Người dân xã Krông Na sản xuất lúa 2 vụ nhờ Trạm bơm Buôn Trí

Người dân xã biên giới Krông Na huyện Buôn Ðôn (Ðắk Lắk) vừa được Nhà nước quan tâm đầu tư công trình trạm bơm gần 15 tỷ đồng, nhằm đảm bảo nguồn nước cho bà con sản xuất nông nghiệp được thuận lợi hơn. Công trình đi vào hoạt động, bước đầu đã mang lại hiệu quả, giúp người sản xuất thu hoạch vụ mùa bội thu.

Dự án hợp lòng dân

Bà Bun Sốm Lào - Chủ tịch UBND xã Krông Na huyện Buôn Đôn cho biết, Buôn Trí xã Krông Na có 350 hộ, 1223 khẩu, trong đó có 182 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo. Đời sống bà con trong buôn chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cánh đồng bà con trong buôn sản xuất có 80 ha thì lại nằm bên kia sông Sê rê pôk (khu vực thuộc Vườn Quốc Gia Yok Đôn quản lý). Hàng năm bà con chỉ sản xuất được 1 vụ vào mùa mưa, mùa khô thì đồng ruộng bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

 Công trình trạm bơm Buôn Trí xã Krông Na huyện Buôn Đôn.

Công trình trạm bơm Buôn Trí xã Krông Na huyện Buôn Đôn.

Thấu hiểu khó khăn vất vả của bà con Huyện ủy và UBND huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp với các phòng ban liên quan của huyện xem xét tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của người dân; tham mưu cho UBND huyện xin chủ trương đầu tư xây dựng trạm bơm Buôn Trí giúp người dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn. Trên cơ sở đó, ngày 25/4/2022, UBND huyện Buôn Trí đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình Trạm bơm Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo, chủ động nước tưới cho người dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi; đồng thời bổ trợ cho việc khai thác nước ngầm của xã phục vụ nước sinh hoạt cho người dân thuộc khu dự án và phụ cận; góp phần ổn định đời sống nhân dân, tác động tích cực trong công tác định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước vào công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

 Cán bộ Ban QLDA huyện Buôn Đôn kiểm tra hệ thống kênh chính dẫn nước ra cánh đồng.

Cán bộ Ban QLDA huyện Buôn Đôn kiểm tra hệ thống kênh chính dẫn nước ra cánh đồng.

Trạm bơm Buôn Trí gồm các hạng mục như: Trạm bơm, nhà trạm bơm, đường dây điện và tuyến kênh chính dài 656,22m. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng là 14,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình do Công ty TNHH Phú Xuyên xây dựng.

Ông Cao Ngọc Duy - Giám đốc ban quản lý dự án huyện Buôn Đôn cho biết: Trước khi có chủ trương xây dựng, hiện trạng công trình đã xuống cấp, 2 đập dâng xây dựng trên suối Đắk Klau trong khu vực vườn Quốc gia Yok Đôn đã hư hỏng nhiều vị trí. Tuyến kênh chính dài khoảng 9 km đã được bê tông hóa, tuyến kênh đi qua nhiều eo, suối và chất lượng đất đắp bờ kênh kém nên đã bị hư hỏng hoàn toàn và không còn khả năng dẫn nước tưới. Hệ thống kênh nhánh dài khoảng 6 km hiện còn tốt. Vị trí đập dâng Buôn Trí và tuyến kênh chính thuộc vùng lõi của vườn Quốc gia Yok Đôn, nằm bên kia bờ sông Sê rê pôk nên việc đưa người và máy móc, vật liệu xây dựng vào sửa chữa là rất khó khăn.

 Hệ thống ống đẩy lên bể xả.

Hệ thống ống đẩy lên bể xả.

Để công trình sớm được hoàn thiện, đơn vị thi công đã không ngừng động viên công nhân cùng đoàn kết, nỗ lực vượt khó xây dựng công trình. Sau gần 1 năm tất bật xây dựng, Trạm bơm buôn Trí đã hoàn thiện và đi vào hoạt động vào ngày 20/3/2023, trong niềm phấn khởi, hân hoan của bà con cùng cấp ủy, chính quyền địa phương.

Dân sản xuất lúa 2 vụ nhờ có trạm bơm

Ông Y Nhang Knul, buôn Trí xã Krông Na cho biết, gia đình ông có 1,8 ha trên cánh đồng Buôn Trí, những năm trước gia đình ông chỉ sản xuất được 1 vụ nhờ vào nguồn nước mưa của trời, vụ đông xuân trước kia bỏ hoang nay đã canh tác được nhờ nguồn nước tưới của trạm bơm Buôn Trí. Đáng kể như vụ đông xuân (2023-2024) vừa rồi gia đình đã canh tác được 9 sào, năng suất đạt 8 tạ/ 1 sào nên gia đình cũng phấn khởi lắm.

 Hệ thống ống đẩy lên bể xả.

Hệ thống ống đẩy lên bể xả.

Bà Bun Sốm Lào - Chủ tịch UBND xã Krông Na chia sẻ thêm, trạm bơm đi vào hoạt động, bước đầu đã mang lại hiệu quả cho bà con, tuy nhiên hiện nay bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất đó là đồng ruộng nằm bên kia bờ sông, nên mỗi khi đi lại sản xuất cũng rất gian nan; nhất là vào mùa thu hoạch, bà con cắt lúa xong thì phải vận chuyển lúa ra bờ sông, sau đó lại bốc vác lên thuyền, mỗi chuyến thuyền qua sông cũng chỉ chở được 5-6 bao; đưa được lúa qua sông rồi lại tiếp tục vận chuyển lên bờ sau đó lại tiếp tục bốc lúa chất lên xe mới đưa được về nhà. Bà con làm ra hạt lúa cũng rất khó khăn, nếu trừ tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và xăng dầu vận chuyển lúa qua sông…thì người dân cũng chẳng còn bao nhiêu.

Hiện bà con trong buôn đang mơ ước có một con đường giao thông nội đồng và cây cầu bắc qua sông để mỗi lần thu hoạch lúa xong chỉ cần bốc lên xe chạy một mạch là về đến tận nhà. Nếu niềm mong ước ấy được thành hiện thực thì người dân đỡ vất vả hơn. Đây cũng là điều kiện để bà con thoát nghèo, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

THANH NGA

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-dan-xa-krong-na-san-xuat-lua-2-vu-nho-tram-bom-buon-tri-10285789.html