Nghiên cứu giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, tiến tới 10 năm

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết đang chủ trì xây dựng dự Luật BHXH sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng BHXH để người lao động hưởng lương hưu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ngành vừa trực tiếp đối thoại với công nhân trên cả nước. Cuộc đối thoại đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân diễn ra tại Bắc Giang - nơi có hơn 300.000 lao động đang làm việc. Khoảng 4.500 người có mặt tại điểm cầu chính Bắc Giang, nhiều công nhân cả nước đã gửi đến Thủ tướng và các lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) những kiến nghị về sửa luật BHXH, hạn chế rút BHXH một lần; xử lý doanh nghiệp nợ lương, trốn đóng BHXH....

Giảm số năm đóng BHXH

Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà năm nay 40 tuổi, làm việc ở HTX Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP. HCM, nêu thực trạng hiện nay Luật BHXH còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40-45 tuổi.

Nhiều công nhân phản ánh về tình trạng bất cập trong chính sách BHXH, trốn đóng BHXH của chủ sử dụng lao động.

Nhiều công nhân phản ánh về tình trạng bất cập trong chính sách BHXH, trốn đóng BHXH của chủ sử dụng lao động.

Theo đó, công nhân Hà đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút BHXH một lần. "Chúng tôi đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút", chị Hà chia sẻ.

Chia sẻ với băn khoăn của công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cho biết cả nước hiện có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ hơn 20 triệu người có giao kết, hợp đồng lao động. Hơn 16 triệu người, trong đó đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, tỷ lệ tham gia rất thấp.

Tình trạng người dân rút BHXH một lần thời gian qua là không tốt, gây hệ lụy lâu dài với tương lai lao động lẫn chính sách an sinh. Tuy nhiên, để hạn chế người lao động rút BHXH một lần, trước hết phải nâng cao đời sống, phúc lợi của công nhân và sửa Luật BHXH.

Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì xây dựng dự Luật BHXH sửa đổi với 11 nhóm chính sách mới và năm 2023 sẽ trình ra Quốc hội. Một trong những sửa đổi căn cơ là giảm dần số năm đóng BHXH để người lao động hưởng lương hưu.

"Dự thảo sẽ rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm để người lao động có thể tiếp cận hưu trí, tránh việc 20 năm quá dài không thể theo được", ông Dung nói, dựa trên nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

Luật BHXH sửa đổi cũng sẽ tạo cơ chế để khuyến khích lao động tham gia BHXH dài hơn. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm việc lợi dụng lúc khó khăn để ép, mua bán chuyển đổi sổ BHXH.

Cũng liên quan tới vấn đề BHXH, công nhân Nguyễn Mạnh Hùng, 41 tuổi, Công ty CP May xuất khẩu Hà Bắc, nêu thực trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều. Dịp gần Tết Nguyên đán vừa qua, công ty nơi bạn anh làm việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH nên công nhân không có lương, thưởng Tết.

"Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động để chúng tôi yên tâm làm việc", anh Hùng nói.

Xử lý nghiêm tình trạng trốn đóng BHXH

Trước thực trạng nhức nhối trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định chủ sử dụng lao động và người lao động Việt Nam cơ bản chia sẻ, gắn bó với nhau, nên đất nước mới phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, còn một bộ phận người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về lao động. Các địa phương rất cố gắng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Hệ thống pháp luật cơ bản hoàn thiện, nhưng tình trạng nợ lương, nợ, chậm đóng BHXH... vẫn xảy ra, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Dung cho hay gần đây một địa phương Bắc Trung Bộ có 1/4 doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Khi kiểm tra họ nói chậm đóng chứ không phải trốn. Bộ phối hợp với Hội đồng Thẩm phán bàn với nhau ra Nghị quyết 05 hướng dẫn áp dụng Tội trốn đóng BHXH, tới đây sẽ có hướng dẫn chi tiết. "Chúng tôi tiếp thu phản ánh của công nhân và cố gắng làm tốt nhất ở công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm", ông Dung nói.

Về tình trạng trốn đóng BHXH, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng LĐ-TB&XH cùng Bộ Công an, các bộ ngành liên quan đánh giá lại tình hình trên phạm vi cả nước, trên cơ sở đó rà soát quy định pháp luật, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền Chính phủ, bộ ngành thì xử lý ngay để đảm bảo lợi ích của người lao động. Chủ tịch UBND các tỉnh thành, BHXH tổ chức thực thi pháp luật nghiêm, ai chưa chấp hành thì phải xử lý, ai làm tốt thì tổng kết mô hình để nhân rộng.

Nói thêm về vấn đề BHXH, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, việc xây dựng luật pháp chính sách không thể bao hết mọi khía cạnh cuộc sống nên ban hành phải căn cứ thực tiễn, "lấy thực tiễn làm thước đo".

Cụ thể, Thủ tướng đánh giá quá trình xây dựng Luật BHXH có những vấn đề chưa sát thực tế, nhưng chính sách không thể nào bao hết được mọi khía cạnh của cuộc sống. Với nguyên tắc căn cứ vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, vừa qua một số vấn đề chưa sát thực tế được Tổng liên đoàn tập hợp, Chính phủ tiếp thu ý kiến công nhân, tổ chức công đoàn. Từ đó, Chính phủ đã trình Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2023 để giải quyết được bài toán mà thực tiễn đặt ra, những điểm luật pháp chưa sát thực tế.

"Trước mắt các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm thực hiện luật pháp nghiêm túc, những vấn đề tồn tại sẽ được điều chỉnh, đảm bảo quyền của người lao động và sát thực tế đất nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/nghien-cuu-giam-so-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-xuong-15-nam-tien-toi-10-nam-1086054.html