Người nuôi tôm đang 'khát' nước mặn

Không như những năm trước, năm nay nước mặn 'về' trễ, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đang lo lắng vì trễ lịch thời vụ sản xuất tôm nước lợ. Ngành nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương thực hiện các biện pháp gỡ khó, đảm bảo đạt chỉ tiêu sản lượng tôm nuôi đề ra năm 2023.

THIẾU NƯỚC MẶN

Hiện Kiên Giang bước vào thời kỳ mùa khô 2022-2023, thế nhưng, đến đầu tháng 2-2023, độ mặn tại các cửa sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh vẫn thấp. Theo đồng chí Lê Xuân Hiền - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, mùa mưa năm 2022 kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm từ 30-35 ngày. Trong 2 tháng đầu mùa khô xuất hiện mưa trái mùa nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Thêm vào đó, tổng số giờ nắng các tháng đầu mùa khô thấp hơn cùng kỳ năm trước 103 giờ. Mực nước trung bình tại các trạm thượng nguồn sông MeKong ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, các trạm nội đồng Kiên Giang luôn ở mức cao hơn cùng kỳ và trung bình nhiều năm từ 0,1-0,5m. Do đó, mặn xâm nhập trong các tháng đầu mùa khô 2022-2023 ở mức thấp. Độ mặn cao nhất khu vực sông Cái Bé, Cái Lớn trong tháng 1-2023 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 7‰. Nước mặn về trễ, độ mặn thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thả tôm của người dân.

Lịch thời vụ xuống giống vụ tôm năm 2023 đã qua hơn 1 tháng, nhưng đến nay người dân các huyện vùng U Minh Thượng, huyện Gò Quao vẫn chưa có nước mặn để nuôi tôm. Đồng chí Lê Văn Đủ - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Vùng chuyên sản xuất tôm - lúa, chuyên canh tôm sú, tôm thẻ và cua thuộc địa bàn các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong, một phần xã Phong Đông và thị trấn Vĩnh Thuận nằm giáp tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau độ mặn rất thấp, tương đương khoảng 7-10‰, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 10‰. Với độ mặn này, người dân không thể thả tôm, đặc biệt là tôm sú đòi hỏi độ mặn cao dưới 25‰. Đến nay, trên 10.000ha đất sản xuất lúa - tôm của huyện đã thu hoạch xong, nông dân tiến hành cải tạo, phơi đất, vèo tôm, nhưng không có nước bơm vào ao”.

Theo kế hoạch thả tôm nước lợ năm 2023, huyện An Biên thả nuôi 24.971ha. Tuy nhiên, như nhiều địa phương khác thuộc vùng U Minh Thượng, tiến độ thả tôm đến nay của huyện mới đạt 50% kế hoạch. Tại một số xã phía bờ đông kênh xáng Xẻo Rô như Hưng Yên, Đông Yên, một phần xã Đông Thái, nước dưới kênh có độ mặn dưới 2‰. Do không có nước mặn, nhiều người nuôi tôm sốt ruột, mua muối về pha loãng để thả giống cho kịp thời vụ, nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Nông dân ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên, kiểm tra độ mặn trong ao vèo tôm.

Ông Huỳnh Phi Lơ, ngụ xã Hưng Yên (An Biên) cho biết ông đã thu hoạch xong vụ lúa trên nền đất nuôi tôm trước tết và bắt đầu cải tạo vuông để thả nuôi vụ tôm đầu tiên của năm 2023. Sau tết đến nay, nước dưới kênh vẫn ngọt, ông Lơ kiểm tra độ mặn chỉ có 2‰. Do độ mặn quá thấp nên phải chờ lên từ 7-8‰ mới có thể bơm nước vào ao, tiến hành thả giống.

“Chờ hơn tháng nay chưa thấy nước mặn về, tôi rất lo bởi tôm trong ao vèo để lâu sẽ bị thiệt hại, khi thả ra ao dễ bị chai, không lớn. Hơn nữa, phần lớn người dân ở đây thả tôm quảng canh, chia thành nhiều đợt để tăng thu nhập; nếu không có nước mặn, thời vụ thả tôm trễ, ít đợt hơn trước, sản lượng tôm giảm, thu nhập cả vụ sẽ giảm theo”, ông Lơ nói.

KHẨN TRƯƠNG THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, độ mặn tại các điểm quan trắc thấp hơn trung bình nhiều năm 6-7‰, không đảm bảo cho sự phát triển của con tôm, đặc biệt là con tôm sú cần độ mặn cao. Nói về giải pháp trước mắt, đồng chí Nguyễn Sỹ Minh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông báo, các bản tin dự báo triều cường giữa và cuối tháng 2 để tranh thủ bơm nước vào ao. Trong điều kiện độ mặn thấp như hiện tại, người nuôi tôm cần lưu ý bơm ở tầng đáy để đảm bảo độ mặn. Trong quá trình vèo tôm nên thuần tôm từ từ để phù hợp môi trường độ mặn thấp.

Theo đồng chí Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài các giải pháp hướng dẫn, khuyến cáo về kỹ thuật từ ngành chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện vùng U Minh Thượng, huyện Gò Quao rà soát lại tất cả mô hình sản xuất đang triển khai, tính toán kỹ lại những mô hình hiệu quả để nhân rộng, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh khẩn trương phối hợp địa phương rà soát lại lịch thời vụ thả tôm, hướng dẫn các huyện chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp trên khung lịch thời vụ đã ban hành. Đối với những vùng còn có thể bám vào thực hiện theo lịch thời vụ thả nuôi tôm thì thông báo ngay cho địa phương tiếp tục thực hiện; những vùng qua rà soát thực tiễn nước mặn về trễ và thiếu thì hướng dẫn địa phương cân đối lại mùa vụ, đối tượng sản xuất.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh cử lực lượng khuyến nông cơ sở tăng cường công tác theo dõi tiến độ thả nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật để đảm bảo thả nuôi tôm đạt hiệu quả. Chi cục Thủy lợi tỉnh tiếp tục phối hợp đơn vị vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé; thông báo tới địa phương thời gian vận hành các cống để người dân kịp thời lấy nước phục vụ sản xuất.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/nguoi-nuoi-tom-dang-khat-nuoc-man-12660.html