Ngọc nữ khoa học
Biệt danh ấy không chỉ gợi đến vẻ đẹp nữ tính mà còn hàm chứa sự tỏa sáng như ngọc mài giũa qua thời gian. Đó là một bản thể dung hòa chất nghệ sĩ trong tâm hồn từng đắm say với múa, đam mê âm nhạc, ôm ấp giấc mơ văn chương và một trí tuệ khoa học sắc sảo.
PGS. TS Trần Ngọc Mai được phong học hàm Phó Giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024, ở tuổi 33. Chị đã khẳng định vị trí trong giới học thuật bằng hơn 30 công bố khoa học giá trị xoay quanh các lĩnh vực đầu tư, thương mại toàn cầu và phát triển kinh tế bền vững.
Nghề chọn tôi

PGS. TS Trần Ngọc Mai nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2024. Ảnh: Xuân Tùng
“Làm khoa học là nghề… chọn tôi. Cũng bất ngờ lắm”, chị Mai khẽ cười, ánh mắt xa xăm như đang nhìn lại chặng đường mình đã đi qua, đầy những ngã rẽ không ai ngờ tới.
Ấn tượng đầu tiên về chị là sự tươi tắn, năng lượng lan tỏa qua đôi mắt sáng. Ít ai ngờ rằng, chị từng là một cô bé yếu ớt, sức khỏe mong manh đến mức trở thành nỗi lo thường trực của cả gia đình.
Những năm cấp 3, tai nạn nghiêm trọng khiến chị phải trải qua ca phẫu thuật tụ máu não, biến cố lớn không chỉ khiến người thân lo lắng, mà còn gieo vào chị sự hoài nghi về tương lai, đặc biệt là khả năng theo đuổi con đường khoa học đầy áp lực, đòi hỏi bền bỉ.

Nữ Phó giáo sư trẻ chia sẻ, truyền cảm hứng cho sinh viên.
“Ngày ấy, tôi chỉ nghĩ đến những giấc mơ bay bổng như làm nhà văn, nhà thơ hay nhạc sĩ”, chị nhớ lại. Cả gia đình và chính chị, chưa từng hình dung sẽ có ngày bước đi trên con đường khoa học.
Tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Nebraska (Mỹ), chị Mai quyết định về nước làm giảng viên. Những năm đầu, chị không thích làm nghiên cứu vì không đủ kiên nhẫn ngồi một chỗ, không đủ tập trung kiên trì làm một việc.
Nhưng trong quá trình nỗ lực làm tròn công việc của mình, từ học thạc sĩ rồi tiến sĩ, bất chợt Mai nhận ra nghiên cứu khoa học đã chuyển hóa mình từ lúc nào. Đó là sự chuyển hóa tích cực khi Mai có thể miệt mài nghiên cứu nhiều giờ đồng hồ với đầu óc thông suốt.
“Đây là một điều vô cùng kỳ diệu với chính bản thân tôi, trở thành một con người mà trước đây tôi không bao giờ nghĩ có thể đạt được. Và tôi quyết định theo đuổi con đường khoa học”, chị hạnh phúc khi đã “bắt” được “cái duyên” với học thuật.
Giải pháp từ dòng FDI xanh
Hướng nghiên cứu chính của PGS, TS Trần Ngọc Mai tập trung về đầu tư quốc tế, thương mại quốc tế, quản trị hành vi và thực hành kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững.
Một thành tựu nổi bật đó là chuỗi công bố khoa học liên quan đến phát triển bền vững thông qua việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, giảm thiểu phát thải CO2 và áp dụng logistics xanh.
Nghiên cứu đã chứng minh được mối tương quan mật thiết tích cực giữa dòng vốn FDI và phát triển năng lượng tái tạo. Nghiên cứu đã chỉ ra GDP và phát thải CO2, nếu không được kiểm soát, sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển năng lượng sạch cũng như tính bền vững của nền kinh tế.
Ngược lại, FDI xanh khi được quản trị một cách hiệu quả sẽ trở thành động lực cho quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Nghiên cứu của nhà khoa học trẻ cho thấy, việc thu hút và triển khai hiệu quả dòng vốn FDI, đặc biệt là FDI xanh, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm thiểu lượng khí thải CO2.
Hành trình của PGS.TS Trần Ngọc Mai không phải là câu chuyện về một “ngọc nữ” được trải sẵn lối đi, mà là minh chứng sống động cho bản lĩnh, sự tự vượt lên và lòng kiên trì không mệt mỏi. Chị đã cho thấy mọi giới hạn đều có thể được phá bỏ, khi con người dám lắng nghe chính mình và không ngừng tiến bước.
Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc áp dụng mô hình logistics xanh không chỉ mang lại lợi ích về mặt môi trường mà còn gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Những công bố của nữ PGS trẻ đã trở thành cơ sở khoa học vững chắc cho các doanh nghiệp, nhà quản lý trong lồng ghép mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đưa ra gợi ý phương pháp luận cho các nghiên cứu tiếp theo về logistics xanh.
Với các nghiên cứu cơ bản, chị Mai luôn tâm niệm rằng, ngay cả nghiên cứu lý thuyết, vẫn có thể ứng dụng hoặc phổ biến tri thức để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Nghệ thuật thăng bằng
“Là phụ nữ, tại sao không an phận làm một giảng viên ngày ngày lên lớp giảng bài, tối về nhà cơm nước chăm sóc gia đình?” - chị Mai tự hỏi. Dường như có lúc chị cũng thấm mệt trong hành trình bền bỉ với khoa học, kiêm nhiều trách nhiệm trên vai.

PGS. TS Trần Ngọc Mai - Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Nhưng chính trong những khoảnh khắc đó, chị lại nghĩ, nếu cuộc sống mà không có sự tiến bộ, đó là một cuộc sống tẻ nhạt. Khi nói về định kiến giới của xã hội, nữ PGS khẳng định, bản thân mới chính là người quyết định xem mình có bị ảnh hưởng bởi những định kiến đó hay không.
"Trong nghiên cứu, nữ giới có sự tinh tế, chi tiết và sức bền về tinh thần nên rất cẩn trọng, tỉ mỉ và giàu tính linh hoạt. Tôi nhận ra việc dung hòa nhiều trách nhiệm và bổn phận trong cuộc sống đã hun đúc nên người phụ nữ chịu áp lực và duy trì năng lượng tốt hơn", chị chia sẻ.
Nghiên cứu khoa học đôi khi cũng mang đến cảm giác nhàm chán. Vì vậy, “độ bền” không chỉ nằm ở nỗ lực theo đuổi một phát hiện mới, mà còn ở việc kiên định với cả những công việc lặp đi lặp lại, đôi khi đơn điệu, khô khan.
Biệt danh ấy không chỉ gợi đến vẻ đẹp nữ tính mà còn hàm chứa sự tỏa sáng như ngọc mài giũa qua thời gian. Đó là một bản thể dung hòa chất nghệ sĩ trong tâm hồn từng đắm say với múa, đam mê âm nhạc, ôm ấp giấc mơ văn chương và một trí tuệ khoa học sắc sảo.
“Việc bị “gián đoạn” trong quá trình phấn đấu, thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ lại là cách họ cho phép mình có những khoảng nghỉ để lắng nghe, hoàn thiện bản thân hơn. Khi trở lại, họ như được tiếp thêm sức mạnh để đi nhanh hơn”, chị Mai bộc bạch.
Khi nhận danh hiệu nữ PGS trẻ nhất năm 2024, Mai có những đêm mất ngủ, trăn trở vì sợ rằng, bản thân không gánh vác nổi kỳ vọng mà xã hội đang đặt lên vai…
Danh hiệu PGS trẻ nhất có thể là chiếc áo rộng ban đầu, nhưng với Mai, đó cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm và một lời mời gọi tiếp tục hành trình chinh phục những đỉnh cao mới.
Bằng trải nghiệm và chiêm nghiệm của mình, chị chọn cách truyền cảm hứng bằng lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng đầy sức nặng: “Hãy xóa bỏ những khuôn khổ trong chính mình để có thể thỏa sức bay xa!”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngoc-nu-khoa-hoc-post1737043.tpo