Người mẹ một tay và gánh cháo nuôi con gái học ĐH Y dược TPHCM

Bà Lê Thị Nga bị khiếm khuyết một bàn tay từ lúc sinh ra, lại thiếu đi hơi ấm của một gia đình trọn vẹn từ thuở nhỏ. Thế nhưng bà không vì thế mà đầu hàng số phận, bà vượt qua nghịch cảnh, quyết tâm để con mình có thể hoàn thành đại học.

Cứ tầm 11h trưa hàng ngày, bên vệ đường Nguyễn Khoái (Quận 4), có một chiếc xe bán cháo với giá bình dân chỉ từ 15 – 30 nghìn cho một phần. Tuy nhỏ bé và đơn sơ nhưng chính hàng cháo ấy lại đang nuôi lớn giấc mơ của một sinh viên Đại học Y dược TPHCM.

Gánh cháo của người mẹ với đôi tay không lành lặn

Gánh cháo đơn sơ với giá bình dân bên vệ đường Nguyễn Khoái, Quận 4 của bà Nga. Ảnh: Khang Phúc

Gánh cháo đơn sơ với giá bình dân bên vệ đường Nguyễn Khoái, Quận 4 của bà Nga. Ảnh: Khang Phúc

Bà Lê Thị Nga (58 tuổi), ngụ Quận 4, vốn sinh ra trong gia đình không mấy khá giả. Ba mất sớm, bà Nga phải sống cùng bà ngoại. Từ khi sinh ra bà Nga đã mất đi bàn tay phải. Do gia cảnh khó khăn nên chỉ hơn mười tuổi, bà Nga đã phải mưu sinh với đủ nghề từ bán trái cây, bán vé số,… và rồi giờ đây là nghề bán cháo.

Mỗi tô cháo có giá từ 15-30 nghìn phù hợp với nhiều tầng lớp thực khách. Ảnh: Khang Phúc

Mỗi tô cháo có giá từ 15-30 nghìn phù hợp với nhiều tầng lớp thực khách. Ảnh: Khang Phúc

Hàng ngày, ông Nguyễn Công Tấn (60 tuổi) - chồng bà Nga - phải thức từ 4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu như: luộc phèo, xắt thịt,… Đến 6 giờ sáng, bà Nga thức giấc để bắt đầu nấu cháo, chuẩn bị bánh quẩy và vài thứ lặt vặt khác.

Bất kể nắng mưa, gánh cháo đơn sơ ấy vẫn đều đặn bán từ 11 giờ trưa đến tầm 7 giờ tối, sau đó hai vợ chồng mới bắt đầu việc dọn dẹp đến tận gần 22h mới hoàn thành một ngày mưu sinh.

Gánh cháo của hai vợ chồng, một tay bà Nga phụ trách từ A-Z để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Khang Phúc

Gánh cháo của hai vợ chồng, một tay bà Nga phụ trách từ A-Z để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Khang Phúc

Vì là bán ở bên đường nên quán cháo của bà Nga gặp không ít khó khăn: "Bán ở đây cực lắm, khi nắng thì nó hắt rất khó chịu, còn khi mưa thì tạt ướt hết cả người mình. Với nhiều khi cũng buồn lắm, mình lớn tuổi rồi không rành công nghệ, nhiều khách trẻ tuổi ăn xong đòi chuyển khoản mình bảo không nhận chuyển khoản thì lại lớn tiếng với mình", bà Nga bộc bạch.

Gánh cháo nuôi con gái học Đại học Y dược TPHCM

Bán mỗi tô cháo với giá bình dân, mỗi ngày gánh cháo của bà Nga chỉ mang về khoảng vài trăm ngàn để nuôi sống gia đình. Nhưng không vì thế mà người mẹ khiếm khuyết ấy để cho con mình thiệt thòi so với bạn bè trong học tập.

Chỉ có một cánh tay nhưng bà Nga vẫn luôn lạc quan trong hành trình mưu sinh. Ảnh: Khang Phúc

Chỉ có một cánh tay nhưng bà Nga vẫn luôn lạc quan trong hành trình mưu sinh. Ảnh: Khang Phúc

Ý thức được giá trị của việc học đối với tương lai của con cái nên dù khó khăn nhưng bà Nga vẫn quyết tâm cho con gái mình ăn học đến nơi đến chốn. Gia đình bà Nga có hai người con gái, người con thứ nhất đã có gia đình, con gái thứ hai là Nguyễn Phương Trang (sinh năm 2003), hiện đang học năm 4 tại trường Đại học Y dược TPHCM.

"Một năm học phí của của con bé khoảng 50 triệu. Nhiều lúc không đủ, tôi phải vay mượn để đóng học phí cho con, rồi buôn bán trả góp dần, nhưng cũng phải ráng. Đời tôi đã khổ rồi không lẽ lại để con mình khổ tiếp. Cực khổ cách mấy tôi cũng ráng cho con tôi được học hành có bằng cấp hẳn hoi, để được làm trong nơi đàng hoàng không phải cực khổ" - bà Nga chia sẻ.

Thấy mẹ mình vất vả, Phương Trang có xin đi làm thêm sau thời gian học ở trường đại học. Nhưng vì lo con gái mình đi làm thêm mà chểnh mảng việc học nên bà Nga luôn yêu cầu con phải tập trung việc học, không được ham kiếm tiền.

Khi nói về mong ước của mình, bà Nga cười hiền chia sẻ : "Tôi chỉ mong sao mình buôn bán được, con gái mình học hành giỏi giang, có bằng cấp rồi có công việc ổn định là tôi mừng rồi".

Dù khiếm khuyết bàn tay nhưng bà Nga không đầu hàng số phận. Người mẹ ấy cố gắng từng ngày bên gánh cháo để nuôi lớn dần giấc mơ "thiên thần áo trắng" cho con. Ảnh: Khang Phúc

Dù khiếm khuyết bàn tay nhưng bà Nga không đầu hàng số phận. Người mẹ ấy cố gắng từng ngày bên gánh cháo để nuôi lớn dần giấc mơ "thiên thần áo trắng" cho con. Ảnh: Khang Phúc

Tuy vất vả khó khăn, thế nhưng bà Nga lại là một người hào sảng với những người dân lao động cùng cảnh ngộ với mình. Cứ hễ gặp những người khó khăn, bán vé số, chạy xe ôm,… bà Nga sẵn sàng giảm giá tô cháo vốn đã có giá bình dân của mình.

Thậm chí có khi, gặp những người không còn tiền bà sẵn sàng bán tô cháo với giá 0 đồng cho thực khách của mình như để chia sẻ và thấu hiểu phần nào nỗi khó khăn của người dân lao động cùng cảnh ngộ.

"Kệ, mình nghèo người ta cũng nghèo mà, san sẻ được chút nào thì hay chút nấy", bà Nga nói.

Khang Phúc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-me-mot-tay-va-ganh-chao-nuoi-con-gai-hoc-dh-y-duoc-tphcm-169240524193521982.htm