Ngoại giao kinh tế thúc đẩy thu hút đầu tư

Việc tăng cường công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đã được tỉnh tích cực bám sát triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nhờ các chính sách ngoại giao kinh tế, hoạt động xuất khẩu sản phẩm tại Tổng Công ty may Hưng Yên- Công ty cổ phần có nhiều thuận lợi

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác NGKT, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Ngành chức năng đã kịp thời thông tin, dự báo về cơ hội cũng như rủi ro kinh tế dưới tác động của tình hình thế giới, giúp các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, triển khai định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng hiệu quả với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương bám sát các quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao ổn định, ở tầm đối tác chiến lược, toàn diện để định hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò cảnh báo, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vướng mắc trong kinh doanh với nước ngoài, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tránh được rủi ro, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động. Nhờ đó, hơn 300 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực tiếp và tham gia xuất khẩu hàng hóa theo hình thức ký gửi, ủy thác. Các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu đã phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN… Năm 2022, mặc dù nhu cầu mua sắm hàng hóa trên thị trường toàn cầu giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt 6.300 triệu USD, tăng 12,5% so với năm 2021. Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam có tăng trưởng ở mức cao như: Liên minh châu Âu (EU); khu vực Đông Nam Á…

Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giảm chi phí nhằm tăng sức hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI. Trong đó tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua cơ quan ngoại giao và doanh nghiệp nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư ổn định tại tỉnh. Chuẩn bị hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và mặt bằng, nhất là tại các KCN, để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn tỉnh có 513 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 6,2 tỷ USD. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, quy mô nền kinh tế được mở rộng, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hoạt động đối ngoại kinh tế được duy trì, thúc đẩy hiệu quả. Điển hình như việc thực hiện các dự án ODA trên các lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục. Hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT được tỉnh quan tâm nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, cải thiện tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc quá nhiều vào hóa chất trong cả quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; đưa nông nghiệp của tỉnh tiếp cận với công nghệ cao và thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành. Do đó, tỉnh đã xây dựng các quan hệ hợp tác với một số đối tác như: Nhật Bản, Belarus… để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh tổ chức gần 150 đoàn cán bộ, công chức, viên chức đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Pháp... Các đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến và kêu gọi đầu tư tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Italy, Nga... để kêu gọi đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi khi đầu tư vào tỉnh. Qua các chương trình hợp tác lao động, toàn tỉnh có gần 10 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các ngành, nghề khác nhau tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia...

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, xác định công tác NGKT cần được các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả một cách toàn diện, thực chất, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng bám sát và thực hiện công tác NGKT theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 để thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Đồng thời, đề xuất các bộ, ngành Trung ương quan tâm đào tạo và tăng cường năng lực, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức về NGKT cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ của địa phương; hỗ trợ, tạo điều kiện cho địa phương tham gia và triển khai các đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp từ các dự án hợp tác quốc tế; tạo điều kiện giúp đỡ quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh; hỗ trợ giới thiệu, kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư vào địa phương.

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202304/ngoai-giao-kinh-te-thuc-day-thu-hut-dau-tu-7170636/