Người bệnh đái tháo đường có cần kiêng cơm trắng không?

Rất nhiều người bệnh đái tháo đường vẫn còn có quan điểm phải kiêng ăn kỹ, đặc biệt là các món ăn khiến đường huyết tăng cao như cơm trắng, bánh ngọt, kẹo... Tuy nhiên, việc kiêng kỹ quá mức cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.

1. Não bộ hoạt động kém nếu loại bỏ cơm trắng khỏi chế độ ăn

Nội dung

1. Não bộ hoạt động kém nếu loại bỏ cơm trắng khỏi chế độ ăn

2. Người bệnh đái tháo đường nên ăn cơm trắng thế nào?

3. Cách ăn cơm trắng tốt cho người bệnh đái tháo đường

Não sử dụng nhiều năng lượng hơn bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể con người. Đường glucose là nguồn nhiên liệu chính để não hoạt động. Nếu không có đủ glucose trong não, các chất dẫn truyền thần kinh, chất truyền tin hóa học của não, sẽ không được sản xuất và sự giao tiếp giữa các tế bào thần kinh bị phá vỡ.

Ngoài ra, hạ đường huyết - một biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường do nồng độ glucose trong máu thấp, có thể dẫn đến mất năng lượng cho chức năng não và có liên quan đến khả năng chú ý và chức năng nhận thức kém.

Thực tế, cơm trắng là một trong những chất bột đường cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể. Khi chế độ ăn thiếu cơm trắng sẽ dẫn đến thiếu chất đường. Tuy nhiên, ăn nhiều đường hoặc chất bột đường đều không tốt cho cả người bình thường và người bệnh đái tháo đường.

Cơm trắng là một nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.

Cơm trắng là một nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.

2. Người bệnh đái tháo đường nên ăn cơm trắng thế nào?

Để làm rõ vấn đề người bệnh đái tháo đường cần ăn bao nhiêu cơm trắng, cần biết chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm này. Chỉ số đường huyết là thang đo giúp đánh giá tốc độ tăng mức đường huyết trong máu của một người sau ăn 2 giờ:

Tăng chậm khi chỉ số GI bằng hoặc cao hơn 55.
Tăng trung bình khi chỉ số GI trong khoảng từ 56 – 69.
Tăng nhanh khi chỉ số GI từ 70 trở lên.

Đối với cơm trắng, tùy vào cách vo gạo và cách nấu mà chỉ số đường huyết của cơm trắng có thể từ 70 – 79,6, thuộc nhóm thực phẩm gây tăng đường huyết nhanh.

Không chỉ có chỉ số đường huyết cao mà tải lượng đường huyết (GL) ở cơm trắng cũng ở mức cao. Chỉ số GL là thước đo giúp đánh giá mức độ gây tăng đường huyết sau ăn thực phẩm:

Mức độ thấp khi chỉ số GL bằng hoặc nhỏ hơn 10.
Mức độ trung bình khi chỉ số GL -từ 11 - 19.
Mức độ cao khi chỉ số GL từ 20 trở lên.

Cơm trắng có chỉ số GL từ 19.3 trở lên.

Dựa vào các chỉ số trên, người bệnh đái tháo đường có thể tính toán khối lượng tiêu thụ cơm trắng trong ngưỡng an toàn với sức khỏe.

Ví dụ, có thể ăn khoảng 100 g đối với trường hợp cơm trắng là nguồn carbohydrate duy nhất trong khẩu phần ăn. Nếu trong bữa ăn có thêm các nguồn carbohydrate từ những thực phẩm khác thì cần giảm lượng tiêu thụ từ cơm trắng để tránh lượng đường huyết tăng vọt.

Mức tiêu thụ này còn phụ thuộc vào cân nặng, mức độ hoạt động của cơ thể của từng cá thể. Do vậy người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường để biết chính xác khối lượng cơm trắng nên dùng trong khẩu phần ăn mỗi bữa.

3. Cách ăn cơm trắng tốt cho người bệnh đái tháo đường

Ưu tiên chọn gạo giàu chất xơ và tinh bột phức hợp để nấu cơm.

Ăn cơm trắng cùng thực phẩm giàu chất béo tốt và protein như thịt gia cầm bỏ da; các loại hạt, các loại cá béo, dầu ô-liu… Các chất dinh dưỡng này cũng góp phần giúp kiểm soát mức đường huyết trong ngưỡng an toàn thông qua cơ chế làm giảm khả năng hấp thu glucose từ cơm trắng vào máu.

Bổ sung chất xơ để hỗ trợ làm chậm tốc độ tăng đường huyết sau ăn. Chất xơ hạn chế quá trình chuyển hóa carbohydrate thành glucose diễn ra ở ruột.

Hạn chế dùng gia vị trong quá trình chế biến thức ăn.

Hạn chế ăn cơm rang để hạn chế dung nạp nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm khởi phát biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Tránh ăn cơm trắng đã để qua ngày, chuyển màu sắc lạ.

TS.Nguyễn Vinh Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-dai-thao-duong-co-can-kieng-com-trang-khong-169250721115112944.htm