Người phụ nữ sáng lập ngành tim mạch nhi khoa

Helen Brooke Taussig (24/5/1898 - 20/5/1986) là một bác sĩ tim mạch nhi khoa người Mỹ. Bà được coi là người sáng lập ngành tim mạch nhi khoa và cũng là người đưa ra ý tưởng về một phương pháp phẫu thuật giúp cứu sống trẻ mắc Tứ chứng Fallot (1).

Helen Taussig sinh ra trong một gia đình danh giá, với người cha là giáo sư tại Đại học Harvard, còn mẹ là một trong những phụ nữ đầu tiên theo học tại Cao đẳng Radcliffe (ngày nay gọi là Viện Nghiên cứu Cao cấp Radcliffe) thuộc Đại học Harvard.

Bà mắc chứng khó đọc từ nhỏ nhưng điều này không ngăn cản quyết tâm học hành của bà. Helen mong muốn học ngành Y tại Đại học Harvard nhưng bị từ chối do thời đó, Harvard không nhận phụ nữ vào chương trình cấp bằng học thuật của mình.

Sau đó, bà theo học Trường Y thuộc Đại học Boston từ năm 1922 rồi chuyển sang Trường Y thuộc Đại học Johns Hopkins, tốt nghiệp năm 1927.

Trong thời gian hành nghề, khi Helen khoảng 30 tuổi, bà bị mất hoàn toàn thính giác. Vì vậy, bà đã phát triển một phương pháp để cảm nhận nhịp tim bệnh nhân bằng cách sử dụng tay. Dựa vào phương pháp này, bà đã nhận ra kiểu nhịp tim phổ biến của các bệnh nhân sơ sinh mắc chứng "em bé xanh" (da tái xanh do thiếu oxy).

Nữ bác sĩ chụp ảnh cùng một bệnh nhi

Nữ bác sĩ chụp ảnh cùng một bệnh nhi

Bà đã cùng một bác sĩ khác là Alfred Blalock nghiên cứu cách chữa trị. Các vị bác sĩ đã lý luận rằng, việc tạo một ống thông động mạch (shunt) (2) để tăng cường máu giàu oxy sẽ giúp giải quyết tạm thời vấn đề này.

Bác sĩ Helen Taussig cùng các em bé tại một phòng khám ở Nam Phi (năm 1970)

Bác sĩ Helen Taussig cùng các em bé tại một phòng khám ở Nam Phi (năm 1970)

Vào ngày 29/11/1944, Eileen Saxton, một trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi Tứ chứng Fallot, đã trở thành bệnh nhân đầu tiên sống sót khỏi hội chứng này sau khi phẫu thuật cấy ống nối. Cuộc phẫu thuật đã nhanh chóng xuất hiện trên trang đầu của báo chí thế giới.

Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Helen Taussig (đứng giữa) tại lễ trao Huân chương Tự do (năm 1964)

Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và Helen Taussig (đứng giữa) tại lễ trao Huân chương Tự do (năm 1964)

Kể từ đó, cách phẫu thuật tạo cầu nối chủ phổi đã kéo dài sự sống cho hàng nghìn người, trở thành một điểm đặc biệt quan trọng trong chữa trị cho trẻ mắc tim bẩm sinh. Nó cho phép bệnh nhi sống sót và tăng cân đủ trước khi tiếp nhận thêm các phẫu thuật phức tạp hơn để cứu sống bé.

Tranh vẽ bác sĩ Helen Brooke Taussig năm 1981

Tranh vẽ bác sĩ Helen Brooke Taussig năm 1981

Đây còn được coi là bước tiến quan trọng trong sự phát triển của việc phẫu thuật hở van tim ở người lớn.

Trong suốt cuộc đời của mình, bác sĩ Helen Taussig đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Tự do Hoa Kỳ (1964), Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh (1947)… Bà còn để lại một số lượng lớn các bài báo y học và một công trình nghiên cứu mang tên "Dị tật bẩm sinh của tim" (xuất bản năm 1947).

Ngôi mộ của bà Helen Brooke Taussig tại Nghĩa trang Mount Auburn ở bang Massachusetts, Mỹ

Ngôi mộ của bà Helen Brooke Taussig tại Nghĩa trang Mount Auburn ở bang Massachusetts, Mỹ

Tính đến đầu thế kỷ 21, có những bệnh nhân sau phẫu thuật cấy ống nối đã sống đến hơn 60 tuổi. Những thành tựu và kết quả nghiên cứu của bà đã để lại những tác động lâu dài tới ngành tim mạch thế giới.

----

(1): "Tứ chứng Fallot" là một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp. Đây là sự kết hợp của 4 dị tật tim (hẹp đường ra thất phải, thông liên thất, động mạch chủ đè lên vách liên thất và phì đại thất phải). Những dị tật này làm giảm lưu lượng máu đến phổi, cho phép máu nghèo oxy lưu thông khắp cơ thể và gây ra hội chứng da xanh ở trẻ sơ sinh.

(2): Ống nối này hiện có tên "ống nối Blalock-Taussig" (shunt Blalock-Taussig).

Thiên Ánh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-sang-lap-nganh-tim-mach-nhi-khoa-20240604140302684.htm