Người đàn ông suy đa tạng do sốt mò sau khi lên núi đá lấy mật ong

Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, người đàn ông 36 tuổi bị suy đa tạng do sốt mò.

TS.BS Hoàng Công Tình - Khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thông tin, bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhân bị suy đa tạng do sốt mò (Rickettsia), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy.

Cụ thể, bệnh nhân là nam giới (36 tuổi, trú tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình), làm nghề nông nghiệp và nuôi ong mật trên núi đá. Do vậy nên thi thoảng bệnh nhân lại lên núi đá lấy mật ong.

Cách vào viện một tuần, người bệnh xuất hiện sốt, đau mỏi người, tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ. Người bệnh sốt cao liên tục, khó thở, mệt mỏi nhiều, được người nhà đưa đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC).

Các bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC).

Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng, nhiễm độc. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện 1 vết thương rất đặc trưng do mò đốt ở vùng mông bên trái của bệnh nhân. Vết thương khô, đóng vảy và không đau.

Sau khi thăm khám, nhận thấy bệnh nhân có tình trạng tổn thương gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn đông máu và hình ảnh viêm phổi. Bệnh nhân được chẩn đoán suy đa tạng do sốt mò.

Ngay lập tức bệnh nhân nhanh chóng được điều trị bằng thở máy, sử dụng kháng sinh đặc hiệu và các biện pháp hỗ trợ tạng suy.

Sau hơn 1 tuần điều trị và chăm sóc tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện.

Theo các bác sĩ, sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, tỉ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu. Bệnh có biểu hiện đa dạng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Vi khuẩn gây bệnh có tên Orientalis, thuộc họ Rickettsia. Ấu trùng mò mang vi khuẩn Orientalis sẽ truyền bệnh sang người qua vết đốt. Ấu trùng mò chính là trung gian truyền bệnh. Dấu hiệu đặc trưng khi sốt mò là sốt, đau đầu, đau mỏi khắp người, vết loét ngoài da do mò đốt, phát ban, sưng các hạch, thậm chí tổn thương đa cơ quan, đặc biệt là phổi, tim, gan...

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh sốt mò nhưng hay gặp ở lứa tuổi lao động. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm nhưng hay gặp chủ yếu về mùa mưa và nắng nóng.

Qua trường hợp này, TS. Tình cũng khuyến cáo, để phòng ngừa mò đốt, khi đi vào nương rẫy, đồi núi, mọi người cần mặc quần áo kín, quần áo có tẩm hóa chất chống côn trùng, bôi hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở. Tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây.

Chiều 28/7: Bàng Hoàng Chị Chồng Nhẫn Tâm Hắt Nước Sôi Vào Em Dâu Đang Mang Bầu Và Cháu Gái | SKĐS

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-suy-da-tang-sau-khi-len-nui-da-lay-mat-ong-169230729190338623.htm