Người dân thắt chặt chi tiêu vì nỗi lo 'lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng'

Trước đợt tăng lương cơ sở 1/7, bên cạnh tâm lý phấn khởi thì người dân càng quan ngại giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng 'tát nước theo mưa'.

Từ ngày 1/7, hàng trăm nghìn cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương cơ sở theo Nghị định mới của Chính phủ. Thông tin về việc tăng lương cơ sở đối với lực lượng công chức, viên chức khu vực công đã vừa mang đến niềm vui nhưng cũng đi liền với nỗi lo của không ít người lao động.

Nỗi lo về giá cả “chạy” trước lương khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài thì vụt tắt bởi không ít người dân bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”. Đây là tâm lý chung của rất nhiều người dân, bởi lẽ, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, mặt bằng giá cả thị trường lại tăng theo.

Thậm chí, số tiền lương mà người lao động được tăng không đủ để bù đắp vào chi phí tăng giá của mặt hàng tiêu dùng.

Vừa nghe tin mình nằm số trong 9 nhóm được tăng lương, anh Phạm Văn Duẩn (Hoài Đức, Hà Nội) cũng không cảm thấy quá phấn khởi bởi trước mắt anh là nỗi lo về “giá cả” chạy trước tiền lương.

“Mới ngày hôm qua, vợ tôi đi chợ về đã than thở giá thịt trứng lại tăng. Giá thịt trứng tăng thì giá rau, hoa quả cũng rục rịch tăng theo. Hai vợ chồng tôi đều viên chức nhà nước nhưng thu nhập ở thành phố chỉ gọi là đủ ăn đủ tiêu đã thấy chật vật tiết kiệm đủ kiểu. Giờ lương lại phải ‘chạy’ theo để đuổi kịp giá hàng hóa” - anh Duẩn chia sẻ.

Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, vợ chồng anh đã cắt giảm việc ăn uống hội nhóm bên ngoài vào cuối tuần hoặc sau giờ tan sở. Các phương án khác đã được vợ chồng anh tính đến như mang cơm trưa đi làm, hạn chế dùng điều hòa, hạn chế đi ăn bên ngoài,...nhằm giảm gánh nặng chi tiêu.

Đồng cảnh ngộ, chị Quế Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) đau đầu tìm cách quản lý chi tiêu vì lo ngại lương không “đua” nổi vật giá.

Công chức, viên chức cũng phải tìm cách tiết kiệm chi tiêu.

Làm giáo viên được gần 5 năm nhưng chị Quế Chi chẳng dành dụm được bao nhiêu bởi lẽ, lương giáo viên không cao, chỉ đủ cho chi tiêu hàng ngày.

“Dù lương tăng nhưng giá điện, giá nước đã tăng trước rồi. Ngay cả gói mì tôm cũng tăng thêm 500 đồng/gói, quả trứng cũng tăng 1.000 đồng/quả, chưa kể là những thực phẩm thiết yếu khác” - chị Chi chia sẻ.

Ngoài tìm cách tiết kiệm chi tiêu để mức phí sinh hoạt không tăng trong thời gian tới, chị Chi còn bắt đầu nhận thêm công việc viết content bên ngoài để gia tăng thu nhập.

Theo chị, thay vì chắt chiu từng bữa ăn thì chị chọn cách tạo thêm thu nhập. Dù phải vất vả hơn, thời gian lao động cũng tăng thêm 10-12 tiếng/ngày nhưng đây là phương án giúp chị vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong việc tăng lương, tăng giá không phải là bộ phận công chức, viên chức mà chính là những người không nằm trong diện 9 nhóm được tăng lương cơ sở.

Công nhân đối mặt với tình trạng hóa đơn tăng, thu nhập giảm.

Công ty thiếu đơn hàng mấy tháng nay, chị Đặng Thị Ánh (Hưng Yên) chỉ đi làm được khoảng 15-18 công/tháng khiến kinh tế gia đình chị bị sa sút. Việc lo ngại giá cả tăng theo giá lương càng khiến cuộc sống của chị thêm phần túng thiếu.

“Mỗi ngày tôi phải cân nhắc chi tiêu, kiếm được 10 đồng chỉ dám ăn 5 đồng. Công ty cắt giảm nhân sự, may mắn tôi không nằm trong danh sách công nhân bị sa thải nhưng thu nhập của tôi tụt giảm mạnh vì công ty không có đơn hàng. Hóa đơn tăng trong khi tiền lương giảm, công nhân chúng tôi cũng không biết kêu ai” - chị Đặng Thị Ánh bày tỏ.

Theo Tổng cục Thống kê, tình trạng doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương bị cắt giảm đơn hàng tiếp tục kéo dài từ quý IV/2022 đến nay. Điều này dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc.

Số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217.800 người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may (16,8%), da giày (14,1%), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (14,8%), chế biến gỗ (6,1%); phần lớn ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương, TP HCM, Bắc Ninh.

Số lao động ở các ngành dệt may, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học cũng giảm mạnh so với quý trước, lần lượt là 142.500; 16.900; 30.200 người do đơn hàng giảm.

Bài và ảnh: Thu Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-dan-that-chat-chi-tieu-vi-noi-lo-luong-tang-1-dong-gia-tang-2-dong-post254263.html