi nghỉ hưu phải tìm việc làm để bù đắp chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở châu Âu là một chỉ báo đáng lo ngại về tình trạng dễ bị tổn thương của cộng đồng người tị nạn.
Bên cạnh áp lực tài chính, báo cáo chỉ ra nhiều yếu tố khác thúc đẩy người tị nạn Ukraine trở về quê hương: Hơn 50% người trở về cho biết họ trở về do vấn đề gia đình và tình cảm, 42% người hồi hương để tìm kiếm cơ hội việc làm, 13% trở về để tiếp cận dịch vụ y tế, 10% muốn tìm kiếm cơ hội giáo dục.
Madeleine Lyons, một trong những tác giả của báo cáo, nhận định: "Chúng tôi đã thấy các chính phủ áp dụng chỉ thị bảo vệ tạm thời theo cách hạn chế hơn, điều này dẫn đến mức độ dễ bị tổn thương mới". Bà cũng nhấn mạnh rằng tình trạng dễ bị tổn thương đã gia tăng trong ba năm qua, đặc biệt là đối với người tị nạn cao tuổi.
Thách thức và rủi ro khi hồi hương
Trong báo cáo, IFRC đã vẽ nên bức tranh khắc nghiệt về những người bị đẩy đến giới hạn của mình, cả bên trong và bên ngoài Ukraine.
Điều đáng lo ngại là hơn 25% người hồi hương đã chọn định cư ở các khu vực gần tiền tuyến, nơi có mức độ rủi ro cao về an ninh. Theo IFRC, 79% người trở về những khu vực này đang phải đối mặt với nhu cầu nhân đạo cấp bách chưa được đáp ứng. Thống kê cho thấy 23% người hồi hương buộc phải cắt giảm lượng thực phẩm tiêu thụ do khó khăn tài chính.
Birgitte Bischoff Ebbesen, Giám đốc khu vực châu Âu của IFRC, cảnh báo: "Nếu không có nguồn tài trợ khẩn cấp và hành động chính sách, tình hình đang đẩy người Ukraine vào một trong những lựa chọn: đói nghèo ở nước ngoài hoặc điều kiện bất ổn ở quê nhà".
IFRC đang kêu gọi các chính phủ và nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ cho người tị nạn Ukraine. Theo chuyên gia Ebbesen, dù người tị nạn chọn ở lại hay trở về, nhu cầu của họ đều đang tăng lên và cần được hỗ trợ liên tục. "Chúng ta phải làm tốt hơn", chuyên gia này khẳng định.
Tình trạng trên đặt ra thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong việc duy trì và tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn Ukraine, đồng thời cũng cho thấy tác động sâu sắc và kéo dài của cuộc xung đột đối với cuộc sống của hàng triệu người dân Ukraine.