Người nghệ sĩ của lòng dân
'Sinh ra trong tiếng cồng chiêng. Mấy chục năm trôi qua, thứ thanh âm tuyệt vời ấy đã vận vào cuộc đời mình như máu thịt - Đó là niềm hạnh phúc. Và giờ đây khi đã về già, tham gia gìn giữ và truyền đạt lại cho thế hệ sau là mong mỏi, là trách nhiệm của một người con dân tộc Chu Ru để giữ gìn nét đẹp dân tộc mình', ông Ya Ngôn nói.
Từ niềm yêu thích thuở nhỏ
Ông Jor Lơng Ya Ngôn (68 tuổi) - một trong 9 nghệ nhân của tỉnh Lâm Đồng vừa được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”. Người Chu Ru có đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Riêng về các nhạc cụ, người Chu Ru thường dùng trống, kèn và cồng chiêng cho các sự kiện và lễ hội quan trọng trong đời sống. Các lễ cúng thần núi, thần sông, thần rừng, thần nước đều không thể thiếu được âm thanh từ những loại nhạc cụ này. Bên cạnh đó, người Chu Ru sinh sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp, vì vậy trong mùa vụ bà con thường tổ chức nhiều nghi lễ như: Cắm cây nêu trong lễ mừng lúa mới, mừng lúa trổ bông, lễ sạ lúa... Những bài cồng chiêng được đánh lên trong các dịp này mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, buôn làng bình yên.
Ông Ya Ngôn cho biết: “Cồng của người Chu Ru sử dụng dùi để gõ. Một người Chu Ru có thể dùng dùi ở cả hai tay và gõ 3 cái cồng. Dàn chiêng gắn trên khung tre gồm ba cái, thứ tự từ phải sang trái là Ame (mẹ), Dre (dì trẻ) và Ànạ (con gái). Muốn đánh được một bài cồng, chiêng phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai tay. Một bài hoàn chỉnh trong lễ hội như Aria, Pơ Trumpô phải có sự kết hợp giữa tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng kèn bầu và gõ trống. Đối với người Chu Ru, những âm thanh ấy là phương tiện giao tiếp với thần linh. Bởi vậy bao đời nay, việc đánh cồng chiêng vẫn luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chu Ru”.
Trong dòng suy nghĩ của người đàn ông đã bước đi gần hết cuộc đời này, những kỷ niệm ngày thơ bé quay về rõ mồn một. Ông Ya Ngôn nhớ rằng mỗi lần có lễ hội hay việc quan trọng trong buôn làng, người già đều thổi kèn, đánh trống, đánh cồng chiêng, múa, hát giao duyên... Lũ nhỏ trong buôn kéo nhau đi theo. Ông cũng cùng đi phần vì vui, phần vì mê tiếng cồng, tiếng chiêng. Khi các nghi lễ xong xuôi, các già làng nghỉ ngơi thì ông mon men xin đánh thử. Khi người già gật đầu bảo “đánh thử đi” , Ya Ngôn mừng lắm rồi bắt đầu gõ. Người già ngồi yên lặng nghe và chỉnh sửa. Sau mỗi lần được chỉnh sửa, ông lại biết thêm một tí. Càng biết càng thích đánh, Ya Ngôn cứ cặm cụi say mê mãi nên được các già Ya Hô, Ya Bá, Ya Khô lần lượt tận tình chỉ bảo. Có nhiều hôm đánh nhiều quá, nắm tay phải (tay dùng để đánh chiêng) của đứa trẻ 10 tuổi khi ấy rớm máu, còn tay trái đỡ chiêng và lưng thì tê dại. Nhưng đánh được bài chiêng hoàn chỉnh là mọi đớn đau dường như quên hết. Sau 4 năm kiên trì, 14 tuổi Ya Ngôn đã gần như thuần thục cách sử dụng và các bài cồng chiêng của người Chu Ru. Nhưng phải đến năm 20 tuổi Ya Ngôn mới chính thức được tham gia các lễ hội. Ngoài cồng chiêng, kèn bầu, trống cũng được ông sử dụng thành thục. Các nghi thức biểu diễn trong từng lễ hội ông cũng nằm lòng. “Ròng rã 10 năm, các già làng tận tình chỉ bảo để tiếng cồng, tiếng chiêng của mình có khi trong như chim hót, khi vang như thác đổ, khi lại ầm ào như con suối trong rừng. Tay đánh chiêng đã có vết chai cứng nhưng các già đã về bên giàng nơi sau núi. Nên các thế hệ tiếp theo lại phải tiếp tục nhiệm vụ trao truyền ấy”, Ya Ngôn trầm ngâm.
Cho đến đam mê theo suốt cuộc đời
Từ năm 1999 đến nay, ông luôn là thành viên đội cồng chiêng của huyện Đơn Dương, ông được công nhận danh hiệu: Nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng và thường xuyên tham gia các lễ hội trong và ngoài tỉnh. Năm 2004-2005, khi các đơn vị liên quan tiến hành công tác xây dựng hồ sơ về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” để trình UNESCO công nhận kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2005, người ta đã tìm về tiếng chiêng, tiếng cồng ở khắp các buôn làng. Và ở Próh, tiếng cồng chiêng của Ya Ngôn vang lên cùng với việc phục dựng gần như đầy đủ tất cả các lễ hội truyền thống của người Chu Ru, đóng góp tư liệu quan trọng trong việc xây dựng hồ sơ. Bởi thế ông đã được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa - Thông tin thời điểm đó.
Từ năm 2014 đến nay, ông đã tham gia 3 khóa đào tạo cồng chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trên địa bàn xã Próh vào các năm 2005, 2014, 2018. Bất kể nắng hay mưa, sau giờ lên nương, rẫy, người ta vẫn thấy ông Ya Ngôn đều đặn ở nhà văn hóa xã để chỉ, để bày cho tiếng cồng chiêng vang lên từ tay những người Chu Ru trẻ. Qua ba khóa học đã có trên 50 người biết chơi thành thạo các bài cồng chiêng truyền thống. 5 cô con gái và 2 người con trai của ông Ya Ngôn cũng nằm trong số đó.
Suốt mấy chục năm qua, mỗi lễ hội, lễ cúng, hay lễ bỏ mả ở vùng Próh này người ta vẫn thấy bà Bơ Nhoang Ma Phương cùng những người phụ nữ khác cất điệu múa truyền thống của người Chu Ru trên nền tiếng cồng chiêng, tiếng kèn, trống mà có chồng là ông Ya Ngôn biểu diễn. Trong những lễ hội lớn, các cô con gái Ma Xim, Ma Tim, Ma Im, Ma Chuẩn, Ma Nhiệm cũng tham gia múa và hai con trai Ya Niệm, Ya Ơu cũng cùng cha đánh cồng chiêng, thổi kèn.
Ngoài là nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, ông Jor Lơng Ya Ngôn còn được Nhân dân tín nhiệm ở vị trí người uy tín, già làng. Và đây cũng là cái tên nằm trong danh sách các già làng, người uy tín của tỉnh. Trên cương vị là người uy tín, già làng, ông đã có nhiều đóng góp trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó phải kể đến việc gia đình ông đã tiên phong đi đầu và vận động bà con tham gia phong trào xây dựng hũ gạo tình thương hỗ trợ những gia đình còn khó khăn, còn đói ăn thiếu mặc. Và suốt nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn ghi nhận sự đóng góp của ông trong việc vận động bà con sống tốt đời, đẹp đạo.
Từ những đóng góp của ông, cơ quan chức năng đã xem xét, đánh giá và trình thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đối với ông Ya Ngôn. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, việc về lấy ý kiến của người dân tại địa bàn cư trú, toàn thể bà con trong thôn Próh Ngó và xã Próh đều đồng tình ủng hộ cao. Đó có lẽ là niềm hạnh phúc nhất đối với ông Ya Ngôn vì được sự ghi nhận của cả cộng đồng bởi từ lâu ông đã là nghệ sĩ trong lòng dân.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201907/nguoi-nghe-si-cua-long-dan-2957007/