Nghiện game và những hệ lụy khôn lường
Cái chết của bé trai 5 tuổi ở Nghệ An vì hành động của một con nghiện game khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Vụ án xảy ra cũng là hồi chuông báo động về hệ lụy từ việc nghiện game, dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Nghiện game... thành tội phạm
Mới đây, cháu Đ (5 tuổi) ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau 2 ngày mất tích được tìm thấy đã tử vong trong tình trạng 2 tay bị trói, bịt miệng trong rừng cách nhà khoảng 10km.
Bước đầu điều tra, H (17 tuổi), một nam sinh lớp 11 là hàng xóm của cháu Đ, được xác định là nghi phạm chính trong vụ án.
H thừa nhận việc bắt cóc cháu Đ rồi giấu vào trong rừng giống như nội dung một trò chơi điện tử. H sẽ đóng vai đi tìm kiếm và đưa cháu về như một cách lập công cho gia đình để nhận thưởng. Tuy nhiên, do lo sợ nên H đã không đưa cháu bé về, dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé ở trong rừng.
Bé trai 5 tuổi ở Nghệ An bị trói, bỏ chết vì hành động của một con nghiện game. Ảnh: Internet.
Cái chết của bé cháu bé khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Vụ án xảy ra cũng là hồi chuông cảnh báo về hệ lụy từ việc nghiện game dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Ăn ngủ ở quán game
Hiện nay, học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường sa đà vào các trò chơi ảo trên mạng internet ngày càng nhiều. Căn bệnh nghiện game không mới, thậm chí đã trở thành một vấn nạn trong giới thanh thiếu niên hàng chục năm nay.
Mục sở thị các tiệm internet, tiệm game từ nông thôn đến thành thị sẽ thấy cảnh đông nghịt khách hàng, đa phần “thượng đế” là học sinh, sinh viên.
Tất cả “thượng đế” đều say sưa với các màn tranh đấu đang diễn ra, tiếng la hét gọi nhau ầm ĩ. Nhiều quán có đủ các món mì, phở, bánh ngọt, nước ngọt… phục vụ các game thủ trong cuộc chơi thâu đêm.
“Đợt nghỉ dịch em chơi suốt ngày, từ khi đi học, em chơi ngày 5 - 6 tiếng sau giờ tan học. Chơi xong về mệt lã người ngủ luôn ”- một học sinh đang học lớp 7 của một ngôi trường tại trung tâm TP. Quảng Ngãi vô tư nói.
Nghiện game của giới trẻ là vấn nạn nhức nhối đã chục năm qua.
Ngồi kế bên nam sinh này, thanh niên 25 tuổi thừa nhận mình từng nghiện game suốt 10 năm liền cho đến khi đi làm mới cai nghiện, nhưng giờ mỗi ngày vẫn chơi vài giờ đã thỏa lòng.
“Chơi game rất dễ nghiện vì có bạn bè cùng chơi nên rất vui, các màn thi đấu trong game rất kịch tính. Đã nghiện game rồi thì rất khó bỏ, không ít bạn ăn ngủ luôn tại quán. Nếu chơi lâu quá sẽ ảnh hưởng đến não, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu” - nam thanh niên 25 tuổi giãi bày.
Hệ lụy khôn lường
Nghiện game không chỉ bỏ bê học hành, rối loạn tâm thần, thậm chí, không ít trường hợp kiệt sức, tử vong vì thâu đêm, suốt sáng ở quán game hoặc do bị ám ảnh từ game đã trở thành sát nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Bé, Trưởng Khoa Khám bệnh-Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều trẻ nghiện game. Nghiện game có thể dẫn đến bạo lực, thậm chí gây án vì một lúc nào đó, người chơi không phân biệt được diễn tiến trong game và đời thực.
Họ đem tất cả diễn tiến, nội dung trong game áp dụng vào đời thực mà nội dung trong game thì bạo lực chiếm phần lớn. Vì thế, họ có hành vi bạo lực dẫn đến hệ lụy cho xã hội, thậm chí dẫn đến án mạng.
Hành vi bạo lực trong game khiến người chơi bị ảo giác dẫn đến có hành động nguy hiểm cho bản thân, cho xã hội, thậm chí dẫn đến án mạng.
Triệu chứng nghiện game giống như triệu chứng nghiện ma túy, đó là cảm giác thèm chơi game mãnh liệt, không kiểm soát hành vi khi chơi game, chơi liên tục không nghỉ, không quan tâm đến việc khác ngoài chơi game, che dấu sự căng thẳng về cảm xúc khi chơi game, nói dối về thời gian, tiêu tốn tiền bạc không rõ.
Triệu chứng nghiện game cũng giống nhu trầm cảm như khí sắc trầm buồn, giảm tất cả các quan tâm, thích thú, mất ngủ, ăn uống kém, suy kiệt, giảm năng lực hoạt động bình thường, thậm chí có ý tưởng tự sát.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Bé, để điều trị nghiện game cho trẻ, điều trị chính nhất là về liệu pháp tâm lý, từ gia đình đến xã hội. Về thuốc có thể dùng hóa dược để hỗ trợ nếu có triệu chứng như nghiện ma túy hay có triệu chứng giống như giai đoạn lo âu trầm cảm.
Để trẻ không sa đà vào các trò chơi của game, cha mẹ, người thân cần quan tâm đến trẻ. Cần tạo cho trẻ có sân chơi lành mạnh, hướng đến học tập hoặc giải trí vui chơi lành mạnh, tạo sự gần gũi, thông cảm, chia sẻ, nhất là trẻ lứa tuổi vị thành niên khi tâm, sinh lý đang phát triển hay thể hiện cái tôi của mình.