Ngược dòng Ngô Đồng về nơi khởi thủy nghề nông

Địa danh Tam Cốc (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến từ lâu qua thư tịch cổ, thơ ca, phim ảnh...., nổi tiếng là nơi có cảnh quan núi sông hùng vĩ ôm ấp lấy những cánh đồng lúa đẹp như tranh, cùng những người dân địa phương thân thiện mến khách.

Sông Ngô Đồng-Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, xã Ninh Hải (Hoa Lư). Ảnh: Minh Đường

Sông Ngô Đồng-Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, xã Ninh Hải (Hoa Lư). Ảnh: Minh Đường

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, danh thắng Tam Cốc nằm trong không gian hệ thống núi đá vôi Hoa Lư, nơi có dòng Suối Tiên khởi nguồn của sông Ngô Đồng chảy êm đềm qua những cánh đồng lúa, thuộc phạm vi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, với diện tích khoảng 300 ha.

Bên cạnh vẻ đẹp thẩm mỹ, giá trị địa chất địa mạo, Tam Cốc còn ẩn chứa nhiều dấu tích lịch sử nhân loại cách đây hàng vạn năm, tạo tiền đề hình thành Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X, thống nhất quốc gia dân tộc, phục hưng văn hóa Việt. Đặc biệt, vào thế kỷ XIII, nơi đây các vua Trần đã dựa vào hình sông thế núi hiểm trở, xây dựng hành cung, tạo thế trận chống lại các thế lực xâm lược. Cũng tại nơi đây, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu hành trước khi lên Yên Tử lập ra phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trên nền cảnh thiên nhiên ngàn non xanh thẳm, mây trắng, sông trong, lúa vàng tuyệt sắc, trên bề dày lịch sử văn hóa nông nghiệp, nông thôn đặc sắc ở địa phương, cánh đồng lúa Tam Cốc từng được chuyên trang du lịch Business Insider bình chọn là một trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam.

Với những tài liệu vật chất lấy lên từ lòng đất mẹ cho thấy nơi đây là một trong những cái nôi khởi thủy của nền nông nghiệp sơ khai. Từ những tài liệu khảo sát dân tộc học cho thấy nơi đây còn bảo tồn tín ngưỡng thờ Thần núi, Thần rừng, Thần nông từ ngàn xưa của người Việt.

Qua phân tích các mẫu vật lấy lên từ lòng đất trong thung lũng đền Nội Lâm, có bào tử phấn hoa của những loài thực vật có củ, hạt cùng những tro than sinh ra trong quá trình đốt, dọn vườn canh tác và đặc biệt bên cạnh thung lũng này còn có những di chỉ cư trú trong hang, mái đá, nơi phát hiện những mảnh gốm tối cổ có tuổi khoảng trên dưới 9.000 năm cách ngày nay. Và như vậy nơi đây là một trong những trung tâm gốm sớm ở Đông Nam Á và thế giới.

Từ những mảnh gốm tối cổ (những mảnh đế; thân; miệng của nồi gốm và bình gốm) này cho chúng ta liên tưởng tới một nền nông nghiệp sớm ở nơi đây nảy sinh và phát triển cùng với sự phát minh ra đồ gốm khi cư dân thời tiền sử có nhu cầu tích trữ lương thực, nhu cầu làm chín (nấu chín) các loài lương thảo dạng hạt. Một nền nông nghiệp sớm với mô hình kinh tế nông nghiệp thung lũng sơ khai từ việc dọn vườn chăm sóc cây có củ, quả, hạt, hái lượm lúa hoang, đến việc gieo trồng, thuần hóa trâu, cho trâu giẫm ruộng, dẫn nước, ve bờ, mô hình này thường thấy ở trong hệ sinh thái (sinh cảnh) được khái quát theo trật tự: suối-bãi bồi thung lũng-thềm cổ-đồi trung sinh hay miền trước núi-núi đá vôi karst (với các hang động, mái đá) (Trần Quốc Vượng 1986), riêng ở thung lũng Hoa Lư còn có thêm yếu tố nữa là cận kề với biển.

Nông nghiệp là khởi đầu của văn minh nhân loại, văn minh lúa nước, văn minh Việt Cổ, được khởi thủy từ văn hóa Hòa Bình-Bắc Sơn, màn dạo đầu trước đây trên dưới một vạn năm của một cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra trên toàn vùng Đông Nam Á. Khu vực Tam Cốc chứa đựng những chứng cứ vật chất minh chứng cho nền nông nghiệp sơ khai này, gắn với những tín ngưỡng thờ thần Núi, thần Nông còn tồn tại trong cư dân bản địa ngày nay. Bằng sức lao động sáng tạo của người dân địa phương, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp đã đưa hình ảnh, giá trị văn hóa của cánh đồng lúa bên dòng Ngô Đồng đến với bạn bè trong nước và quốc tế, khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Theo chu kỳ sinh trưởng của lúa, khi đồng xanh chuyển sắc vàng, sáng lên những ánh mắt, nụ cười của người dân địa phương đong đầy những mãn nguyện, ước vọng. Trong tín ngưỡng thờ thần Núi, thần Rừng, thần Nông, cư dân bản địa nhờ hương của cơm mới, dâng tiến sản vật, tâm tưởng, đồng lòng hướng về tiên tổ, nhớ khi xưa khai mở làm nông, cho trâu giẫm ruộng, đến những bậc quân vương khuyến nông cầy tịch điền, dựng hành cung, làm kế sâu rễ, bền gốc, cho đất nước thanh bình, mục đồng thổi sáo, đưa chúng ta về miền cổ tích. Đây cũng là thời điểm khai mạc Tuần du lịch Ninh Bình. Người dân địa phương hồ hởi đón khách như đón người thân đi xa lâu ngày trở về. Cảnh sắc của thiên nhiên núi xanh, mây trắng, lúa vàng, nơi giao hòa và hội tụ của hồn thiêng sông núi cùng với con người thân thiện, hiền hậu đã và luôn là nơi muốn đến, là nguồn cảm hứng sáng tác cho các loại hình nghệ thuật thơ ca, nhiếp ảnh, điện ảnh…..

Người dân Ninh Bình đã và đang tiếp tục kế thừa, phát huy các thành quả, giá trị thiêng liêng mà thế hệ cha ông để lại, sử dụng bền vững cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Tất cả nguồn lực ấy được sử dụng tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, để Ninh Bình cùng cả nước vươn dậy trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Cao Tấn (Sở Du lịch Ninh Bình)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoc-dong-ngo-dong-ve-noi-khoi-thuy-nghe-nong/d20240526221040280.htm