Ngồi lên đùi trai lạ, nhìn chăm chăm vào ngực những cô gái trên phố: Nghĩ 'Troll troll' vậy là vui?

Trào lưu Troll Việt Nam thời gian gần đây không ngừng 'chiếm sóng' trên các trang mạng xã hội. Nhưng những trò đùa này có thực sự khiến người ta cảm thấy vui vẻ?

Clip: Những trò đùa phản cảm

“Troll Việt Nam” - Trò đùa có thực sự vui?

Thời gian gần đây, những video với nội dung "Troll Việt Nam" cùng cụm từ này bỗng trở thành xu hướng trên các trang MXH và đặt biệt là nơi khởi nguồn của xu hướng này - Tiktok. Trong những video, người quay sẽ tạo ra một số tình huống nhằm trêu đùa người khác và quay lại phản ứng của họ bằng camera ẩn. Đến cuối đoạn video, người quay sẽ nói "troll Việt Nam" để ngụ ý tất cả chỉ là một trò đùa.

Những video về "Troll Việt Nam" như vậy không ngừng được đăng tải và thu hút hàng chục ngàn, hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố hài hước thì trào lưu này cũng khiến không ít người cảm thấy phiền toái hoặc thậm chí là phản cảm. Bởi những tình huống "khó đỡ" hay bị nhiều người coi là "dung tục" vẫn được những "nhà sáng tạo nội dung" cố ý tạo ra để thu hút lượt xem.

Ví dụ như đoạn một cô gái trẻ bất ngờ ngồi vào lòng của chàng trai đang ngồi nghỉ trên chiếc ghế ở phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Khi được nhắc nhở ngồi sang bên cạnh, cô gái này cười và lấy một lý do đầy khiên cưỡng "em xin lỗi, em đang nghe điện thoại". Chưa dừng lại, trong đoạn video được biên tập lại còn chèn dòng chữ khá thiếu tế nhị cho rằng chàng trai thực tế cảm thấy vui vẻ vì điều này.

Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà “sáng tạo nội dung” cho dạng video này không ngừng nhắm đến phái nữ. Như tình huống một cô gái đang đi dạo trên phố bất ngờ bị hai thanh niên lạ mặt tiến lại gần và buông những lời đánh giá, cười cợt về bộ phận nhạy cảm trên cơ thể khiến bạn nữ đã tức giận đến mức hất thẳng ly nước đang cầm trên tay vào mặt nam thanh niên.

Hay như trong một trích đoạn khác, khi người làm nội dung dí thẳng ống kính vào các cô gái đi đường trong tư thế quay phim nhưng thực chất là sử dụng camera trước, sau đó mang phản ứng của các cô gái ra để chế giễu, cười cợt và đăng tải đoạn video với một tiêu đề hết sức nhạy cảm.

Không phải ai cũng tình nguyện trở thành một phần của trò đùa

“Mình không cảm thấy nó hài hước lắm, thậm chí còn cảm thấy nó khá là vô duyên”

“Hay gọi là content (nội dung) bẩn”

Đây là nhận xét của một số bạn trẻ - những người được cho là đối tượng người xem chính được người đăng tải các đoạn video trên nhắm đến. Rõ ràng có thể thấy, bên cạnh những mặt giải trí, hài hước mà “Troll Việt Nam” mang lại thì trào lưu này đã dần biến tướng và tạo ra các phản hồi tiêu cực.

Bích Vân (15 tuổi) khá bức xúc khi nhắc đến trào lưu này. Nữ sinh cho rằng, kể cả khi những trò trêu đùa đó có là lời khen, nhưng khi được thể hiện một cách “lố lăng” thì không bao giờ là đàng hoàng.

Có thể thấy trong những đoạn video trong trào lưu “Troll Việt Nam” này, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhân vật chính trong những trò đùa này.

Các cử chỉ động chạm thân mật quá mức, những lời nói không chút lịch sự… cũng được làm ra dù với người quen hay người chỉ đang vô tình đi trên đường. Và dù người bị quay có cảm thấy khó chịu, bị làm phiền hay đang bị quấy rối ... cũng có thể được xí xóa và giải thích chỉ bằng một tiếng cười cùng câu nói "Troll Việt Nam".

Với nhiều bạn trẻ, khi được đặt vào tình huống bỗng trở thành “nhân vật chính” trong những trò đùa như vậy có thể là một trải nghiệm không hề dễ chịu.

Minh Hòa (21 tuổi) cho biết: “Mình sẽ cảm thấy khó chịu vì những bạn đó chưa tôn trọng quyền riêng tư của mình”.

“Những cử chỉ thân mật thường dành cho những cặp đôi hoặc người trong gia đình, nhưng với người lạ thì em cảm thấy nên xem xét lại”.

“Những cử chỉ thân mật thường dành cho những cặp đôi hoặc người trong gia đình, nhưng với người lạ thì em cảm thấy nên xem xét lại”.

“Mình cảm thấy cơ thể của người con gái bị đem ra làm trò đùa" - Uyển Nhi (22 tuổi) càng cảm thấy bức xúc khi hầu như đối tượng bị nhắm đến trong những đoạn video này đều là các bạn nữ.

Không chỉ chính bản thân người vô tình bị kéo vào những trò trêu đùa cảm thấy khó chịu, nhiều bạn trẻ cho rằng, trào lưu này nếu ngày càng được lan rộng có thể để lại những hệ quả nhiều hơn thế.

Bích Hồng (15 tuổi) cho rằng những video này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ mà còn tác động đến suy nghĩ, nhận thức của nhiều đối tượng khác trong xã hội: “Mạng xã hội bây giờ rất dễ để mọi người tiếp cận được dù là trẻ em hay người lớn. Nếu trẻ em xem được sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ, người lớn xem được cũng sẽ nghĩ xấu hơn về mạng xã hội mà giới trẻ hiện đang sử dụng dù nó cũng có rất nhiều mặt tốt”.

Bích Hồng, 15 tuổi (TPHCM)

Bích Hồng, 15 tuổi (TPHCM)

Từng là một “nạn nhân” của trò đùa phản cảm trên phố Hà Nội, nữ sinh tên L. (xin giấu tên) cho rằng mình cảm thấy bị xúc phạm, vì trò đùa không nhằm mang lại tiếng cười mà gây cho nạn nhân cảm giác… sượng trưng, quê vì bị hớ.

“Mình đang dạo chơi với bạn thì một nhóm người chạy đến làm ầm lên, la mắng nói mình… giựt chồng người khác, ngủ với trai đã có vợ. Khiến bao nhiêu người xung quanh nhìn mình với con mắt phán xét. Chỉ khi mình tỏ thái độ bực dọc thì họ mới cười và chỉ vào camera giấu kín, nhưng nói thật, mình cười không nổi”, L. kể lại tình huống bạn gặp phải vào năm 2022. Đoạn clip này sau đó cũng không được đăng tải lên nền tảng nào.

“Không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn có thể được coi là hành vi quấy rối tình dục”

Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Chuyên gia tâm lý giáo dục, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cho rằng sự xuất hiện của trào lưu "Troll Việt Nam" đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Nội dung phản cảm, xúc phạm phụ nữ và đề cập đến vấn đề nhạy cảm về tính dục không chỉ đi ngược lại với văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bị troll và toàn xã hội.

“Theo quan điểm cá nhân tôi thấy trò đùa này gây tổn thương, nội dung xúc phạm, miệt thị không chỉ làm tổn thương tinh thần người bị troll mà còn ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của họ. Việc lan truyền những hình ảnh, video nhạy cảm còn là sự xâm hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư cá nhân.

Tiến sĩ Vũ Việt Anh

Tiến sĩ Vũ Việt Anh

Trào lưu này không chỉ lan tỏa văn hóa phản cảm, thiếu tôn trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ mà còn gây nhiễu loạn môi trường mạng, ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ về các giá trị đạo đức”, Tiến sĩ Vũ Việt Anh nói.

Theo Tiến sĩ Việt Anh, mục đích của việc nói đùa là để mang lại tiếng cười, không phải để hạ thấp hay xúc phạm người khác.Nếu họ cảm thấy khó chịu, tức giận, đó là dấu hiệu bạn đã vượt qua ranh giới. Phải biết đặt mình vào vị trí người khác: Hãy suy nghĩ xem nếu bạn là người bị nói đùa, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

“Từ góc độ chuyên môn, những hành động bạn mô tả không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn có thể được coi là hành vi quấy rối tình dục. Quấy rối tình dục có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau, từ việc nhìn chằm chằm vào phần cơ thể riêng tư của người khác, sử dụng ngôn từ tục tĩu hoặc gợi dục, cho đến hành động vật lý như chạm vào người khác mà không có sự đồng ý. Những hành động này không chỉ là vi phạm pháp luật ở nhiều quốc gia mà còn gây ra tổn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý cho nạn nhân.

Để bảo vệ quyền riêng tư và sự an toàn của mọi người, cần có sự can thiệp từ cả cộng đồng và pháp luật. Cộng đồng cần phải lên án mạnh mẽ những hành vi này và hỗ trợ nạn nhân, trong khi hệ thống pháp luật cần đảm bảo rằng những hành vi quấy rối được xử lý nghiêm minh”.

Ngoài ra, việc giáo dục cộng đồng về quyền riêng tư và sự tôn trọng lẫn nhau là hết sức quan trọng. Cần phải có những chương trình giáo dục để nâng cao nhận thức về tác hại của quấy rối tình dục và cách thức bảo vệ bản thân khỏi những hành vi này. Đồng thời, cần khuyến khích mọi người nói lên và báo cáo khi chứng kiến hoặc trải qua quấy rối, để cộng đồng có thể hành động và ngăn chặn kịp thời.

Ngưng lan truyền những video “troll” phản cảm

Việc lan truyền các video phản cảm có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến trẻ em và trẻ vị thành niên. Dưới đây là một số hậu quả tiêu biểu mà Tiến sĩ Vũ Việt Anh chia sẻ:

- Ảnh hưởng đến hành vi và nhận thức: Trẻ em và trẻ vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển, dễ bị ảnh hưởng bởi những gì họ tiếp xúc hàng ngày. Video phản cảm có thể làm méo mó nhận thức của trẻ về chuẩn mực xã hội và đạo đức, dẫn đến việc hình thành những hành vi không lành mạnh.

- Tác động đến sức khỏe tâm thần:

Nội dung không phù hợp có thể gây ra các vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm, và các rối loạn hành vi khác.

- Làm giảm khả năng tập trung và học tập: Trẻ em tiếp xúc với nội dung phản cảm có thể mất đi sự tập trung cần thiết cho việc học tập và phát triển kỹ năng.

- Tăng nguy cơ bắt chước hành vi xấu: Trẻ em có xu hướng bắt chước những gì họ thấy, đặc biệt là từ những người họ coi là thần tượng. Video phản cảm có thể khiến trẻ bắt chước những hành vi không mong muốn.

- Suy giảm giá trị đạo đức: Trẻ em và trẻ vị thành niên có thể bắt đầu coi những hành vi phản cảm là bình thường nếu chúng được lan truyền rộng rãi và không bị lên án.

Để bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng tiêu cực này, cần có sự giám sát của phụ huynh trong việc tiếp xúc với nội dung trực tuyến, cũng như giáo dục trẻ về cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và có trách nhiệm.

Ngoài ra, cần có sự hợp tác từ các nền tảng mạng xã hội để kiểm soát và hạn chế nội dung phản cảm, đồng thời tăng cường các chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần và đạo đức xã hội cho trẻ em và trẻ vị thành niên.

Phạm Trang - Clip: Nhật Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ngoi-len-dui-trai-la-nhin-cham-cham-vao-nguc-nhung-co-gai-tren-pho-nghi-troll-troll-vay-la-vui-20240320082058968.htm