Người tài là ai?
Dạo này thỉnh thoảng lại thấy báo chí thông tin tỉnh A, tỉnh B mới ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhân tài. Nội dung cơ bản của các chính sách này thường là người tài nếu cam kết về cống hiến lâu dài cho địa phương sẽ được tuyển thẳng vào biên chế. Ngoài mức lương và phụ cấp theo quy định của Nhà nước, đối tượng còn được hưởng thêm một khoản kinh phí tương đương. Ngoài ra, còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như phí “lót tay” lần đầu lên đến hàng trăm triệu, ưu tiên mua đất, nhà giá rẻ hoặc được cung cấp chỗ ở miễn phí...
Nghe những thông tin trên, mọi người đều cảm thấy ấm lòng vì hầu hết đều thấm nhuần câu nói của người xưa (danh sĩ Thân Nhân Trung thời Lê) rằng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Một quốc gia, dân tộc biết trân trọng, nâng niu nguyên khí của mình thì không lý do gì quốc gia ấy không vững mạnh, dân tộc ấy không hùng cường.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, cơ chế đã vậy, thực hiện ra làm sao để người tài thực sự được đãi ngộ xứng đáng, cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy được cao nhất giá trị của người tài mới là chuyện khó.
Đặc biệt là làm thế nào xác định chính xác được người tài còn gian nan hơn nhiều bởi con người giỏi về mặt này, nhưng hoàn toàn có thể kém hoặc rất kém về mặt kia. Nếu không khéo, tuyển chọn được người tài về rồi, nhưng sử dụng không đúng chỗ, đúng việc sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí nhân tài và tiền của.
Thực tế đã chứng mình, có không ít trường hợp rất giỏi về lý thuyết, nhưng khi được giao việc thực tế lại làm không tốt. Hay có người xuất sắc về chuyên môn, nhưng khi được cất nhắc làm quản lý thì lúng túng như gà mắc tóc, thậm chí làm rối loạn cả guồng máy trước đó vốn đang vận hành rất trơn chu.
Được biết, Vĩnh Phúc cũng đang xúc tiến việc xây dựng cơ chế thu hút nhân tài về làm việc cho tỉnh. Theo đó, tỉnh chủ trương đi sâu vào nội dung quan trọng nhất là xác định tiêu chí đánh giá để xếp loại và sử dụng người tài.
Cụ thể, bên cạnh những tiêu chí cứng như bằng cấp chuyên môn, độ tuổi, năng lực, thời gian và khát vọng cống hiến thì điều quan trọng nhất là đối tượng phải có đóng góp thiết thực cho tỉnh. Đóng góp đó là sản phẩm cụ thể, có giá trị vô hình hoặc hữu hình, nhưng đều có thể quy đổi thành giá trị kinh tế hay giá trị xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xã hội học, người tài thường có khả năng hơn người trong nhận thức, tư duy, trong nhiều hoạt động xã hội; đôi khi bộc lộ tự tin quá mức; thích nói đi đôi với làm; khắt khe, đòi hỏi người khác trong công việc; thường có mâu thuẫn nội tại; ghét kẻ sống bợ đỡ; phản ứng với sự gò bó, khuôn mẫu, máy móc; thích “bơi” trong công việc; tính tình luôn luôn thẳng thắn; là người cầu toàn, đòi hỏi được đánh giá đúng công sức; không phô trương, khoe mẽ; có lòng tự trọng cao; coi thường chủ nghĩa kinh nghiệm, muốn khám phá…
Nhìn chung, người tài năng đức độ luôn nhận được sự tôn vinh, kính trọng của mọi người. Tuy nhiên, người có tài cũng hay bộc lộ chính kiến, thường dám nói, dám bảo vệ điều mình nghĩ, việc mình làm, đôi khi đến mức thái quá khiến nhiều người... không thích.
Do vậy, muốn nhận biết nhân tài đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện, khách quan, không bị che khuất bởi tâm lý thành kiến, hẹp hòi, chi phối bởi chủ quan, xa rời thực tế cuộc sống. Người tài khi được phát hiện cần chú trọng bồi dưỡng đúng mức để có thể phát huy được giá trị cốt lõi bên trong.
Ngày nay, để nhận định chính xác một cách khoa học, nhân tài thường được nhìn nhận, đánh giá từ con đường học tập qua các bậc học; qua hoạt động thực tế trong đời sống xã hội, với những thành quả lao động nghiêm túc (bao gồm sản xuất vật chất và nghiên cứu, sáng tạo; những hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng).
Như vậy, việc phát hiện, tuyển chọn phải thực sự dân chủ, công minh mới có thể phát hiện, lựa chọn được người tài, tránh sự nhầm lẫn người tài. Trong đó, cần xác định những tiêu chí về tài năng, đức độ cụ thể, lượng hóa được những tiêu chuẩn để có căn cứ, cơ sở rõ ràng trong tiến cử, giới thiệu, chọn lựa…
Thực tế cho thấy, việc thực hiện nguyên tắc và quy chế công tác cán bộ là do tập thể, nhưng vẫn còn hiện tượng lợi dụng danh nghĩa tập thể để “cài cắm”, sắp xếp người thân quen phục vụ lợi ích nhóm. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp phải có những quy định, chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn, xử lý những sai phạm trong việc phát hiện, tiến cử và sử dụng người tài.
Bài, ảnh: Quang Nam
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/73797/nguoi-tai-la-ai.html