Người học trò xuất sắc của trường đời vĩ đại
Cuộc đời Hồ Chí Minh đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử đau thương và hào hùng của người Việt Nam. Với lượng tri thức khổng lồ mà Người đã tích lũy được, một phần từ nhà trường, một phần từ sự trải nghiệm khắp 5 châu qua nhiều năm hoạt động với nhiều cương vị khác nhau và với lòng yêu nước nồng nàn, vượt lên những hạn chế thông thường của một con người, Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phạm vi bài viết này, xin được bàn về chuyện học hành của Người. Đây cũng là cách mà chúng ta suy ngẫm để có thể tiếp thu phần nào trên con đường làm giàu tri thức của mình từ cuộc đời của một vĩ nhân.
Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không có nhiều thời gian được học tập tại các trường học. Điều này cũng dễ hiểu, một phần là do mặt bằng dân trí “còi cọc” và thấp kém thời thực dân - phong kiến. Dưới sự cai trị của người Pháp, nền học vấn của An Nam đang dịch chuyển từ một nền Nho học dùng chữ Hán sang một nền Tây học sử dụng tiếng Pháp. Chữ Nôm vẫn được dùng rải rác một cách yếu ớt và chữ Quốc ngữ chưa đủ mạnh để thay thế.
Ngay từ khi Hồ Chí Minh còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung, thân sinh của Người - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sớm nhận thấy tài năng và chí hướng của con trai mình nên luôn tạo điều kiện để Nguyễn Sinh Cung được học tập một cách đầy đủ.
Trước khi xuất ngoại, Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) đã từng theo học tại 4 trường: Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở Vinh (tỉnh Nghệ An), Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, Trường Quốc học Huế và Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.
Sau khi xuất ngoại, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp rồi tham gia Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Tất Thành (sau này đổi tên là Nguyễn Ái Quốc) đã ba lần được học trong các ngôi trường của Quốc tế Cộng sản, đó là Trường Đại học Phương Đông, Trường Quốc tế Lênin và Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Trường tiểu học Pháp - bản xứ tại khu vực Cửa Nam, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) là nơi Nguyễn Tất Thành và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đã học từ tháng 9-1905 đến tháng 5-1906, cũng là nơi mà Nguyễn Tất Thành đã nói là tại đây, lần đầu tiên Người trông thấy khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” treo trên tường.
Tháng 9-1905, thực hiện Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, loại trường Pháp - bản xứ (École franco - indigène) được mở tại Vinh, tỉnh lỵ của Nghệ An, với lớp đầu tiên của bậc tiểu học, thường gọi là lớp dự bị (Cours préparatoire). Chương trình học nặng về tiếng Pháp, chỉ có một số ít giờ học chữ Hán.
Dòng chữ “Liberté, Égalité, Fraternité” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại cách mạng Pháp năm 1789. Đối với Nguyễn Tất Thành, đó là những điều hoàn toàn mới lạ, vì vậy, rất tự nhiên, anh nảy ra ý muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 4-1906, chưa hết năm học Nguyễn Tất Thành đã dừng học ở trường này để cùng cha lên đường vào Huế khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào nhận chức quan ở triều đình Huế.
Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên (Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba) được thành lập năm 1905, trên nền Đình chợ Đông Ba cũ, lúc đầu trường có tên “Thừa Thiên Pháp - Việt trường”. Đây là trường Pháp - Việt bậc tiểu học đầu tiên ở Huế. Trường dạy cả ba thứ chữ: Chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.
Tháng 5-1906, cụ Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô nhậm chức. Nguyễn Tất Thành cùng với anh trai được cha cho đi học Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, học lớp dự bị (cours préparatoire, tháng 9-1906), lớp sơ đẳng (cours élémentaire, tháng 9-1907). Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn thường xuyên mượn sách ở Lầu tàng thư, nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn về đọc để mở mang kiến thức, nâng cao hiểu biết.
Tháng 3-1907, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được mở tại Hà Nội, truyền bá nhiều tư tưởng mới, tiến bộ, cổ động cho phong trào cải cách dân chủ theo kiểu các nước phương Tây. Tháng 4-1908, kinh đô Huế xáo động vì sự kiện: Do bị mất mùa liên tiếp 3 năm, nông dân 6 huyện của tỉnh Thừa Thiên kéo nhau về kinh thành, bà con vây quanh tòa Khâm sứ ở cầu Tràng Tiền để đòi giảm sưu, giảm thuế... Đây là những sự kiện tác động rất lớn đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Trường Quốc học Huế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học tập trong những năm 1907 - 1908. Lúc này Nguyễn Tất Thành ở vào tuổi 17 - 18.
Trường Quốc học Huế được thành lập theo nghị định ngày 18-11-1896 do Toàn quyền Đông Dương A.Rousseau ký. Trường Quốc học được lập ra nhằm đào tạo một lớp công chức mới, ngay tại Điều 1 của nghị định này đã quy định rõ: “Nay thiết lập tại Huế, do Chính phủ Nam triều chủ trương, một học đường lấy tên là Quốc học”. Trường này đặt dưới quyền kiểm khán của Khâm sứ Trung kỳ. Pháp văn chiếm phần lớn trong chương trình giảng dạy, tuy Hán văn vẫn được dạy coi như tiếng bản xứ.
Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6-1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc có mặt ở Bình Định để chấm thi, sau đó được bổ nhiệm chức đồng Tri phủ lãnh chức Tri huyện Bình Khê. Cùng năm đó, Nguyễn Tất Thành cũng rời Trường Quốc học, theo cha vào Bình Định.
Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn được thành lập theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương về việc thiết lập tại tỉnh lỵ các tỉnh trên toàn cõi Việt Nam loại trường Pháp - bản xứ từ năm 1905.
Năm 1909, Nguyễn Tất Thành đến Bình Khê. Cụ Nguyễn Sinh Sắc hiểu được chí hướng và khả năng của người con trai thứ nên đã gửi Nguyễn Tất Thành học tiếp chương trình cao đẳng (cours supérieur) với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, lúc đó đang là trợ giáo hạng nhì - instituteur auxiliaire 2e classe) của Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.
Không lâu sau đó, tháng 1-1910, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị “triệt hồi” chức Tri huyện Bình Khê, bị triều đình gọi về kinh đô để xem xét. Cụ Nguyễn Sinh Sắc phải trở về Huế và mang theo hai người con trai.
Với sự giúp đỡ của thầy giáo Phạm Ngọc Thọ, Nguyễn Tất Thành hoàn thành chương trình tiểu học vào khoảng tháng 6-1910. Lúc này, Nguyễn Tất Thành đã bước sang tuổi 20, đã là người trưởng thành và có thể quyết định tương lai của mình.
Biết chuyện chẳng lành sẽ đến với cha, Nguyễn Tất Thành quyết định không theo cha về Huế mà đi tiếp về phía Nam, vừa dạy học mưu sinh vừa tìm đường xuất ngoại.
Tháng 9-1910, Nguyễn Tất Thành cùng cụ Nghè Mô theo đường biển từ Duồng vào Phan Thiết. Sau khi gặp ông Nguyễn Quý Anh (con trai danh sĩ Nguyễn Thông), ông này đã giới thiệu Nguyễn Tất Thành vào dạy học tại trường Dục Thanh. Nguyễn Tất Thành đã lưu lại đây làm giáo viên trong 9 tháng, vừa tham gia giảng dạy vừa tự học.
Như vậy, có thể nói, con đường học tập chính quy của Hồ Chí Minh chỉ dừng lại ở bậc tiểu học. Những tri thức mà Người có được chủ yếu là học ở trường đời và một phần học ở các lớp do Quốc tế Cộng sản tổ chức. Những lớp học này hầu hết đều ngắn hạn nhưng điều quan trọng là từ những kiến thức được trang bị ở nhà trường, Hồ Chí Minh đã biết phát triển rộng ra khắp mọi lĩnh vực của đời sống để rồi trở thành lãnh tụ vĩ đại của một dân tộc.
Sự học là rất phong phú và đa dạng. Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, có thể thấy thời gian của Người ở trường lớp là không nhiều so với trường đời. Nếu chỉ dựa vào việc học ở trường lớp thì thật khó có thể tích lũy được lượng tri thức khổng lồ như vậy. Thay vào đó, Hồ Chí Minh miệt mài học, miệt mài nắm bắt tri thức, kỹ năng từ trường đời rộng lớn bao la. Người thực sự là học trò xuất sắc của trường đời vĩ đại.