Người khiến sa mạc thoái trào

Giữa những cồn cát nhấp nhô và những cột đá gồ ghề của sa mạc Ulan Buh (Trung Quốc), hàng trăm nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm Thí nghiệm lâm nghiệp sa mạc dưới sự hướng dẫn tận tình của Lu Qi, nhà khoa học của Viện Lâm nghiệp Trung Quốc. Mục tiêu của họ là chống lại tình trạng sa mạc hóa và nuôi dưỡng một ốc đảo xanh ở một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất của Trung Quốc.

Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng sa mạc hóa. Biến đổi khí hậu khiến quá trình này trở nên tồi tệ hơn. Cát lún đe dọa đất nông nghiệp và làng mạc, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 9 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, Trung Quốc có một giải pháp để khắc phục tình trạng này. Đó là trồng và duy trì các dải rừng để ngăn chặn sự mở rộng của sa mạc. Tuy nhiên, thành công phụ thuộc vào việc nghiên cứu nghiêm ngặt về tình trạng khan hiếm nước, tiến bộ công nghệ và hợp tác đa phương.

Nhà khoa học Lu Qi tại một trung tâm thí nghiệm ở huyện Dengkou, Bayannur, khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, ngày 13-10-2024. Ảnh: Tân Hoa xã

Nhà khoa học Lu Qi tại một trung tâm thí nghiệm ở huyện Dengkou, Bayannur, khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, ngày 13-10-2024. Ảnh: Tân Hoa xã

Lu Qi, 61 tuổi, là một chuyên gia có thể khống chế những thách thức trên. Ông đã chiến đấu chống lại cái mà ông gọi là “bệnh ung thư của trái đất”: Sa mạc hóa đất do thâm canh nông nghiệp, phá rừng và biến đổi khí hậu. Trong sự nghiệp kéo dài 3 thập kỷ, ông đã tham gia chỉ đạo tiến hành hơn 50 dự án khoa học, xuất bản hơn 180 bài báo khoa học, viết 20 cuốn sách và giúp Trung Quốc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về chống sa mạc hóa.

Những hoạt động học thuật ban đầu của Lu Qi tập trung vào lâm nghiệp. Ngoài 30 tuổi ông mới biết đến sa mạc và đã hoàn thành bằng tiến sĩ về sinh thái học. Lu Qi cho biết, “niềm đam mê khám phá những điều chưa biết” đã đưa ông đến với Chương trình Rừng vành đai bảo vệ ba phía Bắc (TSFP) mang tính bước ngoặt của Trung Quốc. Được mệnh danh là “Bức tường xanh vĩ đại”, sáng kiến này được đưa ra vào năm 1978 và là dự án trồng rừng lớn nhất thế giới. Nó bao phủ hơn 30 triệu héc-ta ở khắp miền Bắc đất nước. Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng diện tích lên hơn 400 triệu héc-ta (diện tích lớn hơn cả Ấn Độ và Ai Cập cộng lại) vào năm 2050.

Lu Qi đóng vai trò quan trọng trong dự án TSFP, từ việc thu thập dữ liệu thực địa trong giai đoạn đầu sự nghiệp cho đến phân tích các chiến lược sa mạc hóa trong phòng thí nghiệm. Ông là Chủ tịch sáng lập của Viện Vạn Lý Trường Thành Xanh tại Bắc Kinh, nơi cung cấp hỗ trợ khoa học và công nghệ cho các dự án sinh thái quốc gia lớn. Viện cũng tham gia vào hợp tác đa phương thông qua các hội thảo đào tạo và hội nghị, mà theo Lu Qi, giúp các quốc gia khác tiếp cận được với “trí tuệ và giải pháp của Trung Quốc”. “Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nước và bảo vệ đất. Chúng cũng liên quan chặt chẽ đến chất lượng cuộc sống, thu nhập và an ninh lương thực của người dân”, Lu Qi nói.

Theo Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ quốc gia Trung Quốc, kết quả thu được rất khả quan. Vào cuối thế kỷ 20, diện tích sa mạc ở Trung Quốc tăng thêm 3.436km2 mỗi năm. Nhưng kể từ năm 2009, diện tích sa mạc đã giảm 2.424km2 mỗi năm, với 8,8 triệu héc-ta diện tích sa mạc hóa của Trung Quốc đã biến thành đất xanh kể từ năm 2016. Điều này giúp hạn chế xói mòn đất, cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng và tạo ra vùng đệm, chống lại bão cát ở các làng mạc và thậm chí cả các thành phố lớn như Bắc Kinh. Rừng cũng hấp thụ lượng carbon gấp đôi lượng chúng thải ra, góp phần giảm biến đổi khí hậu. “TSFP không chỉ là dự án quản lý sinh thái mà còn là một kế hoạch chiến lược toàn diện, tích hợp chặt chẽ phát triển kinh tế khu vực với hạnh phúc và phúc lợi của người dân”, Lu Qi nói.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Vào một ngày mùa thu trong xanh và mát mẻ, Lu Qi khảo sát địa hình gồ ghề của sa mạc Ulan Buh, một trong những sa mạc lớn nhất của Trung Quốc. Đường dây điện trải dài qua những dải cát trong khi những mảng xanh và cây cối điểm xuyết trên một quang cảnh xám nâu. Xa xa, khá đông nông dân đang cải tạo đất và mở rộng các kênh tưới tiêu lấy nước từ sông Hoàng Hà.

Ulan Buh đã phải vật lộn với tình trạng sa mạc xâm lấn trong hàng trăm năm. Giờ đây, nó là ví dụ điển hình cho những nỗ lực quản lý sa mạc hóa của Trung Quốc. Dưới sự giám sát của Lu Qi, các nhà nghiên cứu đã xác định và thu thập được cây giống chịu hạn phù hợp với khu vực này. Ông Lu Qi cho biết, Viện đã chuyển đổi hơn 11.000ha sa mạc thành đất màu mỡ ở Ulan Buh.

Lu Qi cũng đã chia sẻ chuyên môn của mình với Chương trình Phát triển LHQ, Quỹ Môi trường toàn cầu và một số tổ chức quốc tế khác đi đầu trong hoạt động chống sa mạc hóa toàn cầu. Nhiều bài báo nghiên cứu và sách của ông cũng tập trung vào việc hoạch định chính sách và đưa ra các biện pháp tốt nhất để giảm tình trạng sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán thông qua hợp tác đa phương.

Năm 2024, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã bổ nhiệm nhà khoa học này làm cố vấn định hướng cách tiếp cận của chính phủ đối với các vấn đề quan trọng. Việc bổ nhiệm này là dấu mốc mới nhất về ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực hoạch định chính sách. Đây cũng là minh chứng cho cách tiếp cận sáng tạo của ông và Trung Quốc đối với một vấn đề kéo dài hàng thế kỷ.

Nhờ những nỗ lực giải quyết vấn đề sa mạc hóa, thông qua khoa học và sự tham gia đa phương, Lu Qi đã được vinh danh là “Nhà vô địch trái đất” năm 2024-danh hiệu môi trường cao nhất của LHQ-trong hạng mục khoa học và đổi mới. Ông là một trong 6 người đoạt giải năm 2024. Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết: “Sa mạc hóa và hạn hán đang tàn phá hành tinh và sức khỏe con người. Nhưng bằng cách kết hợp khoa học và chính sách, Lu Qi đã chứng minh rằng có thể chống lại sự suy thoái đất, giúp cộng đồng thích nghi với biến đổi khí hậu và tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho hàng triệu người”.

Về phần mình, nhà khoa học Lu Qi tin tưởng, giải thưởng “Nhà vô địch trái đất” sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nhà khoa học, đặc biệt là thế hệ trẻ, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường toàn cầu và đạt được các mục tiêu của LHQ vào năm 2030.

Được UNEP trao tặng từ năm 2005, giải thưởng “Nhà vô địch trái đất” vinh danh những người tiên phong đi đầu trong việc bảo vệ hành tinh và cư dân trên đó. Cho đến nay, giải thưởng đã được trao cho 122 người chiến thắng vì khả năng quản lý sinh thái xuất sắc của họ, trong đó những người chiến thắng năm 2024 được tôn vinh vì khả năng lãnh đạo, hành động táo bạo và các giải pháp bền vững để chống suy thoái đất, hạn hán và sa mạc hóa.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nguoi-khien-sa-mac-thoai-trao-5038109.html