Người lớn trông thế nào trong sách thiếu nhi

Ngoài đời, người lớn luôn là nhân vật mà trẻ em phải sợ và e dè, nhưng trong sách, chúng được thoải mái yêu thích, cười nhạo hoặc cảm thương bất kể người đó có bao nhiêu tuổi.

Trong khi đa số sách thiếu nhi đều coi trẻ em là trung tâm, những tác phẩm truyện tranh được rất nhiều trẻ em yêu thích của William Steig, tác giả truyện “Shrek!” lại đi theo hướng hoàn toàn khác. Ông hầu như không đưa trẻ nhỏ vào trong những trang sách của mình, nếu có cũng chỉ là những phần phụ được thêm vào.

Chia sẻ về “Caleb và Kate”, cuốn sách ảnh xuất bản năm 1977 của mình, Steig nói: “Tôi chưa bao giờ cố gắng để vượt qua bất cứ điều gì hay cố để phá cách. Tôi nghĩ suy nghĩ đó là không nên có, những mục đích kiểu như vậy sẽ phá hỏng ý nghĩa của việc viết”.

“Caleb và Kate” nói về một khía cạnh của thế giới người lớn, bao gồm cha mẹ của những độc giả chính là trẻ em. Họ có thể cãi vã và xung đột, nhưng điều đó không tệ như vẻ bề ngoài.

Trẻ em thích đọc những câu chuyện có nhân vật trưởng thành. Ảnh: New York Times.

Mâu thuẫn của người lớn có thể không khác là bao việc cãi vã của những đứa nhóc và ngay cả khi trông thật già dặn, con người vẫn có thể hành động xốc nổi như trẻ con. Thực ra, người lớn, nói cách khác, chính là những đứa trẻ trưởng thành, theo New York Times.

Ngắm nhìn thế giới người lớn

“Trẻ con luôn tò mò về thế giới của người lớn, chúng cho rằng đó là một điều bí ẩn đầy hấp dẫn và thế giới này có thể dễ dàng tiếp cận thông qua những trang sách”, Leonard Marcus, nhà nghiên cứu văn học thiếu nhi, cho biết.

Sự thành công của những tác phẩm được viết bởi William Steig cho thấy sự hiếu kỳ của trẻ nhỏ với thế giới người lớn. Vậy nhưng lại không có nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi khai thác khía cạnh này. Hầu hết nội dung sách đều lấy chuyện của trẻ làm trung tâm.

“Sách của trẻ em viết về trẻ em đã trở thành lối mòn trong sáng tác. Nó gần như là quy tắc khi nhân vật chính, dù là người hay vật cũng phải cùng độ tuổi với độc giả”, Marcus chia sẻ.

Cuộc sống của người lớn luôn có sức hút với trẻ nhỏ. Ảnh: PureWow.

Điều này xuất phát từ những nghiên cứu tâm lý học phát triển bắt đầu từ những năm 1960, theo đó, những đứa trẻ có thể coi những nhân vật trong truyện như tấm gương phản chiếu để học hỏi cái tốt và tránh làm điều xấu.

Không thể phủ nhận đây là một mục đích cao quý và đáng để phát triển, nhưng đồng thời, nó cũng cho thấy một mặt khác của vấn đề.

Đối với trẻ em, người lớn cũng được coi là nhân vật trung tâm trong cuộc sống. Từ cha mẹ, thầy cô, người lớn chính là một hình mẫu, tấm gương khác mà chúng tiếp xúc hàng ngày. Và cách dễ nhất để chúng tiếp cận với thế giới của người lớn là văn học.

Sức hút của thế giới người lớn

Người lớn thường xuất hiện trong văn học thiếu nhi với vai trò là những kỳ quặc, nhạt nhẽo và thường là đối tượng để tác giả pha trò. Họ có thể là một ông thợ sơn sống với chim cánh cụt, một ông sĩ quan nhàm chán luôn nói về việc giữ an toàn.

Cuốn sách “The Story of Mrs. Lovewright and Purrless Her Cat” do Lore Segal viết và Paul O. Zelinsky minh họa, kể về bà Lovewright cô đơn và yêu cầu có một con mèo hệt như ý muốn của mình.

Tác giả đã khéo léo lồng ghép bài học về việc không thể ép buộc bất kỳ ai phải theo ý mình. Một thông điệp sâu sắc và có phần khó hiểu với trẻ nhỏ lại trở nên dễ tiếp thu hơn bao giờ hết thông qua câu chuyện của một bà già khó tính với những mong muốn trái với tự nhiên.

Văn học thiếu nhi có thể không nói về thiếu nhi. Ảnh: The Guardian.

Thông qua cách kể hài hước, trẻ có thể ngầm hiểu được rằng người lớn cũng có thể mắc sai lầm và ngốc nghếch. Dù chênh lệch về độ tuổi với nhân vật nhưng qua những trang truyện, trẻ em hoàn toàn có thể cười đùa, cảm thông, thậm chí thương tiếc cho người lớn.

Rất nhiều tác phẩm dành cho trẻ em có nhân vật chính là người lớn được yêu thích trong nhiều thập kỷ, từ câu chuyện thần thoại đến những chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới hay cả truyện điều tra trinh thám như Sherlock Holmes.

Điều đặc biệt ở những tác phẩm này là việc trẻ có thể kết nối với những nhân vật là người trưởng thành. Chúng tạo ra một mối quan hệ vô hình với nhân vật yêu thích của mình, thậm chí trở thành một người bạn đồng hành trong quá trình lớn lên của mình.

Bình Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-lon-trong-the-nao-trong-sach-thieu-nhi-post1388472.html